
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai, ngày 05/12/2022
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1089
“TIN LÀ MÊ TÍN, KHÔNG TIN CŨNG LÀ MÊ TÍN”
Những sự việc rõ ràng, tường tận mà chúng ta không tin thì chúng ta là người mê tín. Những sự việc không rõ ràng, tường tận mà chúng ta tin thì chúng ta cũng là người mê tín. Một đời Hòa Thượng giảng Kinh, nói pháp, khi Ngài 36 tuổi, Ngài đã tam bất quản: “Không quản tiền, không quản việc, không quản người” nhưng cũng có rất nhiều người không tin lời Hòa Thượng. Nhiều người chỉ cần nghe một người nào đó nói thì họ đã vội tin theo.
Ngày trước, có một người ở Mỹ gọi điện cho tôi, họ nói họ muốn nhận tôi làm Sư phụ, họ muốn lễ lạy tôi. Tôi nói họ chỉ cần lạy Phật là được, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật là chính là vị Thầy đầu tiên nhưng họ nhất định muốn lạy tôi. Một thời gian sau, họ gọi điện cho tôi họ nói rằng không nhận tôi làm Thầy nữa. Thế gian có rất nhiều người hồ đồ. Họ mơ mơ hồ hồ đến rồi mơ mơ hồ hồ đi.
Khi Hòa Thượng sắp vãng sanh, Ngài nói: “Cả đời tôi chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu. Tôi đến như một Lữ khách và giờ tôi như một Lữ khách sắp quay về nhà”. Ngài cả đời hy sinh vì Phật pháp, vì chúng sanh nhưng nhiều người không tin lời Ngài nói. Họ tin theo một người mà không biết người đó xuất thân từ đâu, Thầy của người đó là ai, người đó đã có bao nhiêu năm trải nghiệm, chứng thực tu hành.
Hòa Thượng nói: “Càng cao danh vọng, càng dài gian nan”. Chúng ta không truy cầu danh vọng nhưng người khác cho rằng chúng ta làm là có mục đích. Chúng ta trồng rau sạch mang tặng nhưng người khác cho rằng chúng ta làm vì danh vọng. Chúng ta làm nhưng chúng ta không có đủ sức định thì chúng ta sẽ phiền não. Chúng ta không làm thì chúng sanh cũng không làm. Hòa Thượng nói: “Việc tốt lắm giày vò”.
Tôi vô cùng biết ơn vì tôi đã được biết đến bộ 1200 chuyên đề này, nhờ đó tôi xây dựng được nền tảng Phật pháp sâu hơn, vững chắc hơn. Có người nói, nghe Phật pháp phải vui chứ không phải nghe Phật pháp mà giống như ngày ngày bị mắng. Họ thích được người khác khen ngợi, tán dương. Họ không chịu được những lời nói thẳng, nói thật vào những tập khí, phiền não của mình. Công cuộc độ chúng sanh của Chư Phật Bồ Tát vô cùng gian nan.
Chúng ta tổ chức những buổi Lễ tri ân Cha Mẹ, tri ân Vợ Chồng, nhiều người sau buổi lễ đã chuyển tâm hoàn toàn. Một số người cho rằng đây là những việc làm xen tạp, thậm chí họ cho rằng mọi người đang đóng kịch. Những lời họ nói không làm chúng ta chùn bước. Chúng ta sẽ tiếp tục nhân rộng những vườn rau sạch. Những việc làm chân thật lợi ích chúng sanh mà chúng ta không tin vậy thì chúng ta là người mê tín. Những việc làm không rõ ràng, không chân thật lợi ích chúng sanh mà chúng ta tin thì chúng ta cũng là người mê tín. Chúng ta đang mê ở trong mê.
Hòa Thượng nói: “Mê” là chúng ta không hiểu rõ, chúng ta không tường tận chân lý của sự lý nhân quả”. Nếu chúng ta chưa hiểu tường tận mà chúng ta vội tin theo thì chúng ta đang mê tín. Chúng ta chưa hiểu sự lý của pháp môn Tịnh Độ thì một ngày chúng ta cũng sẽ bỏ pháp môn Tịnh Độ. Chúng ta thấu đáo sự lý của pháp môn Tịnh Độ thì chúng ta sẽ kiên định, không thay đổi.
Trước đây, có những người dường như tin theo pháp môn Tịnh Độ, khi tôi dịch đĩa xong thì họ luôn muốn là người nghe đầu tiên. Khi họ ra nước ngoài, họ liền tiếp nhận pháp tu mới, họ bỏ pháp tu Tịnh Độ họ đã học gần 10 năm. Họ cho rằng không có pháp môn Tịnh Độ vậy thì trước đây họ hoàn toàn không hiểu về sự lý của pháp môn Tịnh Độ. Họ không hiểu thì họ cũng là người mê tín. Văn hóa truyền thống mang lại những giá trị rất thiết thực cho các gia đình. Nhiều người tin theo những sự lý mơ hồ mà không chú ý giáo dục con cái. Họ cho rằng con cái của họ sẽ tự ngoan. Đây là những người mê tín, mê ở trong mê.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta chưa rõ ràng, chúng ta chưa tường tận mà chúng ta tin theo thì chúng ta là người mê tín. Chúng ta không tin theo thì chúng ta cũng là mê tín”. Chúng ta tường tận, thấu đáo thì chúng ta sẽ không còn mê tín. Nếu chúng ta không rõ ràng, tường tận sự việc thì chúng ta tin hay không tin theo thì chúng ta cũng là người mê tín.
Chúng ta nói, chúng ta tin Phật, chúng ta không tin khoa học nhưng chúng ta không hiểu gì về khoa học thì chúng ta cũng là người mê tín. Chúng ta không tin theo, không làm theo nhưng chúng ta phải hiểu tường tận. Chúng ta phải hiểu rõ việc gì là việc ác. Chúng ta hiểu rằng làm việc này, tạo ra nhân quả này thì chúng ta sẽ đi vào ba đường ác. Chúng ta muốn phát huy văn hóa truyền thống thì chúng ta phải hiểu rõ văn hóa truyền thống tốt như thế nào. Chúng ta phải minh tường tất cả mọi việc.
Trước khi chúng ta lái xe thì chúng ta phải biết được các bộ phận, lắng nghe được cách vận hành của nó. Nhiều người khi thấy xe bốc khói thì không biết vì sao. Chúng ta “minh tường” là trước khi lên xe chúng ta quan sát xem chiếc xe có bình thường không, khi nổ máy chúng ta lắng nghe xem tiếng nổ máy có bình thường không. Có người không quan sát trước khi nổ máy nên không biết rằng có con mèo chui ở trong động cơ xe. Nếu chúng ta không minh tường thì chúng ta không thể vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Trong suốt 1200 đề tài, Hòa Thượng đã chỉ ra những tâm bệnh của chúng ta. Ngài không truy cầu danh vọng lợi dưỡng, không cần tín đồ nên Ngài nói thẳng vào tâm bệnh của chúng sanh. Chúng ta có bệnh thì chúng ta nghe sẽ cảm thấy đau, cảm thấy phản tỉnh. Hàng ngày khi lên lớp học, tôi đã được rèn luyện về cảnh “Sinh – Ly – Tử - Biệt”, lớp học của chúng ta người đến người đi “tấp nập”.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta biết một sự việc chân thật là có thật mà họ cho rằng chúng ta là mê tín thì chúng ta cũng thừa nhận. Họ không biết về việc chúng ta đang làm cả về lý luận và thực tiễn mà họ cho rằng chúng ta mê tín vậy thì họ mê tín ở trong mê tín. Họ mê tín hơn chúng ta. Chúng ta tin vào những điều có thật, những điều sự lý viên dung. Họ không tin mà họ cho rằng chúng ta mê tín thì họ là người mê tín rất sâu. Những sự việc này chúng ta cũng không cần tranh cãi với người. Họ tin thì rất tốt, họ không tin cũng tốt, sẽ có một ngày họ sẽ tin. Sau khi họ tin, họ hối hận cũng không còn kịp. Tất cả những vấn đề của ngày nay, đều do chúng ta học sách Thánh Hiền quá ít. Chúng ta cần phải huân tập giáo huấn của Thánh Hiền đủ thời gian”.
Hôm qua, trong lớp “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”, Hòa Thượng cũng nhắc chúng ta, nền tảng chúng ta không đủ sâu nên chúng ta còn có sự hoài nghi với giáo huấn của Thánh Hiền, của Phật Bồ Tát. Những sự lý chúng ta hiểu tường tận, chúng ta đã chứng thực, đã trải nghiệm, có kết quả rõ nét thì chúng ta sẽ nỗ lực, tinh tấn, phấn phát đề làm.
Trong “Đệ Tử Quy” nói: “Không sách Thánh bỏ không xem. Che thông minh, hư tâm trí”. Nếu không phải là sách của Thánh Hiền thì chúng ta không nên tiếp nhận. Hàng ngày, chúng ta “la cà” trên mạng xã hội thì chúng ta sẽ bị dẫn dụ không biết đường về. Hôm trước, tôi lên mạng tìm mua một món đồ, mấy ngày sau trên Viber của tôi luôn xuất hiện những món đồ đó. Chúng ta muốn có niềm tin chắc chắn với Phật Bồ Tát, với Thánh Hiền thì không gì khác hơn là chúng ta phải tiếp nhận giáo huấn lâu dài.
Tôi đã học qua hơn 1000 đề tài, hàng ngày, tôi khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật đều dựa trên nền tảng những điều đã học. Người xưa nói: “Nếu ba ngày chúng ta không tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền thì mặt mũi chúng ta đã khác”. Pháp sư Định Hoằng nói: “Một ngày chúng ta không đọc thì mặt chúng ta đã khác rồi!”. Hôm nào chúng ta ngủ quên không lên lớp học thì mặt mũi chúng ta nhìn đã khác rồi!
Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật, chúng ta không những tôn trọng tất cả chúng sanh mà chúng ta tuyệt đối không có một ý niệm ác đối với người, với Quỷ Thần. Chúng ta kết thiện duyên, nhất định không kết ác duyên với tất cả chúng sanh. Chúng ta thường nghĩ đến cách làm thế nào để chúng sanh hoan hỷ”. Chúng ta làm lợi ích cho chúng sanh thì chúng sanh sẽ hoan hỷ.
Chúng ta tổ chức cho các con đi thăm vườn rau sạch, khi về các con được sách theo túi “rau tri ân”, “rau yêu thương” nên các con đều rất vui. Từ ý niệm làm lợi ích chúng sanh thì chúng ta hiện thực hóa ý niệm đó thành việc làm, hành động cụ thể. Chúng ta làm với tâm hy sinh phụng hiến, chí công vô tư, làm mà không lưu lại trong tâm. Nếu chúng ta làm mà chúng ta lưu lại trong tâm thì chúng ta trở thành người tốt nhiều chuyện “hảo nhân háo sự”. Các đồng tu dễ thối tâm vì niềm tin của họ không được xây dựng trên nền tảng lý luận cụ thể. Nếu chúng ta hiểu lý luận một cách tường tận, chúng ta trải nghiệm thực tế thì niềm tin của chúng ta sẽ không bị thay đổi.
Tôi tin pháp môn Tịnh Độ vì tôi tin Hòa Thượng, cả đời Ngài đã làm thân chứng cho chúng ta. Lời của Phật nói được ghi lại trên Kinh sách, nhưng Kinh sách có thể bị người đời sau thêm bớt một cách tùy tiện. Cuốn “Đệ Tử Quy” có câu sau cùng là: “Chớ tự chê, đừng tự bỏ. Thánh và hiền dần làm được”. Một số người đã tự ý thêm vào phía cuối sách một số câu dư thừa.
Tôi đã có khoảng gần 10 năm dịch sách của Hòa Thượng, suốt cuộc đời Hòa Thượng đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Ngài thông tông, thông giáo nhưng Ngài chỉ tu pháp môn Tịnh Độ. Thầy của Hòa Thượng là Ngài Lý Bỉnh Nam là người thông tông, thông giáo, thông y dược, cả đời Ngài cũng chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật”. Thầy của Ngài Lý Bỉnh Nam là Ngài Ấn Quang, Tổ sư thứ 13 của Tịnh Độ. Niềm tin của chúng ta có cơ sở lý luận rõ ràng nên người khác nói chúng ta mê tín thì đó là việc của họ. Chúng ta không cần phải tranh luận với người. Tin là mê tín nhưng không tin cũng là mê tín. Chúng ta tin mà chúng ta không hiểu thì chúng ta là người mê tín. Sự thật rõ ràng mà chúng ta không tin thì chúng ta cũng là mê tín.
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy còn lộn xộn, còn nhiều sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!