281Thứ Bảy, 19/11/2022, 22:48
1073 · Khởi Tâm Động Niệm, Đối Người Tiếp Vật Có Giống Phật Bồ Tát Không

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 19/11/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1073

“KHỞI TÂM ĐỘNG NIỆM, ĐỐI NGƯỜI TIẾP VẬT CÓ GIỐNG PHẬT BỒ TÁT KHÔNG?”

Phật là một người tỉnh giác. Phật Bồ Tát luôn ở trạng thái tỉnh giác. Người luôn ở trong trạng thái tỉnh giác thì họ sẽ kiểm soát từng ý niệm. Họ sẽ nhận ra những ý niệm tà vại, những ý niệm bất chánh để kịp thời dừng những ý niệm đó lại. Nếu chúng ta để những ý niệm ác chuyển thành hành động thì chúng ta sẽ không thể “đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện”. Khởi tâm động niệm của chúng ta luôn luôn vì mình.


Hòa Thượng nói: “Người học Phật khởi tâm động niệm, đối người tiếp vật phải đều vì người mà lo nghĩ. Ý niệm “đôi bên cùng có lợi” vẫn là ý niệm vì mình, nếu chúng ta có ý niệm này thì chúng ta chắc chắn sẽ có chướng ngại, có khổ đau. Chúng ta phải giữ niệm vô ngã. Chúng ta thiệt thòi, lỗ lã một chút cũng không sao! Thiệt thòi, lỗ lã là phước!”. “Ý niệm vô ngã” là ý niệm không còn có mình. Người thế gian không cho rằng thiệt thòi là phước. Người chân thật học Phật, người có một chút công phu thì họ sẽ không cảm thấy thiệt thòi, họ sẽ luôn dũng mãnh, tinh tấn. Chúng ta cho rằng chúng ta bị thiệt thòi, bị ức hiếp thì năng lực của chúng ta sẽ bị hạn chế.

Phật là bậc giác ngộ, tỉnh thức chúng ta phải học sự tỉnh giác, tỉnh thức của các Ngài. Chúng ta phải tỉnh thức trong từng việc nhỏ để chúng ta không bị tập khí xấu ác sai sự. Hàng ngày, chúng ta vẫn bị “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn” dẫn dắt. Nếu những tập khí này khởi hiện hành thì tất cả mọi việc chúng ta làm đều là vì mình. Chúng ta dùng tâm “tự tự tự lợi” niệm Phật thì chúng ta giống như người xưa đã nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng uổng công”. Chúng ta tưởng mình có công phu nhưng khi gặp việc chúng ta vẫn khổ đau, phiền não. Nếu có người mắng bâng khua tên chúng ta thì chúng ta đã phiền não. Nếu chúng ta nghĩ họ mắng người khác thì tâm chúng ta sẽ không vướng bận.

Bài trước Hòa Thượng nhắc chúng ta, chúng ta khởi được tâm chân thành, tâm cung kính thì khi chúng ta đọc Kinh, nghe Pháp chúng ta có thể hiểu cạn hoặc sâu nhưng chúng ta nhất định không hiểu sai. Chúng ta dùng hư tình giả ý, tâm qua loa để đọc Kinh, nghe pháp thì chắc chắn chúng ta sẽ học sai, hiểu sai. Phật là Giác mà không mê. Niệm Phật chính là niệm Giác. Chúng ta niệm Phật trong vô thức như một chiếc máy MP3 thì chúng ta không thể có thành tựu. Hàng ngày, chúng ta niệm Phật theo quán tính, tâm chúng ta vẫn vọng tưởng nên chúng ta càng niệm Phật càng phiền não. Miệng chúng ta niệm, tai chúng ta lắng nghe, tâm chúng ta khởi tiếng niệm Phật thì chúng ta niệm Phật sẽ có thành tựu.


Tổ Sư Đại Đức tận tâm tận lực làm Phật sự, khi làm xong việc các Ngài tìm về chốn yên tĩnh. Chúng ta vẫn thích đến những nơi có thể làm thân tâm chúng ta ô nhiễm. Chúng ta là phàm phu tập khí, nghiệp chướng nặng, chúng ta đến những nơi có thể dẫn khởi những tập khí xấu ác thì chúng ta chưa đủ đạo lực để khống chế chúng. Hòa Thượng nói: “Tài, sắc, danh, thực, thuỳ, Địa ngục ngũ điều căn”. Năm dục là năm căn gốc dẫn chúng ta vào Địa ngục. Chúng ta gần thứ nào thì thứ đó sẽ dấy khởi. Tôi vẫn thường khuyên mọi người, cách tốt nhất là chúng ta không cho mình có cơ hội tiếp xúc với ngũ dục.

Nhiều hôm, sau khi giảng xong tôi cảm thấy mệt và muốn đi nằm. Tôi tự nhắc nhở mình đã hết giờ nghỉ và tôi mau đi làm việc gì đó để tỉnh táo hơn. Sau khi giảng xong, tôi làm nóng một số món ăn để cúng Tổ tiên, trong thời gian chờ thì tôi khuấy một ly bột ngũ cốc. Khi cúng Tổ tiên tôi niệm Phật, đọc bài biến thực, cúng xong thì tôi ăn sáng. Nếu chúng ta học xong chúng ta đi nằm, đi ngủ thì những lần sau chúng ta vẫn muốn làm như vậy. Nếu chúng ta để mình tuỳ tiện ngủ phi thời thì đó là chúng ta để tâm lười biếng, giải đãi làm chủ.


Hòa Thượng nói: “Người tu hành nếu không phải là bậc tái lai thì nghiệp chướng, tập khí của họ đều rất nặng. Trên “Kinh Địa Tạng” nói: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tội”. Hàng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm thì đã tạo tác tội nghiệp. Nghiệp chướng, tập khí xấu ác của sẽ dẫn dắt khởi tâm động niệm, tạo tác việc làm của chúng ta.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook