Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 29/10/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1052
“TRONG MẠNG KHÔNG CÓ CŨNG CÓ KHI TA TIN NHÂN QUẢ”
Hòa Thượng xuất thân trong một gia đình nghèo khó, sống trong thời kỳ loạn lạc. Khi còn nhỏ Ngài sống cùng Cha Mẹ, lớn lên Ngài rời khỏi quê hương bôn ba khắp nơi, khó khăn trùng trùng. Ban đầu, trong mạng của Ngài không có tuổi thọ, không có phước báu. Khi Ngài gặp Đại Sư Chương Gia, Đại Sư dạy Ngài bố thí. Ngài bắt đầu làm từ 1 đồng nhưng Ngài đã hoàn toàn thay đổi được vận mạng. Vậy thì: “Trong mạng không có cũng có khi chúng ta tin nhân quả”.
Nếu tôi không làm theo lời chỉ dạy của Hòa Thượng thì gia đình hạnh phúc, sinh mạng của tôi đều không còn. Chúng ta phát tâm bố thí thì chúng ta có thể hoàn toàn thay đổi vận mạng. Khi chúng ta bố thí chúng ta phải mở được tâm rộng lớn. Chúng ta có 1 đồng mà chúng ta bố thí 1 đồng thì chúng ta đã bố thí toàn phần. Chúng ta có 1 triệu, chúng ta bố thí 10.000đ thì chúng ta chỉ bố thí 1/100. Điều quan trọng là tâm chúng ta phải mở được tâm rộng lớn để việc làm của chúng ta chân thật lợi ích chúng sanh.
Một số người, khi họ ủng hộ tiền xây dựng vật gì thì họ muốn phải khắc tên họ lên vật đó. Chúng ta làm vì chúng ta muốn được lưu danh thiên cổ thì điều này không đúng với tinh thần nhà Phật. Trong “Kinh Kim Cang” nói: “Hành giả bố thí phải hành tam luân không tịch. Chúng ta không thấy người cho, không thấy người nhận thậm chí không thấy vật để cho”. Hiện tại, nhiều người bố thí cho người khác nhưng họ muốn người khác phải ghi nhớ công ơn. Nếu người khác không ghi nhớ thì họ phiền não, họ cho rằng đó là kẻ “vong ơn bội nghĩa”. Nếu chúng ta hiểu điều đạo lý về bố thí một cách tường tận thì chúng ta sẽ làm một cách xác quyết.
Chiều qua, tôi chia sẻ Phật pháp ở một ngôi chùa ở Huế, tôi chia sẻ một đề tài rất dễ hiểu nhưng họ cũng chưa được nghe bao giờ. Ngày nay, người học Phật không dễ dàng được tiếp cận chánh pháp. Tôi cảm thấy vô cùng may mắn, vì thông qua 1200 đề tài, ngày ngày chúng ta được Hòa Thượng thức tỉnh. Người thế gian “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần” nếu chúng ta không được học thì chúng ta cũng sẽ giống như họ. Chúng ta không dễ được gặp Thầy tốt, bạn lành để chúng ta được thức tỉnh. Từ phàm phu để có thể trở thành một vị Phật thì chúng ta phải trải qua vô lượng, thậm chí là ba đại A tăng kỳ kiếp vì chúng ta tiến được ba bước thì chúng ta lùi sáu bước. Chúng ta tiến thì ít nhưng lùi thì nhiều! Chúng ta được Hòa Thượng nhắc nhở nên chúng ta nhận ra những điều cần làm.
Trong Phật pháp quan trọng nhất là chúng ta phải có hằng tâm. Nếu chúng ta có hằng tâm thì chúng ta có thể tiến một cách mạnh mẽ, không xoay chuyển. Chúng ta phản tỉnh xem, trong khi học 1200 đề tài này, chúng ta thức dậy đúng giờ mấy lần? Tôi đang ở Quảng Trị, tôi phải di chuyển rất nhiều, chiều hôm qua tôi giảng ở hai nơi nhưng sáng nay tôi vẫn dậy đúng giờ. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải có hằng tâm. Trong tu hành, chúng ta cần có hằng tâm để đối trị với lười biếng, chểnh mảng.
Chúng ta không thể thay đổi vận mạng thậm chí chúng ta luôn bị chướng ngại do sự chểnh mảng của chính mình. Khi tôi đến Đà Nẵng, tôi đã đi thẳng đến vườn rau, sau đó cùng mọi người gói bánh tét. Sáng hôm qua, tôi đến Huế tặng bánh tét, tặng rau cho mọi người. Giảng xong, tôi đến Quảng Trị tặng quà, động viên tinh thần các cô. Chúng ta phải chuyên cần trong mọi lĩnh vực. Chúng ta không thể chỉ chuyên cần niệm Phật còn những phương diện khác chúng ta lại lười biếng.
Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Trong Phật pháp, cho dù trong mạng chúng ta không có nhưng chúng ta vẫn có thể có”. Chúng ta hành bố thí từ con số nhỏ nhất thì chúng ta có thể hoàn toàn thay đổi vận mệnh. Chúng ta không có sức khỏe, tuổi thọ, phước báu thì chúng ta sẽ có. Chúng ta phải tin theo lời dạy của Phật, của Thánh Hiền.
Khi Hòa Thượng gặp Đại Sư Chương Gia, Hòa Thượng nói: “Phật pháp quá nhiệm màu, cao siêu, làm thế nào con có thể bước vào nhà Phật”. Đại Sư Chương Gia đã khuyên Hoà Thượng bắt đầu từ bố thí. Ban đầu, chúng ta bố thí tiền tài, vật chất, năng lực, trí tuệ. Dần dần, chúng ta bố thí được phiền não, tập khí của mình đó là chúng ta chân thật bố thí. Chúng ta dám bỏ hàng tỷ ra để bố thí nhưng chúng ta không bố thí tập khí, xấu ác thì đó không phải là chúng ta chân thật bố thí.