Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm, ngày 27/10/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1050
“TU PHƯỚC, TU HUỆ CẦN PHẢI NẮM BẮT CƠ DUYÊN”
Chúng ta có rất nhiều cơ duyên tu phước, tu huệ nhưng chúng ta thường lười biếng, chểnh mảng nên chúng ta bỏ lỡ những cơ duyên này. Khi tôi có cơ hội tu phước thì tôi sẽ làm ngay. Hôm qua, khi vừa từ sân bay về đến thành phố Đà Nẵng, tôi đã đến vườn rau, cắt rau, phân loại để mọi người mang rau đi tặng. Chúng ta thường không hiểu vì sao cuộc sống của chúng ta có nhiều khó khăn, hoạn nạn. Trên Kinh Phật đã nói: “Nếu những sai phạm của chúng ta có hình tướng thì cả tam thiên, đại thiên cũng không thể chứa hết những sai phạm chúng ta đã gây ra”. Trong vô lượng kiếp, trong ta đã tạo vô số tội nghiệp nên chúng ta không thể không có chướng ngại.
Đời này, chúng ta biết đến Phật pháp, chúng ta phải nỗ lực để tu tạo phước lành. Chúng ta làm nhiều việc lợi ích chúng sanh thì oan gia trái chủ sẽ không tìm đến chúng ta đòi nợ. Hàng ngày, chúng ta chẳng những không tu phước mà còn làm rất nhiều việc sai phạm. Chướng ngại là do chính chúng ta!
Ban đầu, khi chúng ta bắt đầu tu phước, tu huệ chắc chắn chúng ta sẽ gặp rất nhiều chướng ngại. Khi Hoà Thượng còn trẻ Ngài cũng gặp nhiều chướng ngại nhưng Ngài luôn tinh tấn, nỗ lực, không thối tâm. Chẳng những phàm phu chúng ta thối tâm mà A-la-hán, người đã chứng Lậu Tận Thông, không còn sinh tử, khi các Ngài gặp người can cường, nan quá thì các Ngài cũng có thể bị thối tâm.
Hòa Thượng nói: “Người có thành tựu là người khéo nắm bắt cơ hội. Giống như người buôn bán ở thế gian, họ nhìn thấy cơ hội rất rõ ràng họ biết nắm bắt nên họ sẽ thành công. Phật pháp cũng như vậy, chúng ta phải nhận biết, nắm bắt được nhân duyên tu phước tu huệ vận nhất không được để nó lỡ qua”. Chúng ta có nhiều cơ hội để chúng ta tạo phước nhưng chúng ta thờ ơ. Năm vừa qua, chúng ta đã tổ chức được rất nhiều sự kiện. Mỗi sự kiện chúng ta đều kết được rất nhiều nhân duyên với chúng sanh nhưng nhiều người chểnh mảng, không để ý đến cơ hội này.
Khi Hòa Thượng gặp Đại Sư Chương Gia, Hòa Thượng nói: “Phật pháp rất nhiệm màu vậy thì làm thế nào để con có thể bước vào học Phật pháp?”. Đại Sư Chương Gia dạy Hòa Thượng bố thí. Chúng ta có thể bố thí ngoại tài hoặc bố thí nội tài. Chúng ta không cần phải có tiền để có thể bố thí, chúng ta có thể dùng sự quan tâm, năng lực, sức khỏe, trí tuệ của chính mình để bố thí. Chúng ta chia sẻ Phật pháp, chúng ta trồng rau sạch mang tặng là chúng ta bố thí cả nội tài và ngoại tài. Chúng ta đang dùng sức khỏe, năng lực làm ra của cải mang bố thí, cúng dường.
Hàng ngày, chúng ta học Phật pháp đó cũng là chúng ta đang tu huệ. Mỗi ngày có rất nhiều việc để chúng ta có thể tu phước nhưng chúng ta đã bỏ qua. Ở thế gian, nhiều người biết nắm bắt cơ hội kinh doanh, họ thấy người khác mua đất thì họ góp vốn mua chung. Sau đó, họ tích góp tiền bạc để tự mình đầu tư bất động sản. Trong tu hành cũng vậy, chúng ta nhìn thấy người khác làm thì chúng ta có thể góp một phần công sức, tiền bạc làm cùng họ. Chúng ta thờ ơ không biết nắm bắt cơ duyên thì khi oan gia trái chủ đến thì chúng ta muốn làm cũng không kịp nữa. Khi Cha Mẹ chúng ta bị ốm đau, chúng ta bắt đầu đi phóng sanh, bố thí để chúng ta tu phước thì không kịp nữa. Ngay hiện tại, chúng ta bố thí, tu phước thì Cha Mẹ, thân bằng quyến thuộc của chúng ta cũng được hưởng.
Khi Hòa Thượng mất, tôi vẫn làm những việc như hàng ngày tôi vẫn làm. Ngày ngày, tôi vẫn chia sẻ Phật pháp, thúc đẩy giáo dục Thánh Hiền, làm những việc thiện. Có một số người, bình thường họ không làm theo lời dạy của Hòa Thượng nhưng khi Ngài mất thì họ tổ chức những buổi lễ để tưởng niệm Ngài. Hòa Thượng nhắc chúng ta phải nắm bắt cơ duyên, không bỏ lỡ cơ hội tu phước, tu huệ. Khi chúng ta có cơ hội gần gũi thiện hữu, tri thức thì chúng ta học hỏi họ cách sống, cách làm việc, cách tu hành. Chúng ta bỏ qua những cơ hội học hỏi thiện hữu tri thức do chúng ta ngạo mạn. Chúng ta cao ngạo, chúng ta không muốn làm theo người khác thì đó là tăng thượng mạn. Chúng ta nghĩ mình không thể làm được như người khác thì đó là ty thượng mạn. Chúng ta làm như vậy thì oan gia trái chủ sẽ muốn đến lấy mạng của chúng ta.