/ 1
11

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Hán văn: Viên Liễu Phàm

Việt dịch: BBD Pháp Âm Tuyên Lưu


Phần thứ nhất: Học thuyết lập mệnh (nói rõ vận mệnh của con người là khẳng định do mình tạo nên, chứ không phải bị mệnh số trói buộc).

Phần thứ hai: Phương pháp sửa lỗi (bắt đầu sửa từ lỗi lầm nhỏ thì tự nhiên sẽ không phạm sai lầm lớn).

Phần thứ ba: Phương pháp tích thiện (làm nhiều việc thiện giúp đỡ người khác, tích nhiều việc thiện thì vận mệnh tự nhiên cũng được thay đổi).

Phần thứ tư: Hiệu quả đức khiêm (sống chung với người, đối đãi với người phải khiêm hạ, từ đây mà học tập thì tự nhiên sẽ có sự tiến bộ).


Mục Lục

Giới Thiệu Sách Liễu Phàm Tứ Huấn

Học Thuyết Lập Mệnh

Phương Pháp Sửa Lỗi

Phương Pháp Tích Thiện

Hiệu Quả Đức Khiêm

Lời Thưa

Tinh Yếu Thực Hành Pháp Thí


Giới Thiệu Sách

Liễu Phàm Tứ Huấn


Tên sách: Liễu Phàm Tứ Huấn

Tên khác: “Mệnh Tự Ngã Lập” và “Huấn Tử Văn”

Tác giả: Viên Liễu Phàm, tên thật là Viên Hoàng (1533-1606), ban đầu tên là Biểu, sau đổi lại là Hoàng, tự Khánh Viễn, cũng có tự là Khôn Nghi, Nghi Phủ. Ban đầu lấy hiệu là Học Hải, sau đổi thành Liễu Phàm. Người đời sau thường gọi ông là Liễu Phàm.

Năm sáng tác: Sáng tác vào năm 1602 sau Công nguyên, đời Minh.

Xuất xứ của tác phẩm: Huấn Tử Văn (Bài Văn Dạy Con)

Thể loại văn học: Gia huấn (giáo dục trong gia đình)

Liễu Phàm Tứ Huấn có tên gọi khác là Mệnh Tự Ngã Lập (Mệnh Do Ta Tạo), là một quyển sách giáo dục về trồng đức lập mệnh, tu thân trị thế. Sách được hoàn thành vào năm 1602 sau Công nguyên, toàn văn chia thành bốn phần. Tác giả là Viên Hoàng đời nhà Minh, tự Khôn Nghi, sau đổi tên thành Liễu Phàm. Trước khi bước vào con đường khoa cử, bởi người xem tướng đoán mệnh đã dự đoán công danh của ông trong tương lai, kết quả đều ứng nghiệm, vì vậy Liễu Phàm cho rằng không thể thay đổi vận mệnh, tuổi thọ trong mệnh của ông là 53 tuổi, không con nối dõi.

Về sau vào năm 1569, ông gặp được thiền sư Vân Cốc, sau khi được thiền sư Vân Cốc dạy chú Chuẩn Đề và giảng giải vận mệnh thực sự có thể thay đổi, Liễu Phàm tích cực hành thiện giúp người nên đã thay đổi vận mệnh của bản thân. Ông không những không qua đời vào năm 53 tuổi mà còn sinh được con trai, năm 69 tuổi ông viết quyển Liễu Phàm Tứ Huấn. Liễu Phàm Tứ Huấn chính là bài văn mà Viên Liễu Phàm muốn dạy dỗ chỉ bảo con trai mình, thông qua trải nghiệm của bản thân mà giảng rõ quá trình thay đổi vận mệnh. Vốn là muốn dạy bảo con trai mình nên ông đặt tên sách là Huấn Tử Văn (Bài Văn Dạy Con), sau này vì muốn chỉ bảo người đời nên sửa lại thành tên Liễu Phàm Tứ Huấn.


Học Thuyết Lập Mệnh

Khi tôi còn nhỏ, cha đã qua đời[1]. Mẹ tôi bảo tôi từ bỏ con đường công danh khoa cử để theo học nghề y, mẹ bảo: “Học y có thể duy trì cuộc sống, lại có thể cứu giúp người khác. Hơn nữa, nếu có thể tinh thông y thuật thì sẽ trở thành danh y nổi tiếng, đó là tâm nguyện trước đây của cha con.”

Sau đó ở chùa Từ Vân, tôi gặp một ông lão tướng mạo phi phàm, râu dài phất phới, phong thái nhẹ nhàng như tiên ông. Tôi cung kính hành lễ với ông, ông lão nói với tôi: “Cậu là người trong quan trường, năm sau sẽ thi đỗ tú tài, vì sao không đi học?” Tôi liền nói rõ nguyên nhân và hỏi tên họ của ông, nhà ở đâu. Ông lão trả lời rằng: “Ta họ Khổng, người Vân Nam. Ta được chân truyền thuật Hoàng Cực Số của tiên sinh Thiệu Khang Tiết[2], theo số mệnh thì ta nên truyền lại cho cậu.”

/ 1