/ 20
5

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 16

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Thời gian: 19/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc.


Chư vị đồng học, xin chào mọi người Chúng ta xem tiếp đoạn sau cùng nói về “thiện một phần và thiện viên mãn”.

Lại nữa, làm thiện mà tâm không bám chấp vào việc thiện, thì làm bất cứ việc thiện gì cũng có thể thành tựu, đều được viên mãn. Còn như tâm bám chấp vào việc thiện, thì dù cả đời siêng năng cũng chỉ được thiện một phần mà thôi. Thí như dùng tài vật giúp đỡ người khác, bên trong không thấy mình là người giúp đỡ, bên ngoài không thấy người được giúp đỡ, khoảng giữa không thấy tài vật được mang ra giúp đỡ. Đây gọi là “tam luân thể không”, cũng gọi là “nhất tâm thanh tịnh”, được vậy thì dù một đấu gạo cũng có thể trồng được phước báo không bờ bến, một xu tiền cũng có thể tiêu trừ tội nghiệp trong ngàn kiếp. Nhưng nếu tâm này vẫn còn nhớ nghĩ, dù cho cúng dường vạn lượng vàng ròng thì phước báo vẫn không viên mãn. Đây là một cách giải thích khác vậy.

“Một phần và viên mãn” nói đến đoạn này mới xem là triệt để, nhưng vấn đề này không phải phàm phu có thể làm được. Do đây có thể biết, chúng ta nói một phần hay viên mãn vẫn có cấp bậc, không thể đánh đồng như nhau được. Nếu dùng tiêu chuẩn ở đây thì viên mãn nói ở trước đều là một phần, đều không phải viên mãn thật sự. Làm đến “tam luân thể không” mới thật sự viên mãn. Ai có thể làm được “tam luân thể không”? Pháp thân Bồ-tát mới có thể làm được. Không những lục đạo chúng sanh không làm được, mà Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát trong tứ thánh pháp giới cũng không làm được, vì sao vậy? Vì con người không thể vô tâm. Hay nói cách khác, họ còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì không phù hợp với tiêu chuẩn này. Khi nào đoạn hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì mới đạt được tiêu chuẩn này, cho nên tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn của pháp thân Bồ-tát, chúng ta cần phải biết, biết rồi sẽ có lợi ích, lợi ích gì? Hành thiện không tự mình cảm thấy đủ, có lợi ích này. Bất luận tích bao nhiêu công đức, nhưng trong lòng vẫn luôn cảm thấy chưa nhiều, vẫn còn rất ít, như vậy rất tốt. Không tự thấy vừa lòng thì bạn mới chịu siêng năng nỗ lực, hăng hái tu thiện. Bạn hiểu được đạo lý này, mới biết thiện hạnh của chư Phật Bồ-tát niệm niệm viên mãn. Bất luận các ngài tu việc thiện lớn hay nhỏ, tất cả đều viên mãn. Vì sao vậy? Vì các ngài không có vọng tâm, các ngài dùng chân tâm, dùng bản tánh, chân tâm bản tánh là viên mãn. Cho nên, dùng chân tâm bản tánh làm việc thì không có gì mà không viên mãn, đạo lý là như vậy. Đây là nguyên nhân vì sao chúng ta phải học Phật, vì sao phải phát nguyện làm Phật.

Bây giờ, chúng ta giải thích sơ lược đoạn văn này. “Làm thiện mà tâm không bám chấp vào việc thiện”, nghĩa là không có phân biệt, không có chấp trước. “Thì làm bất cứ việc thiện gì cũng có thể thành tựu, đều được viên mãn”, đều là viên mãn, đều là thiện viên mãn. Nếu tâm chấp trước vào điều thiện “thì dù cả đời siêng năng cũng chỉ được thiện một phần mà thôi”. Nếu bạn chấp trước tướng tu thiện thì dù suốt đời cần mẫn phấn đấu tu tích, vẫn là thiện một phần mà thôi. Nguyên nhân vì sao? Vì trong thiện tâm của bạn có xen tạp, trong tâm có chấp trước chính là xen tạp, xen tạp chấp trước là bất thiện, cho nên công đức việc thiện của bạn không thuần, chỉ đạt được thiện một phần mà thôi. Bên dưới đưa ra một ví dụ để chứng minh.“Thí như dùng tài vật giúp đỡ người khác”, tu tài bố thí, phải “bên trong không thấy mình là người giúp đỡ”. Sau khi tu bố thí tài vật xong, không chấp trước có cái tôi. Tôi có thể bố thí, tôi dùng bao nhiêu tài vật để bố thí, như vậy là chấp trước có cái “tôi”. Tâm như vậy không chân, không thuần. “Bên ngoài không thấy người được giúp đỡ”, cũng không để người mình bố thí ở trong lòng. Tôi có thể bố thí, họ tiếp nhận sự bố thí của tôi, bạn vĩnh viễn không quên điều đó. Đây chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn đã phá hoại tâm thuần thiện của bạn. Cần phải “khoảng giữa không thấy tài vật được mang ra giúp đỡ”, bạn đã bố thí bao nhiêu tiền tài thì đừng so đo tính toán, thường hành bố thí, thường có tâm tôi bố thí, người đó nhận sự bố thí của tôi, tôi bố thí bao nhiêu tài vật. Tâm làm việc bố thí như vậy thì dù bố thí suốt đời cũng chỉ là thiện một phần mà thôi.

/ 20