/ 1
18

LẤY KHỔ LÀM THẦY

(Trích từ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh,

phẩm Tịnh Hạnh thứ mười một)

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật Đà Hồng Kông

Thời gian: Tháng 05-2006

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


Mời xem Tịnh Hạnh phẩm thứ mười một, kệ tụng đoạn lớn thứ sáu, đoạn nhỏ thứ ba: “Sở ngộ nhân vật”. Xin xem bài kệ thứ mười lăm: “Kiến khổ hạnh nhân, đương nguyện chúng sanh, y ư khổ hạnh, chí cứu cánh xứ”.

Phật pháp dạy mọi người lìa khổ được vui, điều này ai cũng đều biết. Nếu như Phật pháp dạy mọi người lìa vui được khổ thì có lẽ không có ai học. Nhưng Thế Tôn năm xưa còn tại thế, đối với người tu khổ hạnh, chữ hạnh này đọc thanh thứ tư, đọc là “hêng”, đó là động từ, tức là đặc biệt tán thán tu khổ hạnh. Vậy có mâu thuẫn với những gì Phật nói không? Xin thưa với quý vị là không mâu thuẫn. Nếu như chỉ thấy từ bên ngoài thì dường như là mâu thuẫn với pháp Phật nói, nhưng trên thực tế là bổ sung cho nhau. Khổ, lìa khổ được vui. Khổ là gì vậy? Tam đồ khổ, lục đạo khổ. Lục đạo, nói cõi người, chúng ta hiện nay ở cõi người, mọi điều nghe thấy đều cho rằng đây là cảnh giới hiện lượng, đây là sự thật. Bạn nói cõi trời, cõi trời vui. Nói địa ngục, ngạ quỷ khổ. Họ nói, chúng tôi chưa nhìn thấy, rất khó thể hội. Nhưng Phật pháp nói cho bạn biết chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Ngài nói cho bạn mười pháp giới, nói cho bạn nghe quá khứ, hiện tại, vị lai; nói rõ chân tướng của vũ trụ, vậy đã biến thành Phật pháp cao sâu, không phải là cái mà người sơ học hoặc người tri thức nông cạn có thể lĩnh hội được. Vậy tại sao Phật lại tán thán khổ hạnh? Mỗi người đều biết, bản thân chúng ta tập khí nghiệp chướng rất nặng, có ai mà không hy vọng mình tiêu nghiệp chướng, tăng trí tuệ? Điều này mọi người nhắc đến thì không có ai mà không mong muốn. Nhưng quý vị nên biết rằng, bằng lòng trải qua đời sống gian khổ thì nghiệp chướng tiêu nhanh nhất, tiêu triệt để nhất. Điều này không khó hiểu, chỉ trách bản thân chúng ta trong đời sống thường ngày sơ ý, lãng quên mất đi sự việc này.

Thế Tôn trong cõi trời người, trong ngoài tam giới, quả thực đã chứng được phước báo cứu cánh viên mãn. Chúng ta ở trong kinh đại thừa đọc thấy, tướng hảo của Phật nói không hết. Thông thường trong kinh đại thừa chúng ta xem thấy, Phật có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp. Vô lượng là cách nói khái quát, không ai có thể nói rõ ràng hết được. Nhưng ở trong kinh giáo quả thật có nói rõ ràng tường tận: “Vi trần tướng hải thân”. Trong kinh Hoa Nghiêm nói càng rõ ràng hơn, phía trước chúng ta học rồi, tướng hảo bằng số vi trần của mười cái Liên Hoa Tạng. Thông thường chúng ta xem thấy ở trong kinh là hằng hà sa số. Đây là nói nhân gian, nói đại thế giới, nói toàn bộ vũ trụ. Chúng ta thường nói tận hư không khắp pháp giới. Cái báo thân đó chính là tướng hảo bằng số vi trần của mười thế giới Liên Hoa Tạng. Chúng ta không cách gì thể hội, hằng hà sa số đã không cách gì thể hội, tướng hảo bằng số vi trần trong thế giới lại càng vô phương thể hội. Hiện nay là tướng hảo bằng số vi trần của mười cái thế giới Hoa Tạng.

Tại sao Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện trong thế gian này của chúng ta vậy? Trong cái thế giới này còn phải tu khổ hạnh. Từ khi thành đạo, 30 tuổi thị hiện thành đạo dưới cội Bồ-đề, độ cho năm tỳ kheo tại vườn Lộc Uyển, tăng đoàn được xây dựng, trải qua đời sống như thế nào vậy? Ngày ăn một bữa, tối ngủ gốc cây, ba y một bát, đây là người khổ hạnh. Phật tại sao phải làm vậy? Trước đây khi chúng tôi mới học Phật, mới xuất gia, nghi hoặc cũng rất nhiều. Lão hoà thượng dạy cho chúng tôi không nói rõ ràng, chỉ giảng cho chúng tôi, Thế Tôn ra đời vào thời đó, Ấn Độ quả đúng là đất nước của tôn giáo, môn phái tôn giáo rất nhiều, trong kinh Phật nói đó đều là môn phái nổi tiếng, có đến 96 môn phái; Người tu hành của mỗi tôn giáo đều tu khổ hạnh, cho nên nếu như Phật không thị hiện khổ hạnh, thì nhất định bị đại chúng xã hội chỉ trích, chê bai. [Mọi người] sẽ nói, anh xem phái này của họ không tu khổ hạnh, bọn họ muốn hưởng thụ, cho nên Phật cần phải thị hiện giống như những tôn giáo khác, còn khổ hạnh hơn cả họ nữa, như vậy mới có thể hấp dẫn đại chúng xã hội tôn kính, tín ngưỡng, đến tiếp nhận giáo hóa của Phật Đà.

/ 1