/ 3
35

KINH PHẬT THUYẾT BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC

Phần 3

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


Chào chư vị đồng tu! Chúng ta tiếp tục xem tiếp nửa đoạn sau của đệ thất giác ngộ: “Thường niệm tam y, ngõa bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, thủ đạo thanh bạch, phạn hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết”.

Đại đức xưa thường hay dạy chúng ta: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Đã là phàm phu, nhiều kiếp luân hồi trong lục đạo, không khởi tâm, không động niệm là chắc chắn không thể được. Thật sự có thể làm được không khởi tâm, không động niệm, chỉ có cảnh giới của A La Hán trở lên, hay nói cách khác, chỉ có bậc thánh ở trong pháp giới tứ thánh, đó không phải là phàm phu. Đối với phàm phu mà nói, niệm khởi là hiện tượng bình thường, nhưng cái ý niệm này rất đáng sợ, chắc chắn là niệm ác nhiều, niệm thiện ít, khẳng định là như vậy. Cho nên Bồ-tát dạy chúng ta phải giác ngộ, “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, đặt biệt là đối với niệm ác. Nếu như vừa giác ngộ thì cái niệm ác này liền dừng ngay, niệm thiện liền sanh. Thường xuyên trú ở trong niệm thiện và nên gần gũi với người thiện. Thường xuyên ở chung với người thiện thì vô tình lâu ngày dài tháng sẽ huân tập trở thành khí chất của người thiện, chúng ta gọi là thay đổi khí chất. Có một phương pháp quan trọng nhất không có gì bằng để thay đổi khí chất là gần gũi thiện tri thức.

Phật là vị thiện tri thức đứng đầu trong thế gian hay xuất thế gian. Phật ở chỗ này dạy chúng ta “thường niệm tam y, ngõa bát pháp khí”. Y phục của Phật chỉ có ba bộ, cho nên gọi là tam y. Ngoài ba y ra, chỉ có một cái bát để ăn cơm, ngày nay chúng ta gọi là bát cơm. Cái bát này thông thường đều là bát sành, chúng ta ngày nay gọi là gốm sứ. Một loại khác nữa là bát sắt. Bát đúng như pháp trong Phật pháp chính là hai loại này, một loại là bát sắt và một loại là bát sành. “Pháp khí” là đạo cụ tùy thân. Đây là Thế Tôn thị hiện ở thế gian chúng ta, tình hình đời sống thường ngày của ngài, tất cả tài sản chỉ có như vậy thôi, cho nên pháp thế gian hay xuất thế gian mọi thứ đều buông xả. Phật sau khi làm được rồi mới dạy chúng ta, không phải chỉ nói mà không làm, ngài đích thực là sau khi làm được rồi mới nói. Chúng ta ngày nay không những học thánh nhân khó, mà học hiền nhân cũng không dễ dàng. Nhưng thánh hiền là mục tiêu mà chúng ta hằng luôn hướng đến, chúng ta nhất định phải cố gắng nỗ lực học tập theo các ngài, phải học thật giống.

“Chí nguyện xuất gia”, đây là nói với một người thật sự hiểu rõ được chân tướng vũ trụ nhân sinh, họ nhất định sẽ phát nguyện. Phát nguyện gì vậy? Phát nguyện xuất gia. Xuất gia ở đây dứt khoát không phải chỉ gia đình thế tục chúng ta, lìa khỏi gia đình thế tục không phải là xuất gia chân chánh. “Gia” là chỉ cái gì vậy? Ở trong Phật pháp nói là nhà sanh tử. Bạn có thể thoát khỏi sanh tử thì bạn là xuất gia chân thật. Bạn có thể ra khỏi phiền não, phiền não là nhà, ngũ ấm là nhà, cái này quan trọng, còn như gia đình thế gian không quan trọng. Xuất gia trong Phật pháp nói có xuất gia tại gia và xuất gia xuất gia. Xuất gia tại gia thì thân tại gia mà tâm xuất gia, chính là bất nhiễm thế lạc như phía trước đã nói, người này tâm xuất gia rồi. Khi Phật Đà còn tại thế, cư sĩ Duy Ma là một vị Phật, ngài là Phật tại gia. Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện là Phật xuất gia. Nếu như nói đích thực xuất gia, thì cư sĩ Duy Ma cũng là xuất gia, ngài ra khỏi nhà sanh tử, ra khỏi nhà tam giới, ra khỏi nhà ngũ ấm, hoàn toàn không khác gì so với Phật Thích Ca Mâu Ni, chỗ khác nhau là ở trên hình thức. Ngài thị hiện xuất gia tại gia, còn Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện xuất gia xuất gia, điểm khác nhau là chỗ này. Còn như “thủ đạo thanh bạch, phạn hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết” thì Thế Tôn và cư sĩ Duy Ma hoàn toàn không có gì khác. Điểm này chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải biết rõ.

Người xuất gia vạn nhất không nên cống cao ngã mạn, cho rằng mặc bộ đồ xuất gia này vào rồi thì cao cả hơn ai hết, thường thường bị đọa địa ngục A Tỳ. Tại sao vậy? Cống cao ngã mạn là phá hoại hình tượng Phật pháp rồi! Phật pháp là từ bi với tất cả, Phật pháp là khiêm hạ cung kính, làm gì có Bồ-tát cống cao ngã mạn chứ? Không hề có đạo lý này. Bạn phá hoại hình tượng Phật pháp, thì đương nhiên bạn phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả, bạn phải nhận quả báo. Xuất gia đã như vậy, thì tại gia cũng không cần nói nữa. Tại gia mặc chiếc áo này vào rồi, nếu như cống cao ngã mạn thì tội lỗi còn nặng hơn so với xuất gia cống cao ngã mạn. Cho nên thời kỳ mạt pháp, việc phá giới, phạm lỗi, tại sao lại nhiều và phổ biến như vậy? Quả thật mà nói chính là do lơ là giới luật, lỗi không đọc kinh. Chúng ta giới luật mà không chịu học, cũng không nghĩ đến nó, thì làm gì có thể làm được chứ? Không những làm không được, ngay cả nghĩ cũng nghĩ không được. Cho nên Tỳ kheo thời mạt thế thân tâm đều tội lỗi. Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện nói rất hay: “Chúng sanh cõi diêm phù đề khởi tâm động niệm không có gì là không tội lỗi”. Lời nói này là sự thật, không hề giả dối. Những việc này nó ở ngay trước mắt chúng ta, chỉ cần chúng ta bình tĩnh quan sát, thì rất rõ ràng, rất minh bạch. Hôm nay chúng ta đọc đến câu kinh văn này: “chí nguyện xuất gia” thì phải biết là ra khỏi nhà sanh tử, ra khỏi nhà phiền não, ra khỏi nhà tam giới. Đương nhiên nhà thế tục, cho dù là tại gia mà trong lòng thanh tịnh không mảy may vướng mắc, đây đích thực là chí nguyện xuất gia.

/ 3