/ 3
55

KINH PHẬT THUYẾT BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC

Phần 1

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


1. Duyên khởi

Xin chào chư vị pháp sư, chào các vị đồng tu!

Lần này là lần đầu tiên chúng ta tổ chức đại hội giảng kinh hoằng pháp tại viện Tri Ân Nhật Bản. Hôm nay chúng ta nhìn thấy bản kinh này, đây là bản mà tôi mới nhìn thấy hai ngày nay. Bát Đại Nhân Giác Kinh Giảng Ký là trước đây giảng tại Đài Loan, chính bút ký của cư sĩ Hàn Anh. Chúng ta lần này sẽ dùng bản này, cũng là để kỷ niệm lão cư sĩ Hàn Anh. Phật pháp bất kể là kinh điển đại thừa hay tiểu thừa, có thể nói là từng câu từng chữ đều hàm chứa vô lượng nghĩa. Lần này chúng ta do vì thời gian hạn chế, cho nên xin giới thiệu giản lược bộ kinh này với quí vị. Tuy thời gian ngắn, nhưng cũng phải giảng bộ kinh này viên mãn. Đây là quy tắc nhất định. Lần này tổ chức pháp hội này tại đây, được sự giúp đỡ tận tình của hai vị là tiên sinh Thủy Cốc và lão pháp sư Trung Thôn, có thể giảng giải kinh điển Phật pháp trong tự viện, nhân duyên thật vô cùng thù thắng. Chúng tôi luôn hy vọng có thể làm hưng thịnh nền giáo dục Phật pháp trong tự viện. Vừa rồi chúng tôi nghe bài diễn văn của tiên sinh Thủy Cốc và lời phát biểu của pháp sư Diêm - đại diện của lão hòa thượng, thì chúng tôi có thể khẳng định, nhân sĩ mà giới Phật giáo Nhật Bản biết tên cũng vô cùng khẳng định đối với việc hoằng dương kinh giáo lợi ích chúng sanh. Chúng tôi nghe vậy cũng hoan hỷ vô cùng, cũng vô cùng tôn trọng, nên muốn dốc hết chút sức hèn mọn này của chúng tôi, tập hợp sức mạnh này, hy vọng có thể đem Phật pháp mở rộng đến toàn thế giới.

Chúng ta tưởng tượng đến Thế Tôn năm xưa còn tại thế, từ sau khi thị hiện thành đạo liền bắt đầu làm công tác dạy học, mọi người đều biết cái gọi là giảng kinh hơn 300 hội, thuyết pháp 49 năm. Từ hai câu nói này, chúng ta liền có thể thể hội được một cách sâu sắc rằng, Thế Tôn năm xưa còn tại thế, có thể nói cả đời ngài là phục vụ cho công tác dạy học, 49 năm không hề gián đoạn, không hề nghỉ ngơi. Điều này chúng ta cần phải ghi nhớ, cần phải học tập theo.

Lần này chúng tôi có nhân duyên thù thắng đã ở lại năm ngày tại Viện Bổn Giác Cao Giả Sơn, ở nơi đó giảng giải với mọi người Tam Phước của Quán kinh, giới thiệu về tâm yếu truyền pháp của Ấn Quang đại sư. Nói rõ cùng quý vị, chư Phật Bồ-tát, các ngài khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, đều là từ tự tánh, tánh đức tự nhiên lưu xuất. Hay nói cách khác, có thể tùy thuận tánh đức, đó liền gọi là Phật Bồ-tát. Đi ngược lại tánh đức, đây là phàm phu. Cho nên học Phật chính là phải học theo Thế Tôn, học theo tổ sư đại đức, chúng ta phải học giống hệt như các ngài vậy, đây gọi là học Phật chân chánh. Sau khi làm được rồi có thể nói, sau khi làm được rồi mới nói, đây chính là thánh nhân. Sau khi nói được có thể làm được, đó gọi là hiền nhân. Nói được mà làm không được, lời tôi nói đây thật khó nghe, đó gọi là kẻ lừa bịp, đó là tự dối mình dối người. Cho nên nền giáo dục Phật pháp, đức hạnh được xếp vào vị trí quan trọng hàng đầu. Không những là Phật pháp, mà nền giáo dục Nho gia cũng xếp đức hạnh vào vị trí đứng đầu. Bốn khoa của Khổng Tử, đứng đầu là đức hạnh, thứ hai là ngôn ngữ, thứ ba là chánh sự, thứ tư mới là văn học. Cho nên thánh nhân giáo hóa thế gian hay xuất thế gian, cái dụng tâm lập ý đó chúng ta không thể không hiểu rõ. Không hiểu rõ thì bạn sẽ không biết phải học từ đâu. Cho nên chúng ta phải vô cùng xem trọng việc tu dưỡng đạo đức.

Phật giáo là nền giáo dục của Phật Đà, là nền giáo dục chí thiện viên mãn của Phật Đà đối với chúng sanh trong chín pháp giới, đây là điều đầu tiên chúng ta cần khẳng định, cần nhận thức rõ ràng, sau đó mới không đến nỗi đi sai đường. Kinh điển là nội dung giảng dạy của Phật. Dùng cách nói hiện nay mà nói thì chính là sách giáo khoa trong giáo dục của Phật Đà. Bộ kinh này được phiên dịch vào thời kỳ đầu. Cho nên chúng ta nhìn thấy thể lệ của dịch kinh, mỗi một bộ kinh vừa mở ra thì nhất định có “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại nơi nào đó, cùng với những thính chúng nào”. Những ghi chép này trong phần mở đầu của kinh đều không có. Đây là thời kỳ đầu khi Phật giáo vừa mới đến Trung Quốc, thể lệ dịch kinh vẫn chưa kiến lập. Bộ kinh này chúng ta xem trong phần nội dung, đại khái là do đại sư An Thế Cao phiên dịch, từ những pháp mà Phật đã nói trong 49 năm này trích ra được tám điều quan trọng nhất để giới thiệu đơn giản nhất cho chúng ta, là mang tính chất như vậy. Rất tương đồng với tính chất của kinh Tứ Thập Nhị Chương. Kinh Tứ Thập Nhị Chương hoàn toàn không phải do Phật nói ra bộ kinh này, mà đều là được trích ra từ trong tất cả các kinh điển, trích ra được 42 điều, đó là Trúc Pháp Lan và Ma Đằng phiên dịch. Kinh Phật phiên dịch bộ đầu tiên là kinh Tứ Thập Nhị Chương. Bộ này [và kinh Tứ Thập Nhị Chương] thời gian [phiên dịch] cũng rất gần nhau, bộ này càng đơn giản hơn so với Kinh Tứ Thập Nhị Chương. Có thể nói [bộ này] là khái quát của Phật học, là trích yếu những điều khái quát từ trong kinh điển. Hai điều phía trước là pháp tiểu thừa, sáu điều phía sau là pháp đại thừa, có thể nói là giới thiệu tương đối viên mãn, vô cùng tinh yếu, rất đáng để chúng ta học tập. Đặc biệt là người mới học Phật pháp. Chúng ta nói với họ những gì vậy? Mấy điều này là thích hợp nhất.

/ 3