/ 5
38

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

PHẨM PHỔ MÔN - BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Tập 5

Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Cảnh Mỹ, [Đài Bắc], Đài Loan

Bài giảng thứ năm - Tháng 12 năm 1983

Số lưu trữ: 08-004-0005

Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng

(Nguyễn Minh Tiến dịch)


Mời quý vị mở [sách Pháp Hoa Kinh Đại Thành, quyển hạ], trang 807. Hôm qua đã giảng đoạn này, trong phần chú giải có dẫn hai công án, một là về Pháp sư Lâm, một là về Tôn Kính Đức. Hai công án này đều có trong phần Âm Nghĩa của bản kinh này. Phần về Pháp sư Lâm được ghi ở trang 1087 của bản in chúng ta đang dùng, quý vị có thể tự ghi nhớ và tra cứu là được. Phần công án về Tôn Kính Đức nằm ở trang 1088, chúng ta cũng không cần giảng lại, quý vị tự ghi nhớ. Nếu như muốn tham khảo, có thể mở xem phần Âm Nghĩa ở cuối sách.

Tiếp theo là phần “biệt đáp”, tức là giải đáp cụ thể, chính là nội dung chính của phẩm kinh này, nói về mười hai đại nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Phần này chia làm ba đoạn lớn. Đoạn thứ nhất nói việc thoát được bảy nạn; đoạn thứ hai nói việc lìa được ba độc; đoạn thứ ba nói việc đáp ứng hai sự mong cầu.

Trong đoạn thứ nhất lại chia làm hai đoạn nhỏ. Đoạn nhỏ thứ nhất giảng rõ về bảy nạn; đoạn nhỏ thứ hai tóm kết về thần lực của Bồ Tát.

Đoạn nhỏ nói về bảy nạn lại chia ra bảy phần. Phần thứ nhất nói về việc thoát nạn lửa thiêu.

Mời quý vị mở xem Kinh văn:

“Nếu có người trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, dù cho nhảy vào lửa dữ, lửa cũng không thiêu đốt được. Đó là do sức oai thần của Bồ Tát.”

Trong phần chú giải, Đại sư nói: “Từ đây trở đi [ý nghĩa] không ngoài ba nghiệp là căn bản.” Ý nói phạm vi cả mười hai đại nguyện này đều không ra ngoài ba nghiệp thân, khẩu và ý. “Gặp bảy nạn xưng niệm danh hiệu Bồ Tát, đó là lấy khẩu nghiệp làm căn bản; muốn trừ ba độc thường niệm danh hiệu Bồ Tát, đó là lấy ý nghiệp làm căn bản.” Cho nên, muốn trừ ba độc [tham, sân, si] thì trong tâm phải thường niệm tưởng, nhớ nghĩ đến Bồ Tát Quán Thế Âm. Hai sự mong cầu muốn được đáp ứng thì phải lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm, đó là lấy thân nghiệp làm căn bản.

Do đó, muốn cầu được sự gia trì của Bồ Tát Quán Thế Âm thì nhất định phải lễ bái, đó là dùng ba nghiệp cung kính. Ý nghĩa này trong ngày hôm qua đã giảng với quý vị. Đại sư Thanh Lương trong phần chú giải kinh Hoa Nghiêm cũng giảng rõ với chúng ta ý nghĩa này. Quý vị xem chú giải kinh Hoa nghiêm, trong chương Quán Tự Tại, sẽ hiểu rõ được cách cầu nguyện Bồ Tát như thế nào để được cảm ứng.

Mấy câu này là nêu tổng quát, tìm hiểu sâu vào suốt đoạn lớn này chính là nói về mười hai đại nguyện. Phần tiếp theo giải thích những cách dùng chữ “nếu có” trong kinh văn. Kinh này thường dùng cách nói như vậy, ý nghĩa là giả thiết, là nói “ví như có xảy ra”, “đều là nói những trường hợp không xác định”. Ý nói rằng nếu như có những tai nạn như vậy xảy ra, nếu ứng dụng tu tập pháp môn này thì đều có thể thoát khỏi. Phần tiếp theo dẫn Kinh Lăng Nghiêm để giải thích do đâu mà Bồ Tát Quán Thế Âm có được năng lực gia trì như vậy. Trong phẩm Phổ Môn chỉ nói việc gia trì, không nói việc do đâu Bồ Tát có năng lực gia trì như vậy. Cho nên phải kết hợp xem cả hai bộ kinh mới hiểu được.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Thứ hai là, xoay cái thấy vào trong, nên khiến cho chúng sinh ví như có vào lửa lớn, lửa cũng không thể thiêu đốt.”

Chúng ta cùng đọc tiếp hai hàng rưỡi phần chú giải in nhỏ bên dưới.

“Thấy biết thuộc hỏa”, là nói trong bốn đại thì “thấy biết” thuộc về hỏa đại. “Chỗ thấy biết xoay vào trong thì lìa được lửa ngoài cảnh trần. Cảnh trần huyễn hóa đã lìa, chân tánh vẫn còn, nên không bị lửa làm hại. Do sự gia trì từ oai lực của Bồ Tát đã lìa được cảnh trần xoay lại chân tánh, nên chúng sinh khi vào lửa dữ, trì niệm danh hiệu Bồ Tát thì lửa cũng không thể thiêu đốt.”

Nói đến “chỗ thấy biết” thì cũng đã bao gồm cả sáu căn. Sáu căn của chúng ta thì tác dụng là thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, nhận biết. Ở nhãn căn gọi là thấy, ở nhĩ căn gọi là nghe, ở tỷ căn gọi là ngửi, ở thiệt căn gọi là nếm, ở thân căn gọi là xúc chạm, ở ý căn gọi là nhận biết. Sáu căn này thật ra đều là tác dụng khởi lên từ một tánh biết sáng suốt, cho nên nói rằng “vốn từ một bản tánh sáng suốt, phân chia thành sáu căn hòa hợp”.

/ 5