/ 51
281

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 39)

Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển hạ trang hai mươi ba, chúng ta đọc qua Kinh văn:

“PHỤC THỨ ĐỊA TẠNG! NHƯỢC VỊ LAI THẾ TRUNG, HỮU THIỆN NAM TỬ THIỆN NỮ NHÂN, NGỘ PHẬT THÁP TỰ, ĐẠI THỪA KINH ĐIỂN, TÂN GIẢ BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG, CHIÊM LỄ TÁN THÁN, CUNG KÍNH HIỆP CHƯỞNG. NHƯỢC NGỘ CỐ GIẢ, HOẶC HUỶ HOẠI GIẢ, TU BỔ DOANH LÝ, HOẶC ĐỘC PHÁT TÂM, HOẶC KHUYẾN ĐA NHÂN ĐỒNG CỘNG PHÁT TÂM”

(Lại vầy nữa, này Địa Tạng Bồ Tát! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào gặp chùa tháp và Kinh điển Đại thừa, nếu là Kinh tháp mới thời bố thí cúng dường, chiêm ngưỡng lễ lạy ngợi khen chắp tay cung kính. Nếu gặp Kinh tháp cũ, hoặc hư rách thời sửa sang tu bổ, hoặc riêng mình phát tâm làm, hoặc khuyến người khác cùng đồng phát tâm).

Trong đoạn Kinh văn này, nửa đoạn trước đã giới thiệu qua rồi, nửa đoạn sau này là nói gặp được Kinh tháp cũ. Quy mô của chùa tháp cũ là tương đối lớn, không phải người bình thường tự mình có thể gánh vác, tu bổ, khôi phục nổi. Cho nên đức Phật ở chỗ này dạy chúng ta, nếu như bạn có khả năng một mình mình phát tâm thì tốt, công đức vô cùng thù thắng. Nếu như mình không có khả năng thì nên khuyến khích, kêu gọi mọi người cùng nhau phát tâm, đều là vô lượng công đức. Còn Kinh điển sau khi tu bổ, nhất định phải có một nơi đường hoàng để cất giữ. Thời xưa có một số gia đình cất chứa của báu trong nhà, truyền nhau đời đời, chế độ đại gia đình có thể truyền được dài lâu. Gia đình hiện nay là chế độ gia đình nhỏ, vả lại thường hay di dời, không giống như Trung Quốc trước đây, chọn một nơi chốn để xây dựng nhà cửa, khi vào ở nơi này thật sự là ở đến mấy trăm năm, ở mãi ngôi nhà này. Người hiện nay thường hay dời nhà. Ở nước ngoài cắm một tấm bảng, là có thể bán nhà bất cứ lúc nào. Cho nên việc bảo tồn những đồ cổ xưa này là vô cùng khó khăn. Gặp phải những tình cảnh như vậy chúng ta cần phải có trí tuệ, tốt nhất đưa cho nhà trường bảo quản, hoặc giả đưa cho thư viện của chính phủ bảo quản. Ở Trung Quốc những tự viện tùng lâm lớn, chúng ta biết nó có thể truyền được lâu dài, nơi đây có thể bảo quản được. Giống như tứ đại danh sơn của Trung Quốc, những đạo tràng này bất kể biến đổi như thế nào thì nó cũng có thể truyền mãi được. Nơi này của nó là lầu tàng Kinh, có thể cất giữ ở nơi đó. Đây là cất giữ đồ xưa cũ, sau khi tu bổ tốt rồi, thu thập lại cất giữ vào những nơi này. Những Kinh sách quan trọng hơn nữa, chúng ta có thể đem photocopy, bản photocopy có thể lưu hành rộng rãi, còn bản gốc phải cất giữ cho đường hoàng, bản photo phải lưu hành rộng rãi, thậm chí là có thể lưu vào trong máy vi tính. Lưu vào máy vi tính có hai cách. Một loại là lưu giữ bản gốc, hiện nay dùng kỹ thuật chụp hình, có thể nhìn thấy được bản gốc ở trên máy vi tính, dạng chữ gốc, đây là loại rất có giá trị nghệ thuật. Loại thứ hai là làm bản in mới, làm bản in mới tải lên mạng lưu hành. Phương pháp này cũng hay. Nói tóm lại Phật Pháp chú trọng ở lưu hành, không chú trọng ở việc cất giữ. Bạn cất giữ có lợi ích cho ai đâu chứ? Cho nên nhất định phải lưu hành. Công đức của lưu hành vô cùng thù thắng. Ngày nay chúng ta nhìn thấy rất nhiều nơi in Kinh, trên thị trường người đời in Kinh, phía sau họ ghi: “Sở hữu bản quyền, cấm in sao”, cái này về tình có thể tha thứ được. Nếu như là tứ chúng đệ tử nhà Phật hoặc là đạo tràng mà trên trang bản quyền có in dòng chữ này thì phiền phức lớn rồi. Cả đời bạn tu hành tốt đi nữa, làm nhiều việc công đức đi nữa, bạn vẫn không tránh khỏi bị đọa lạc. Nguyên nhân gì vậy? Bạn chướng ngại cho sự lưu hành Phật Pháp, tội này nặng hơn bất cứ tội nào khác. Bạn làm nhiều việc tốt đi nữa cũng không thể thắng nổi cái tội lỗi này. Bởi vì mấy chữ này của bạn mà khiến cho pháp thân huệ mạng của biết bao nhiêu người bị đoạn dứt. Cho nên cái lợi hại, được mất này chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải sáng tỏ, làm sao có lợi ích cho xã hội, lợi ích cho đại chúng. Lưu thông là bố thí. Phần trước đã báo cáo qua với quý vị rồi, bố thí tài được giàu có, bố thí pháp được trí tuệ. Bạn không chịu bố thí, chướng ngại bố thí, không những bạn phải bị quả báo nghèo cùng, mà còn phải bị quả báo ngu si nữa. Ngu si thì quá đáng sợ rồi! Người tạo tác những tội nghiệp cực nặng, nguyên nhân căn bản đều là do ngu si. Thời gian thọ báo trong ba ác đạo trong Kinh nói là vô số kiếp. Nếu gặp phải tai nạn lớn như vậy đều là do họ không rõ đạo lý này. Bạn thấy một niệm chuyển trở lại rồi, phát tâm bố thí, phát tâm cúng dường được vô lượng phước.

/ 51