KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 25)
Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển trung, trang 62.
“NĂNG Ư THỊ THẬP TRAI NHẬT, ĐỐI PHẬT BỒ-TÁT CHƯ HIỀN THÁNH TƯỢNG TIỀN, ĐỘC THỊ KINH NHẤT BIẾN. ĐÔNG TÂY NAM BẮC BÁCH DO-TUẦN NỘI, VÔ CHƯ TAI NẠN, ĐƯƠNG THỬ CƯ GIA NHƯỢC TRƯỞNG NHƯỢC ẤU, HIỆN TẠI VỊ LAI BÁCH THIÊN TUẾ TRUNG VĨNH LY ÁC THÚ”.
(Về đời sau, nếu có chúng sanh nào trong mười ngày trai kể trên đây, mà có thể đối trước hình tượng của chư Phật, Bồ-tát, Hiền, Thánh để đọc tụng Kinh này một biến, thời chung quanh chỗ người đó ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, trong khoảng một trăm do-tuần không có xảy ra những việc tai nạn. Còn chính nhà của người đó ở, tất cả mọi người hoặc già, hoặc trẻ về hiện tại và vị lai đến trăm nghìn năm xa khỏi hẳn các ác đạo).
Chỗ này là nói thật sự được uy lực của chư Phật Bồ-tát gia trì, nơi mà người tu hành này sống trong khoảng một trăm do-tuần. Theo cách nói của Ấn Độ xưa, phạm vi của một trăm do-tuần là rất lớn. Một do-tuần là 40 dặm. Trăm do-tuần là bốn nghìn dặm, như thế phạm vi này lớn biết bao. Tu hành ở Singapore, hầu như toàn bộ Trung Quốc đại lục đều bao gồm ở trong đó, bốn nghìn dặm, có sức mạnh lớn như vậy. Quý vị nên biết, chân tu mới có sức mạnh này. Nếu như không phải làm thật, thì khoảng cách 40 thước cũng không thể được, chứ đừng nói bốn trăm do-tuần. Đây là sự thật, nhất định phải hiểu được đạo lý này. Nói thực ra người hiện nay dễ dàng lý giải đạo lý này hơn người xưa. Người xưa đọc đoạn Kinh này, họ có thể hiểu được, có thể tin được, thật sự là chúng ta không thể không khâm phục, thiện căn phước đức của họ sâu dày. Bởi vì thời xưa không có cách gì giải thích cho thật tường tận được, lại không thể tìm được chứng cứ. Hiện nay chúng ta có khoa học kỹ thuật tiến bộ, dùng những phương pháp khoa học này chứng minh, sẽ dễ hiểu hơn nhiều so với trước đây.
Đạo lý này ở phần trước đã từng nói qua với quý vị rồi, hy vọng mọi người hãy tư duy cho thật kỹ. Đạo lý đích thực chính là nhà khoa học hiện nay của chúng ta gọi là hiện tượng của sóng. Phần trước đã từng nói qua với quý vị rồi, hễ là có vật chất thì sẽ sinh ra hiện tượng sóng. Nhưng tất cả sóng do vật chất sinh ra, sóng đó của nó là ôn hòa. Toàn bộ vật chất, chúng ta gọi là thực vật, động vật, sóng này là rất ôn hòa, rất bình thường, biên độ dao động của sóng không quá lớn, nó ở trong phạm vi nhất định, bởi vì nó vĩnh viễn duy trì ở trạng thái này. Tuy trạng thái này có biến đổi, nhưng nó biến đổi rất yếu ớt. Đây là chứng tỏ hiện tượng sóng này của nó là một loại hiện tượng bình thường. Nhà khoa học hiện đại đã nhận biết rõ ràng, hoàn toàn không có vật chất tồn tại. Vật chất là gì? Vật chất thực ra là hiện tượng của sóng. Sự nhận biết này thật tuyệt vời, nó rất gần với Phật pháp nói.
Phật pháp nói vũ trụ, chúng sanh hình thành như thế nào? Thập pháp giới y chánh trang nghiêm từ đâu mà có? Từ vô minh mà có. Vô minh bất giác sanh tam tế, cảnh giới vi duyên trưởng lục thô. Có thể thấy vô minh chính là hiện tượng của sóng. Vậy là thật sự tìm ra được đầu nguồn của thập pháp giới y chánh trang nghiêm rồi, đâu có sự thật tồn tại? Chúng ta cảm thấy có sự thật tồn tại, đây là tướng tương tục của sóng. Trong "Kinh Kim Cang" nói: “Như sương như điện chớp”. Sương là tướng tương tục. Điện là tướng sinh diệt theo từng sát-na. Sát-na sinh diệt nói thực ra chính là bất sanh bất diệt, sinh diệt đồng thời. Hiện tượng của sóng là sinh diệt đồng thời, cho nên Phật nói là bất sanh bất diệt. Chúng ta phải thể hội cho được bất sanh bất diệt không phải thật sự là bất sanh bất diệt. Thật sự bất sanh bất diệt thì nói bất sanh bất diệt sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả. Nó thật sự là sinh diệt. Sinh diệt tại sao nói nó là bất sanh bất diệt? Vì sinh diệt đồng thời. Đức Phật ở trong Kinh dùng tia chớp để làm ví dụ, là nói tốc độ của nó quá nhanh. Vấn đề này về sau chúng ta ở trong "Kinh Hoa Nghiêm" sẽ giải thích rõ tường tận.
Nhưng sóng của chúng sanh hữu tình phát ra mạnh hơn không biết gấp bao nhiêu lần so với sóng của thực vật. Chúng ta đọc thấy ở trong Kinh, đức Phật nói “Y báo chuyển theo chánh báo”. Câu nói này rất khó hiểu. Y báo là môi trường vật chất của chúng ta, môi trường sống của chúng ta. Đức Phật nói môi trường sống là đang chuyển đổi theo tâm của bạn, chuyển đổi theo ý nghĩ của bạn, rất khó hiểu. Trong "Kinh Lăng Nghiêm" lại nói: “Nếu chuyển được cảnh thì đồng với Như-lai”. Chuyển cảnh là môi trường vật chất có thể tùy theo ý muốn của bạn. Đức Phật nói như vậy bạn là cùng với cảnh giới của chư Phật Như-lai rồi. Khi chúng ta đọc thấy những lời này trong Kinh, quả thật rất mê hoặc. Thực ra chúng ta dùng khoa học để chứng minh, sẽ rất dễ hiểu. Ngày nay nói chúng ta dùng sóng điện để làm ví dụ, hiện tượng nhiễu sóng điện. Tất cả vật chất phát ra sóng yếu hay dịu dàng, còn sóng của tư tưởng chúng ta phát ra rất mạnh mẽ, biên độ dao động lớn. Sóng này có thể nhiễu sóng của vật chất, sóng này của chúng ta phát ra mạnh, sẽ trùm qua cả vật chất, như vậy thì có thể làm thay đổi kết cấu của vật chất. Kết cấu vật lý là sinh ra từ sóng, bạn chỉ cần thay đổi được sóng của nó, thì kết cấu vật chất, thậm chí là kết cấu của tinh cầu này cũng sẽ thay đổi, quỹ đạo vận hành của tinh cầu trong không gian cũng sẽ thay đổi, có thể sinh ra làn sóng lớn như vậy.