/ 2
22

KHAI THỊ PHẬT HỌC CƠ BẢN

Phần 2

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ


5. Vấn đề thứ năm, câu hỏi “Trong xã hội hiện đại, mật tông, thiền tông đều rất thịnh hành. Mật tông thì nói ‘tức thân thành Phật’, thiền tông lại nói ‘minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật’, vậy rốt cuộc việc thành Phật là như thế nào”?

Chữ “Phật” là từ âm tiếng Phạn Ấn Độ mà dịch ra, kỳ thật chữ này có thể đem dịch sang Trung văn, nhưng tại sao lại không dịch? Vì trong trung tâm dịch kinh thời xưa quan niệm có năm loại không dịch. Từ này thuộc về lòng tôn kính nên không dịch. Chỉ có thể dịch âm, ý nghĩa là trí tuệ, giác ngộ. Tuy nhiên hàm ý trong danh từ “Phật” vượt ra ngoài lý giải của chúng ta. Trí tuệ của ngài là trí tuệ viên mãn, giác ngộ của ngài là triệt để giác ngộ. Nói cách khác, đối với cả vũ trụ nhân sinh, thậm chí đến quá khứ vị lai, chân thật không gì không biết, không gì không giác. Phải đạt đến cảnh giới như vậy mới gọi là thành Phật.

Nếu các vị hiểu rõ hàm ý của chữ Phật này thì liền biết “tức thân thành Phật” của mật tông có thể thành được hay không? Ngay trong đời hiện tại, hoặc trong thời gian tu học ngắn ngủi của bạn, bạn có thể tường tận thông suốt được chân tướng của vũ trụ nhân sinh hay không? không hề tường tận là không thể thành Phật. Lời nói của thiền tông so với “tức thân thành Phật” của mật tông, tôi cảm thấy ý nói tiến bộ thêm một chút. Vì nó có điều kiện, điều kiện là minh tâm kiến tánh, kiến tánh mới thành Phật. Ai có thể đạt đến được minh tâm? Do đây mà biết, tâm chúng ta không minh, hiện tại tâm này bị mê hoặc. Yêu cầu tu học của thiền tông là phá trừ mê hoặc, hồi phục tự tánh. Khi mê, Phật pháp gọi là “tâm”, khi giác ngộ thì gọi là “tánh”. Các vị phải biết “tâm” cùng “tánh” là một thể. Nếu tâm sáng suốt thì gọi là bổn tánh, nhà Phật gọi là “chân như”. Lúc nào bạn đã kiến tánh, minh tâm thì lúc đó gọi bạn là Phật, bạn không còn là phàm phu nữa. Khác biệt giữa phàm phu và Phật ở chỗ này. Phàm phu chúng ta phải mặc áo ăn cơm, Phật Bồ tát cũng mặc áo ăn cơm; phàm phu chúng ta có công việc, Phật Bồ tát mỗi ngày cũng làm việc, trên sự tướng thì không hề khác nhau, khác biệt chính là cảnh giới. Họ có trí tuệ chân thật, chân thật không gì không biết, không gì không thể. Nếu chúng ta hiểu rõ thì liền hiểu được hai câu nói này.

Tuy trong kinh luận, trong chú sớ của đại đức xưa có, nhưng trên thực tế thì tuyệt đối không phải người thông thường có thể làm được. Nói đến “tức thân thành Phật” của mật tông, trong Văn Sao của Ấn Quang đại sư đã nói rất rõ ràng, chúng ta không cần phải bàn nhiều. Trước khi lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ vãng sanh không lâu, tôi có gặp ông, ông cũng là truyền nhân của mật tông, bản thân ông là Kim Cang Thượng sư. Ông rất thành thật nói với tôi: “vào thời đại này, căn cơ để học mật đã không còn nữa”, nói cách khác, học mật nếu muốn ngay đời này thành tựu thì không thể tìm ra. Mật tông không thể thành tựu, thiền tông cũng rất khó tương tự. Kinh Đại Tập, Phật nói: “Thời kỳ mạt pháp chỉ có pháp môn tịnh độ đới nghiệp vãng sanh”, pháp này dễ dàng thành tựu, hơn nữa còn thành tựu ổn định. Chúng ta tuân theo lời giáo huấn của Phật Thích Ca Mâu Ni chính là học sinh tốt của Phật, chăm chỉ nỗ lực niệm Phật, y theo ba kinh một luận của tịnh độ mà tu tập, tương lai nhất định có kết quả tốt đẹp.

Từ xưa đến nay, niệm Phật vãng sanh đã có rất nhiều tướng lạ không thể nghĩ bàn. Những người này biểu hiện rõ ràng để chúng ta xem. Mật tông “tức thân thành Phật”, chúng ta chưa hề thấy qua, cũng không hề nghe nói. Lão cư sĩ Hòang Niệm Tổ cũng không dám nói mình “tức thân thành Phật”. Lão pháp sư Đàm Hư sống đến hơn chín mươi tuổi mới vãng sanh. Sinh tiền ông nói với người rằng ông gặp qua rất nhiều vị thiện tri thức của thiền tông, gặp qua người có được thiền định, nhưng chưa gặp qua người khai ngộ, cũng chính là người “minh tâm kiến tánh”. Không những không thấy qua mà còn không hề nghe nói. Do đây có thể biết, mật và thiền rất khó, tuyệt đối không phải người thông thường có thể thành tựu.

Đại sư tổ thứ sáu thiền tông nói rất hay, đối tượng mà ngài tiếp dẫn là người thượng thượng căn. Chúng ta tự nghĩ xem mình có căn khí thượng thượng căn hay không? Thế nào gọi là thượng thượng căn? phiền não nhẹ, trí tuệ lớn. Nói cách khác, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước rất ít; sáu căn thông lợi, mắt vừa thấy, tai vừa nghe, thân vừa tiếp xúc liền thông đạt, liền thông suốt, hơn nữa không có sai lầm. Căn tánh như vậy mới xem là người thượng thượng căn, bạn mới có duyên phận tiếp nhận tu học pháp môn này.

/ 2