/ 1
19

KHAI THỊ CHO ĐỒNG TU TỊNH TÔNG

Người giảng: Lão Hoà thượng Tịnh Không

Địa điểm: Học Hội Tịnh Tông Hoa Tạng

Thời gian: ngày 17 tháng 11 năm 2008

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hiền


Các vị pháp sư! Các vị đồng tu, xin chào mọi người. A Di Đà Phật!

Lần này Tịnh Không tôi trở lại Đài Loan, ngay trong khoảng cách này cũng đã có đến mười năm rồi. Mười năm qua thay đổi rất nhiều, không chỉ ở Đài Loan mà thay đổi ở trên toàn thế giới, đều khiến cho người cảm thấy kinh ngạc. Những năm gần đây xã hội trên toàn thế giới xung đột mỗi năm một tăng cao, tai nạn cũng càng ngày càng nhiều, năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo với chúng ta, họ nói muốn cứu vãn địa cầu này chỉ còn lại bảy năm nữa, trong khoảng thời gian này nếu không nỗ lực thì không thể cứu kịp nữa, cũng chính là ngày tàn của thế giới mà rất nhiều lời dự đoán cũng như trong các tôn giáo đã nói. Phật giáo không có cách nói này. Thế nhưng ngày trước đại sư Chương Gia đã từng nói qua với tôi, hiện tượng Phật pháp hưng suy chìm nổi là bình thường, sau khi chìm xuống thì dần dần lại hưng vượng trở lại.

Vậy thời đại hiện tại của chúng ta là Phật pháp đang đi xuống dốc, rơi xuống có thể nói là đến tận đáy. Chúng ta không cần tránh né, sự thật đang bày ra trước mắt. Không chỉ là ở khu vực này, mà đi khắp thế giới cũng đều không khác. Vì sao Phật giáo có thể chìm xuống? Chúng ta chính mình phải phản tỉnh, không cần đi hỏi người khác, cũng không nên đi trách người khác, phải trách chính mình. Lão tổ tông chúng ta dạy bảo chúng ta là “hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỷ”. Vì sao Phật giáo có thể chìm xuống? Là ta nhấn chìm nó, vì sao vậy? Ta không giữ giới luật, người xuất gia chúng ta Sa Di Luật Nghi cũng không làm được, Phật giáo có đáng bị diệt không? Thật đáng. Tín đồ tại gia thì không làm được mười nghiệp thiện, vậy thì Phật pháp bị diệt thôi. Không nên hỏi người mà phải hỏi chính mình. Chúng ta chính mình không làm được, chúng ta chính mình phải gánh lấy trách nhiệm nhân quả này. Chỉ cần hồi đầu thì được cứu. Chúng ta hiểu rõ, chúng ta làm sai rồi, bây giờ bắt đầu làm lại.

Vì sao mười nghiệp thiện, Sa Di luật nghi khó làm đến như vậy? Vì sao người xưa có thể làm được, hiện tại chúng ta không làm được? Chúng ta truy tìm nguyên nhân này thì chúng ta cũng tìm ra được. Nguyên nhân là do đâu vậy? Người xưa từ nhỏ đã tiếp nhận giáo dục luân lý đạo đức nhân quả, cho nên học Phật không khó, có nền tảng. Con người thời đại này chúng ta thật đáng thương, rất là bất hạnh, không hề được tiếp nhận qua giáo dục truyền thống. Không những chúng ta chưa được tiếp nhận, cha mẹ của chúng ta cũng không được tiếp nhận, ông bà của chúng ta cũng không được tiếp nhận, ở Trung Quốc chí ít cũng đã bỏ mất đi bốn đời.

Phật từ bi, bạn thấy trên kinh Vô Lượng Thọ giảng giải rất tường tận về tiên nhân vô tri, đó chính là ông cố tổ, ông nội, cha mẹ của chúng ta. “Tiên nhân vô tri, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả”. Họ chưa được dạy tốt, không dạy cho chúng ta tốt, cho nên không thể trách chúng ta. Thích Ca Mâu Ni Phật nói lời nói này, chí ít đã nói 2500 về trước, nhưng đã đem tình hình hiện tại này của chúng ta nói được rất rõ ràng, rất tường tận. Chúng ta phải giác ngộ, chúng ta nghĩ đến mất trâu mới làm chuồng vẫn không muộn. Thế nhưng phải chân thật hạ quyết tâm, phải thay đổi tự làm mới, chúng ta phải nhận giáo dục bổ túc. Bổ túc vào từ đâu vậy? Chúng ta phải từ mười nghiệp thiện. Thế nhưng mười nghiệp thiện không làm được? Có nền tảng của mười nghiệp thiện, đó chính là Đệ Tử Qui của nhà Nho, Cảm Ứng Thiên của Đạo Gia.

Trong Phật Tạng kinh, Thế Tôn nói với chúng ta (Phật Tạng kinh không phải Đại Tạng kinh, trong kinh Phật có một bộ kinh nhỏ gọi là Phật Tạng kinh), đệ tử Phật trước không học tiểu thừa, sau học đại thừa thì không phải đệ tử Phật. Phật không thừa nhận. Cho nên Phật dạy bảo chúng ta, vẫn là hy vọng chúng ta tuần tự tiến dần, trước học tiểu học, kế học trung học, tiếp đến học đại học. Tiểu thừa chính là tiểu học của nhà Phật. Chúng ta chưa học qua tiểu thừa. Kinh điển của tiểu thừa truyền đến Trung Quốc có thể nói là tương đối hoàn chỉnh. Tạng Kinh Pali của Nam Truyền chỉ hơn Tứ A Hàm trong Đại Tạng kinh chúng ta năm mươi mấy bộ, gần ba ngàn bộ nó chỉ hơn năm mươi mấy bộ, phiên dịch của chúng ta hoàn chỉnh đến như vậy.

/ 1