/ 1
25

KHÁC BIỆT GIỮA MA VÀ PHẬT

(Trích lục từ Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Quang Minh Giác thứ chín)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không

Giảng tại: Học Viện Tịnh Tông Úc Châu

Thời gian: Tháng 04 năm 2004

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


Xin chào các vị đồng tu!

Mời xem phẩm Quang minh giác, quang chiếu thiên giới, xem từ kệ tụng thứ tư. Trước tiên chúng ta đọc qua kinh văn một lần:

“Phật phi thế gian uẩn

Giới xứ sanh tử pháp

Số pháp bất năng thành

Cố hiệu nhân sư tử.”

Trong sớ giải của đại sư Thanh Lương, Ngài vì chúng ta khai thị, bài kệ này là tán thán Phật siêu tuyệt ba khoa đức. Ba khoa này chính là giới, uẩn, xứ. Phật đã siêu việt hết. Hôm qua có một đồng tu nêu ra một vấn đề, hỏi Phật là gì? Ma là gì? Tôi chưa giải đáp. Câu hỏi này là một vấn đề rất thông thường, thế nhưng cũng là một vấn đề rất nghiêm túc, không những đại chúng thông thường trong xã hội không biết cái gì gọi là Phật, đối với ma cũng là mơ mơ hồ hồ không được rõ ràng. Trong đồng tu học Phật, tôi tin là đại đa số cũng là không được tường tận. Khi nhắc đến Phật thì liền nghĩ ngay đến 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, tượng đắp thếp vàng, nghĩ ngay đến tượng Phật. Nói đến ma thì sao? Nhất định là yêu ma quỷ quái, mặt xanh răng lòi, rất khủng khiếp, bạn đều sẽ nghĩ ngay đến những thứ này. Vậy thì cách nghĩ này cũng không thể nói là bạn sai, nhưng cũng không thể nói là đúng, đó chỉ là một biểu tướng rất thô cạn, bạn phải hiểu được nội hàm của nó. Vậy thì rốt cuộc nó mang ý nghĩa gì vậy?

Ngay câu kệ này của chúng ta, thực tế mà nói là trên dưới hợp lại thảy đều là nói đến Phật. Sau khi hiểu rõ chữ Phật rồi, trái ngược với Phật thì chính là ma, cho nên bạn nhận biết một mặt thì hai mặt đều thông suốt. Nếu bạn nhận biết ma thì mặt trái của ma chính là Phật, một thể mà hai mặt. Nếu nói lời thật với bạn, lời thật là không có Phật cũng không có ma, thế nhưng nếu nói lời thật với bạn thì bạn sẽ không hiểu, bạn không cách gì thể hội, Phật cùng ma thật gọi là một thể mà hai mặt.

Trước tiên chúng ta nói về Phật. Danh từ Phật này, các vị thấy ở trong tam quy y, bạn đọc đến quy y Phật đà, nếu như phiên dịch một cách đầy đủ thì phía sau còn có một âm đuôi là “Phật Đà Da”, đó là dịch âm của Phạn văn Ấn Độ xưa. Vì sao phải phiên dịch như vậy? Văn hóa Ấn Độ không như Trung Quốc, có một số hàm nghĩa trong văn tự Trung Quốc nhưng Phạn văn không có. Không có thì không cách gì phiên dịch ra. Ý nghĩa cũng như vậy. Trong Phạn văn có một số ý nghĩa mà văn tự Trung Quốc không có. Không có thì cũng không cách gì phiên dịch. Cho nên khi kinh Phật truyền đến Trung Quốc, đạo tràng phiên dịch, vào thời đó gọi là Viện Dịch Kinh, đã tạo ra không ít chữ mới. Chữ Phật này chính là thuộc về một trong những chữ mới, thời xưa Trung Quốc không có chữ này. Thời xưa Trung Quốc có chữ Phật nhưng chữ này không có bộ nhân bên cạnh, đó là thời xưa đã có chữ Phật này. Hiện tại chữ Phật của Phạn văn đó là người, cho nên liền dùng âm Phật này của Trung Quốc thêm vào một bộ nhân, do đó, đây là một chữ mới. Khi phiên dịch kinh Phật đã tạo ra không ít chữ mới, cái chữ mới này chỉ là âm, ý nghĩa thì cần phải giải thích thêm. Cách nói thông thường nhất là trí, là giác. Bổn ý của nó là trí tuệ, tác dụng của trí tuệ là giác ngộ. Trí, Trung Quốc chúng ta có một chữ này, cũng có một chữ giác này, vậy dịch thành trí giác chẳng phải được rồi sao? Hà tất còn phải dịch thành “Phật Đà Da”? Trung Quốc tuy là có chữ trí, có chữ giác, thế nhưng ý nghĩa của giác không hoàn toàn giống với ý nghĩa của chữ Phật Đà của Phạn văn, cho nên vẫn là không được. Trong trí này nói có ba loại trí, trong giác cũng có nói ba loại giác, còn chữ trí và giác này của chúng ta không có cái ý như vậy trong đó. Ba loại trí này chính là nhất thiết trí, đạo chủng trí, nhất thiết chủng trí. Việc này các vị tra tìm qua tự điển Phật học thì có thể tra tìm ra được. Đại đức xưa nay chú giải Phật kinh, muốn chú giải chữ Phật này đều giảng được rất rõ ràng, đó là có ba loại trí. Trong chữ trí này của Trung Quốc chúng ta không có ba loại này.

Cái gì gọi là nhất thiết trí? Nhất thiết trí là thông đạt tường tận bản thể của vũ trụ vạn hữu, hiện tại trong triết học chúng ta gọi là bản thể luận. Thực tế mà nói thì bản thể trong triết học thật ra là luận ở trong thảo luận, có kết quả hay không vậy? Đến ngày nay vẫn chưa có kết quả. Triết học gia trong và ngoài nước xưa và nay nghiên thảo bản thể của vũ trụ nhân sanh đến bây giờ vẫn chưa kết luận. Có rất nhiều cách nói đều không thể làm cho người tâm phục khẩu phục. Họ cũng có thể nói ra một tràng đạo lý, thế nhưng không thể làm cho người tâm phục. Ý nghĩa chữ Phật trong cái trí này thứ nhất chính là bản thể, cũng chính là cội gốc của vũ trụ vạn hữu là gì. Vậy thì cội gốc mà trong Phật pháp gọi là gì vậy? Phật pháp gọi là không.

/ 1