/ 1
24

HÓA GIẢI MÂU THUẪN XUNG ĐỘT

PHẢI BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG ĐỐI LẬP TRONG TÂM MÌNH

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Giảng ngày 20-07-2003 tại Tịnh tông học hội Thái Lan

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: PT. Giác Minh Duyên


Hôm nay chúng tôi có duyên đến nước Thái, nhìn thấy Tịnh Tông Học Hội ở đây để lại ấn tượng rất thù thắng trang nghiêm, vô cùng hiếm có, đặc biệt là vào thời đại động loạn này. Mọi người có duyên gặp được Phật pháp, gặp được Tịnh Tông, tu học như lý như pháp, nhất định trong đời sẽ thành tựu. Hiện nay mọi người, thân tâm chưa có chỗ dựa, chưa có chỗ quay về đích thực, bất luận giàu nghèo sang hèn. Đặc biệt mấy năm gần đây, số tai nạn không ngừng gia tăng, thiệt hại mỗi ngày một nghiêm trọng. Đồng học trong nhà Phật rất chú ý đến những sự việc này. Thỉnh thoảng có người đến hỏi, tại sao tai nạn lại nhiều như vậy? Phật Bồ Tát và các bậc thánh hiền trong thế gian dạy chúng ta, bất kể là thiên tai nhân họa đều do nghiệp lực chiêu cảm mà có. Nghiệp thì có thiện nghiệp, ác nghiệp. Chúng sanh trong xã hội ngày nay, mỗi ngày họ nghĩ đến điều gì? Họ nhắc đến việc gì? Làm việc gì? Trả lời câu hỏi đó tự nhiên sẽ hiểu được tai nạn triền miên này do đâu. Chính là do nghiệp bất thiện chiêu cảm.

Trên thế giới, người học Phật rất nhiều, người tín ngưỡng tôn giáo càng nhiều hơn. Căn nguyên của tai nạn nghiệp báo là do người ta đã đánh mất đi lời giáo huấn của thánh hiền, không biết nhân nghĩa đạo đức, không biết hành thiện, tích luỹ công đức mới tạo nên hiện tượng xã hội như hiện nay. Như thế học Phật tin giáo cũng thật đáng tiếc. Phật là gì vậy? Thực tế số người có thể hiểu được rõ ràng cũng không nhiều, thế là tín ngưỡng tôn giáo bị một số người trong xã hội cho là mê tín. Cách nói và cách nhìn của họ không sai. Chúng ta có mê tín hay không? Hỏi bạn Phật là gì bạn cũng không biết, đều đáp không được, như vậy bạn đã tin Phật một cách mơ hồ, đây không phải mê tín thì là gì? Có mấy người hiểu Phật pháp một cách rõ ràng minh bạch, sau đó mới khởi lòng tin? Quả thật rất ít.

“Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”

Phật giáo rốt cuộc là gì? Thường nghe nhất là “từ bi vi bổn, phương tiện vi môn” chỉ có tám chữ quá đơn giản này để giảng về Phật giáo.

“Từ bi vi bổn”

Cái gì là từ bi? Cái gì là phương tiện? Từ bi và chữ “ái” trong các tôn giáo khác có cùng một ý nghĩa. Cơ Đốc Giáo, Thiên Chúa Giáo, giáo nghĩa của họ là “Thượng đế ái thế nhân, thần ái thế nhân”, ý nghĩa của từ bi và ái giống nhau. Nhưng tại sao nhà Phật nói “từ bi” mà không nói “ái”? Người thế gian nói “ái”, trong “ái” có tình cảm, có tình là có chấp trước, có tình thì có phân biệt. Cho nên Phật giáo không dùng chữ này mà đổi qua danh từ “từ bi”. Từ bi là lý tính của ái. Cái ái này bình đẳng, thanh tịnh, không phân biệt, không chấp trước. Nói cách khác, không phân quốc gia, không phân chủng tộc, cũng không phân tôn giáo tín ngưỡng. Phật nói là một mực từ bi. Chúng ta nhìn thấy trong kinh điển, năm xưa khi Phật còn tại thế, trong số học trò của ngài có rất nhiều tín đồ tôn giáo khác thậm chí là thầy truyền giáo của tôn giáo, người lãnh đạo tôn giáo, đều đến bái Phật làm thầy. Giáo huấn của Phật Đà đối với họ là bình đẳng, cho nên thành tựu tu học của họ cũng thật không thể nghĩ bàn.

Quí vị thường hay đọc tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, chúng ta thấy tiền thân của Bồ tát Địa Tạng là nữ Bà La Môn. Đó là Bà La Môn giáo, chính là Ấn Độ giáo ngày nay. Hoặc trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta thấy Thắng Nhiệt Bà La Môn, Biến Hành Ngoại Đạo, rất nhiều người là lãnh đạo các tôn giáo khác. Vậy Phật rốt cuộc là người như thế nào? Người học Phật chúng ta không thể không hiểu rõ. Từ kinh điển chúng ta hãy bình lặng quan sát tỉ mỉ, Phật Thích Ca Mâu Ni là thầy giáo, ngài đã buông bỏ vương vị, sự nghiệp. Cả đời ngài theo đuổi việc dạy học, bắt đầu từ năm 30 tuổi. Dùng cách nói hiện đại thì ngài đã làm công việc giáo dục xã hội đa nguyên văn hoá. Chúng ta không thể không biết ngài dạy những gì. Tổng hợp 49 năm ngài chỉ giảng một câu của kinh Bát Nhã: “Chư pháp thực tướng”. Chư pháp thực tướng chính là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, chân tướng của vũ trụ vạn hữu. Cụ thể nói cho chúng ta ba việc.

- Việc thứ nhất là quan hệ giữa người với người, chân tướng của nhân sinh, để chúng ta hiểu rõ làm người phải như thế nào.

/ 1