/ 1
16

HỒ BÂN - ĐỆ TỬ QUY ĐÃ CỨU SỐNG ĐỜI TÔI

(Tiết Mục Đặc Biệt Tọa Đàm Về Văn Hóa Truyền Thống

Giáo Dục Thánh Hiền Cải Tạo Vận Mệnh)

Cẩn dịch: Vọng Tây, Viên Đạt, Mộ Tịnh, Phước Tịnh Cư Sĩ


Nếu như bạn không tin bất kỳ một ai cũng đều có thể dạy dỗ trở thành người tốt thì xin mời hãy xem tiết mục sau đây:

Diễn đàn Thẩm Dương

Đồng học Hồ Bân đã bị mười ba ngôi trường đuổi học

Kính chào các vị lãnh đạo, kính chào các vị trưởng bối, cùng các vị khách quý, buổi chiều tốt lành! Thật là vui khi một lần nữa được trở lại Thẩm Dương, được chia sẻ với mọi người về việc tôi cảm nhận và thể hội được từ việc học tập văn hóa truyền thống. Vị thầy sáng nay đã giới thiệu sơ lược qua về khóa trình của tôi, mọi người cũng đã biết. Tôi tên là Hồ Bân, đến từ Thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc. Năm nay tôi hai mươi hai tuổi. Tôi đã từng bị mười ba ngôi trường đuổi học, nhưng công việc của tôi hiện nay lại là làm nghĩa công toàn thời gian. Mỗi lần tôi chia sẻ báo cáo như vậy thì đều có rất nhiều trưởng bối, thầy cô, bạn học đều cảm thấy giật mình kinh ngạc, nghĩ không thông nổi vì sao từng là một người học trò như vậy mà nay lại làm một nghĩa công. Thật sự thì nói ra tôi cũng cảm thấy rất kỳ diệu, nhưng mà cũng rất đơn giản, đó chính là vì quyển sách “Đệ Tử Quy” này. Một quyển sách nhỏ như vậy, 1.008 chữ, 360 câu. Tôi không biết các vị ngồi đây trước giờ đã từng học qua “Đệ Tử Quy” hay chưa, có hiểu về “Đệ Tử Quy” hay không. Bản thân tôi trước khi học “Đệ Tử Quy” không có ai dạy tôi cả, thầy cô cũng chưa từng dạy cho tôi, tôi cũng không biết, tôi chưa từng nghe qua. “Tam Tự Kinh” thì thỉnh thoảng có nghe người xung quanh nhắc đến, “Đệ Tử Quy” thì trước giờ chưa nghe qua. Trước khi tôi được học tập “Đệ Tử Quy” và văn hóa truyền thống thì “Đệ Tử Quy” và văn hóa truyền thống trong tâm trí tôi chỉ là những thứ bỏ đi, lạc hậu và mê tín. Trong mắt tôi, trong giá trị quan của tôi có cách nghĩ như vậy. Thầy cô cũng nói thế hệ chúng tôi, những người sinh sau những năm 1980-1990 này chỉ biết nghe những dòng nhạc hiện đại rồi lớn lên. Chúng tôi đều là những người sinh sau những năm 1980, cho nên bị ảnh hưởng bởi giá trị quan của Phương Tây và suy nghĩ của tôi cũng là giá trị quan của Phương Tây, bao gồm cả việc đi học cũng vậy.

Mẹ tôi vì việc đi học của tôi mà tốn công sức rất nhiều rất nhiều, tốn rất nhiều tâm huyết. Tôi từ nhỏ cũng là đứa không biết nghe lời, cũng rất ghét đi học, ghét việc học tập. Mỗi lần tôi chuyển trường mới đều không thích, đều sỉ nhục thầy cô. Tôi không nghe lời ba mẹ tôi. Ở trường thì thầy cô đối xử với tôi rất tốt, đối với tôi không hề có yêu cầu gì khác, chỉ cần Hồ Bân tôi ngoan ngoãn ngồi ở dãy ghế sau cùng. Bởi vì tôi thường hay gây sự và nổi loạn, cho nên để cho tôi ngồi ở dãy bàn sau cùng. Thầy nói với tôi: “Cho em ngồi ở hàng sau cùng, em ngủ thôi thì cũng được nữa”, nhưng mà ngay cả việc này tôi cũng không thể làm được. Mẹ tôi đã chuyển trường cho tôi mười ba lần, đi đến ngôi trường nào thì tôi cũng đều hút thuốc, uống rượu, đánh nhau, trốn tiết, nghỉ học, mắng chửi thầy cô. Mà trong giá trị quan của Phương Tây thì mọi người cũng đều biết có một điểm gọi là bình đẳng. Sau đó tôi nghe thầy giảng, giảng rất chính xác. Học Phương Tây quan điểm bình đẳng màu da chính là chỉ xem vẻ bề ngoài có thể tạm thời là được bình đẳng, nhưng mà bạn sẽ đánh mất rất nhiều những thứ mà bạn sẽ không thể lấy lại được, sẽ làm ra rất nhiều chuyện khiến bạn phải hối hận. Vào lúc đó, tôi nói đến bình đẳng mà tôi cũng không hiểu, vả lại tôi còn cho rằng mình đang rất thời thượng.

Tôi đối với ba mẹ xưa nay cũng không gọi là ba mẹ. Bây giờ là tôi đã học “Đệ Tử Quy” rồi, chứ trước đây tôi gọi ba tôi là “bảo mẫu”, gọi là “Tiểu Hồ” (gọi họ của ông), với mẹ của tôi thì tôi trực tiếp gọi tên. Khi nào thì tôi mới gọi là ba mẹ vậy? Khi bản thân tôi gặp khó khăn, khi xin tiền, thì lúc đó mới miễn cưỡng lắm gọi một tiếng ba mẹ. Chữ “ba”, “mẹ” đó còn kêu không được đàng hoàng. Tiếng “ba”, “mẹ” từ miệng tôi phát ra mà lại khó khăn đến như vậy. Vào lúc đó tôi thật sự không biết đây là sai, còn cho rằng mình rất là mốt, còn nói mọi người xem tôi thật là phong độ. Tôi gọi ba tôi là bảo mẫu, gọi mẹ tôi bằng tên, chúng tôi thật là bình đẳng. Không có ai dạy tôi hết.

Bởi vì tôi cho rằng đây là bình đẳng, cho nên nhà tôi không quản tôi được, thầy cô cũng không quản tôi được. Mẹ tôi vì việc tìm người dẫn dắt cho tôi, làm công tác tư tưởng cho tôi mà đã tìm tới không ít chuyên gia. Xưa nay tôi không nghe. Một câu phê bình của mẹ đối với tôi cũng không được. Vào lúc đó, khi tôi ở nhà mà mẹ tôi nói đến tôi, mắng tôi thì tôi ôm một chồng chén hoặc một chồng đĩa, mẹ mà nói một câu thì tôi đập một cái, nói bao nhiêu thì đập bấy nhiêu. Tôi làm đến nỗi mẹ của tôi không thể nói được một câu nào.

/ 1