/ 3
13

HÀI HÒA CỨU VÃN NGUY CƠ

(Vạn vật hài hòa, thiên hạ thái bình)

Phần 3

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


Tập 3

NGUYÊN LÝ CĂN BẢN CỦA HÀI HÒA LÀ GÌ?

PV: Hiện nay các quốc gia trên toàn thế giới đều đang liên tục phản tỉnh hệ thống giáo dục của mình để tìm xem rốt cuộc là vấn đề xuất phát từ đâu? Có thể nguyên nhân thất bại rất nhiều nhưng mọi người đều có chung một quan điểm là con người được bồi dưỡng theo hướng không biết chung sống hài hòa với người khác, không biết chung sống hài hòa với vạn vật trong tự nhiên, không biết chung sống hài hòa với lịch sử truyền thống văn hóa của mình. Con người hiện nay không biết xử lý tốt ba mối quan hệ này nên tự nhiên mới xuất hiện đủ thứ nguy cơ, đủ loại tai nạn. Vậy cần phải làm thế nào? vẫn là câu nói xưa của Trung Quốc là: “Ai gây ra chuyện, người ấy phải giải quyết”.

NGUYÊN LÝ CĂN BẢN CỦA VẠN VẬT HÀI HÒA LÀ GIÁO DỤC

Đài truyền hình trích đoạn phim tư liệu với nội dung: Đây là đoạn phim ghi lại buổi họp mặt gia đình. Cụ bà rất vui mừng vì con cháu hôm nay đều về đủ, vì mọi người có thể quây quần bên nhau là việc rất khó. Chúng ta thấy những người lớn trong nhà đều rất bận rộn, chỉ có một đứa bé chẳng hề đếm xỉa đến điều gì cả. Lúc này mẹ của em bé này nói, bà muốn đứa con quí báu của mình biểu diễn một tiết mục để góp vui cùng mọi người. [đứa bé đứng dậy, mạnh tay kéo tấm khăn trải bàn làm toàn bộ thức ăn, chén đũa, đồ vật trên bàn đổ hết xuống sàn nhà]. Đây chính là giáo dục hiện nay, giáo dục phương tây đã đào tạo ra những đứa trẻ kiểu mới.

Chúng ta lại xem thử đoạn phim khác, đây là một đứa bé khoảng 5-6 tuổi, bạn có biết nó muốn làm gì không? [đứa bé này cầm cây kiếm chém đứt những bông hoa mặt trời ra khỏi cây hoa với một thái độ rất lạnh lùng và quyết liệt (giống như các sát thủ trong những bộ phim hành động); khi thấy một bông hoa còn sót lại trên cây, đứa bé này đã đi đến và chặt bông hoa còn sót lại này bằng nhiều nhát kiếm cho đến khi bông hoa đứt lìa khỏi cành].

PV: Trước hết xin cảm ơn thầy đã tiếp nhận lời phỏng vấn của chúng tôi. Hiện nay trên thị trường Trung Quốc, điện thoại cầm tay có đến hơn 100 triệu cái, tiếng chuông của điện thoại thì rất nhiều, kiểu gì cũng có. Hôm nay chúng tôi xin phát một đoạn tiếng chuông cho thầy nghe, đây là tiếng của một bé gái khoảng 5-6 tuổi, xin thầy nghe thử: “Đợi tôi có tiền rồi, tôi sẽ mua hai chiếc vớ, bên trái tôi mang vớ có kim tuyến, bên phải tôi mang vớ ni lông. Đợi tôi có tiền rồi, tôi muốn vào bệnh viện thì vào bệnh viện, tôi muốn vào hàng ăn thì vào hàng ăn. Đợi khi tôi có tiền rồi, tôi sẽ đánh bóng bàn chứ không đánh gôn, tôi sẽ mặc trang phục đời Đường, chứ không mặc trang phục kiểu Tây. Đợi khi tôi có tiền rồi, tôi sẽ làm hai kiểu quảng cáo đặc biệt ác tâm, một cái sẽ phát vào lúc nhân dân cả nước đang ăn cơm trưa, một cái sẽ phát vào lúc nhân dân cả nước đang ăn cơm tối”.

PV: Vừa rồi thầy đã nghe đứa bé này nói, lý tưởng của nó từng lời từng chữ đều là: Nếu tôi có tiền tôi sẽ thế này thế nọ, và còn có tư tưởng ác tâm với tất cả nhân dân toàn quốc, để cho nhân dân cả nước ăn cơm không nổi. Đây là lý tưởng lớn nhất của nó. Có thể rất nhiều người coi điều này như là chuyện đùa, người lớn thì ngầm thừa nhận, còn trẻ con thì bắt chước, sức ảnh hưởng này là vô cùng lớn. Sau khi nghe xong thầy cảm nhận như thế nào?

HT: Đây thực sự là vấn đề của giáo dục. Nếu như không dạy trẻ con cho đàng hoàng, hoặc nếu ở trong môi trường bất thiện thì chúng rất dễ học theo những điều bất thiện. Cho nên cổ nhân dạy chúng ta có câu cách ngôn là: “làm mà không thành công thì phải xem lại mình”. Anh nhìn thấy tình hình này thì anh phải nghiên cứu nguyên nhân của nó, anh phải quay lại nghĩ về bản thân mình. Đứa trẻ này nếu như là con của mình, mình phải suy nghĩ là mình đã dạy nó như thế nào mới ra nông nổi như vậy? Cha mẹ phải chịu trách nhiệm, xã hội phải chịu trách nhiệm, quốc gia phải chịu trách nhiệm. Nếu như chúng ta lơ là sẽ dẫn đến dân tộc, quốc gia bị hủy diệt. Đó không phải là lỗi của trẻ con, trẻ con không hề có lỗi. Người thầy đầu tiên là cha mẹ, trẻ con vừa biết nhìn, vừa biết nghe là nó đang học tập, đang bắt chước. Cho nên nhất cử nhất động của người lớn đều phản ảnh vào trong đầu óc của nó. Đây chính là điều được gọi là: “Tiên nhập vi chủ, thiếu thành nhược thiên tánh, tập quán thành tự nhiên”.

/ 3