ĐỊA NGỤC BIẾN TƯỚNG ĐỒGiang Dật Tử tiên sinh họa
541Thứ Hai, 28/10/2024, 15:42
PDF:
Lời tựa“Tranh vẽ dưới địa ngục” bắt nguồn từ sự sáng tạo của Thánh họa Ngô Đạo Tử vào triều đại nhà Đường. Xúc cảm trước sự giàu có và sung túc nhưng đồng thời cũng khiến cho nhân tâm trong xã hội trở nên xa hoa, trụy lạc, nghiệp sát tràn lan vào thời Thịnh Đường lúc bấy giờ, thế là ông bèn phát tâm vẽ những bích họa này ở chùa Cảnh Vân của Trường An. Người xem chen chúc vai nhau, những đồ tể buông bỏ đồ đao chuyển sang nghề khác nhiều vô số kể, những việc tội lỗi xấu xa từ đó cũng vô tăm biệt tích. Có thể thấy được một ánh hào quang đối với việc giáo hóa đạo đức của nhân dân thời bấy giờ. Tiếc thay những bức vẽ này qua các thời đại chiến tranh đã bị hủy mất, từ đó thất truyền ở nhân gian.
Bậc thầy vẽ tranh Trung Quốc Giang Dật Tử đã theo nghề hội họa hơn 50 năm. Bộ tác phẩm “Tranh vẽ dưới địa ngục” được làm vào năm 2003 đã thật sự là một kiệt tác đương thời. Tác giả đã dùng hết nghị lực; tuổi tác của ông đã gần cổ hy, trải qua thời gian một năm mới hoàn thành tác phẩm to lớn có thể nói là trước nay chưa từng có này.
Toàn bức tranh này hiếm có nhất là bề dài 50 thước, chỉ riêng về nhân vật thì có hơn ngàn người. Ngoài ra còn có hoa, cỏ, chim muông, thú vật, sơn thủy, v.v.. Trên thành tích nghệ thuật đã đi đến chỗ gọi là đỉnh cao tối thượng mà bên trong đã bao gồm nghĩa lý thâm sâu đủ để tịnh hóa nhân tâm và đoan chánh phong tục; xứng đáng là một vị nghệ thuật gia chân chính biết dùng nghệ thuật làm sự giáo hóa tốt nhất đối với toàn thể nhân loại.
Có thể nói đây là một bộ tranh sống động nhất trong quyển “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh”.
Tiểu sử tác giả
Giang Dật Tử tiên sinh sanh năm 1938. Vào năm 1964 lần đầu tiên ông tổ chức triển lãm tranh. Năm sau, với bức tranh Điền Đơn Phục Quốc Đồ, ông được Bộ Giáo Dục trao tặng giải thưởng. Tác phẩm này đại diện cho quốc gia tặng cho Tổng thống Đại Hàn ông Phác Chánh Hy khi ông này đến thăm viếng. Hiện nay, tác phẩm vẫn được cất giữ ở Viện Bảo Tàng Quốc Gia Hàn Thành. Từ đó về sau, mỗi năm ông đều được giải thưởng.
Năm ông 30 tuổi, ông đã giác ngộ rằng công danh bên ngoài chỉ là hư huyễn, không thật. Vì vậy, ông ẩn cư vẽ tranh. Lần đầu tiên triển lãm, ân sư của ông là lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã chỉ dạy: “Nghệ thuật không nên chỉ là trang sức; mà để thưởng thức nghệ thuật nên có đạo khí, có thể di phong chánh tục, tịnh hóa nhân tâm”. Vì vậy, tác phẩm tranh vẽ và điêu khắc của ông tuy không lời nhưng bên trong đã hàm chứa nghĩa lý sâu xa vô tận.
Thời cổ xưa, tác phẩm Xuân Thu của Khổng Tử làm cho bọn loạn thần tặc tử khiếp sợ. Ngày nay, bức tranh Địa Ngục Biến Tướng Đồ xuất hiện cũng hy vọng có thể đánh thức phần tử trí thức và văn nhân nghệ thuật, những nhân vật chính trị, và lương tri của người làm việc giữa đại chúng, để họ biết được mình đối với thời đại và nhân loại nên gánh vác sứ mạng và trách nhiệm ra sao, tự mình phát huy sức ảnh hưởng của mặt chánh, hy vọng nhân tâm có thể đôn hậu, khiêm tốn, chất phác. Đây chính là sứ mạng của tác giả, lấy vẽ tranh để hóa đạo nhân tâm.
“Địa Ngục Biến Tướng Đồ đồ hiệu đạo lãm, nhân sanh khổ đoản sanh mạng vô thường”. Một khi đã tắt hơi thở thì sanh mạng không còn, con người khi đã có sanh thì không tránh khỏi cái chết. Sau khi chết đi về đâu, chúng ta không thể không biết. Liệu có thể vãng sanh Cực Lạc hay không? Hoặc sanh Thiên, hoặc đọa Địa Ngục, hoặc đọa Ngạ Quỷ, hoặc đọa vào Súc Sanh, hoặc trở lại làm Người. Tất cả đều là mối lo âu do đời này đã tạo những nghiệp quả.
Địa Ngục Biến Tướng Đồ giới thiệu cho mọi người biết rõ rằng đọa xuống địa ngục phải chuốc lấy những chân tướng của tội báo, đồng thời cũng thuyết minh rằng địa ngục quả báo hoàn toàn là tự làm tự chịu, chẳng phải là vua Diêm La định tội. Chúng tôi rất hy vọng sau khi đã xem bức họa đồ này, mọi người có thể hiểu rõ thân người đáng quý, rằng khởi tâm động niệm tạo tác tội nghiệp đọa địa ngục thật là đáng sợ.
Trong kinh Phật đã dạy rằng: “Người ta có những tội lỗi mà không biết tự hối, sớm dứt tâm tội lỗi ấy đi, thì tội lỗi sẽ tới mình, như nước chảy về biển, dần dần thành sâu rộng. Nếu người ta có tội lỗi, tự biết là trái, đổi ác làm lành, tội tự tiêu diệt, như người đau được mồ hôi xuất ra, dần dần được giảm bớt”.
Vậy chúng ta hãy cùng nhau khuyến khích!