/ 1
30

ĐẠI SƯ HUỆ NĂNG GIẢNG VỀ NHẬP MÔN TU THIỀN

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Địa điểm: Học viện Tịnh tông Úc Châu

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


Chào chư vị đồng tu!

Bắt đầu từ ngày mai, học viện chúng ta có thể nói hoạt động mỗi năm một lần, kỷ niệm thư viện Hoa Tạng, cố viện trưởng cư sĩ Hàn Anh vãng sanh năm thứ tám. Mỗi năm vào ngày này, chúng ta đều có tổ chức nghi thức truy điệu. Năm nay ngoài nghi thức này ra, chúng ta còn tổ chức Buổi Tọa Đàm Hạnh Phúc Đời Người, tổng cộng là tám ngày, từ ngày sáu đến ngày mười ba. Mỗi ngày có sáu giờ giảng giải. Lần này người làm đủ các lĩnh vực đến từ hải ngoại, có hơn 200 người, thật sự mới thấy đạo tràng của học viện chúng ta quá nhỏ, nhưng với lòng nhiệt tình này đáng để chúng ta kính phục.

Lần này, trung tâm của học tập là Đệ Tử Quy, lấy môn này làm chủ. Kinh Hoa Nghiêm của chúng ta giảng đến hôm qua là vừa đúng đến đoạn “Nghiệp quả thậm thâm”. Bồ-tát Văn Thù nêu ra vấn đề này, phía dưới Bồ-tát Bảo Thủ trả lời mười bài kệ. Nếu như hôm nay chúng ta bắt đầu giảng, thì nhiều nhất cũng chỉ giảng được một bài kệ, thế thì phải nghỉ rất nhiều ngày. Cho nên tôi bèn nghĩ rằng, không bằng chúng ta đem bài giảng này hôm nay đổi thành “Bài giảng nhân ái hòa bình”. Chúng ta dùng đại sư Lục Tổ Huệ Năng của thiền tông, người có ảnh hưởng lớn nhất đối với Phật giáo Trung Quốc. Đàn kinh của ngài, quả thật mà nói người Trung Quốc không ai mà không yêu thích.

Trước đây tôi có giảng qua hai lần, hơn nữa đã nhiều lần báo cáo với các đồng tu, tôi trong đời này trước khi chưa học Phật, đã xem một bộ kinh chính là Lục tổ Đàn kin, do Đinh Phúc Bảo chú giải. Tôi xem vô cùng thích thú. Đến sau này chính thức học Phật rồi, tiên sinh Phương Đông Mỹ hỏi tôi đã từng xem qua kinh Phật chưa? Tôi trả lời con đã xem Đàn kinh. Thầy Lý cũng đã từng hỏi tôi đã xem qua kinh gì. Tôi trả lời, con xem quyển đầu tiên là chú giải Đàn kinh. Hai vị đại đức này chưa từng gặp mặt, họ chỉ biết tên chứ chưa từng gặp mặt, đúng là dị khẩu đồng thanh bảo với tôi, “học không được”. Tại sao học không được vậy? Họ nói đó là đứa trẻ thiên tài, không phải người có căn tánh bậc trung hạ mà có thể làm được. Cái gọi là một bước lên đến trời, ngài thật sự lên được rồi. Nếu như không lên được, thì thịt nát xương tan. Cho nên hai vị thầy đều khuyên tôi nên học giáo, là tông môn giáo hạ, học giáo.

Giáo là từ cạn đến sâu, giống lên lầu bước lên bậc thang vậy, không phải một bước là bay lên được, việc đó thì phải có công phu vô cùng vững vàng. Nhưng chúng ta hãy quan sát Đàn kinh thật tỉ mỉ, đại sư Huệ Năng dạy mọi người, bạn xem, ngài nói rất rõ ràng, người mà ngài tiếp dẫn là người thượng thượng căn. Hay nói cách khác, thượng căn họ cũng không nên, phải bậc thượng thượng căn. Thượng căn, trung căn có lẽ đều là những người đi theo đại sư Thần Tú. Nam đốn bắc tiệm. Cho nên đại sư Thần Tú tiếp dẫn người có căn tánh đại thừa, đại sư Huệ Năng tiếp dẫn là người thượng thượng căn.

Người thượng thượng căn tu hành bắt đầu từ đâu vậy? Điểm này chúng ta quyết định không được lơ là. Nếu như chỗ bắt đầu bị sai, thì thiền đó trở thành cuồng thiền, chắc chắn không đạt được thọ dụng. Cho nên chúng tôi đã trích ở trong Đàn kinh ra một số câu, đây đều là những lời ở trong Chú giải của cư sĩ Đinh Phúc Bảo, đoạn này rất hay. Tông chỉ quan trọng nhất của Đàn Kinh, đây là điểm mà chúng ta nhất định phải biết, là “Nói rõ tất cả vạn pháp đều sinh ra từ tự tánh”, điều này so với những gì trong kinh giáo đại thừa đã nói là hoàn toàn tương đồng. Hôm qua chúng ta học kinh Hoa Nghiêm, ở trong Phẩm Bồ-tát Vấn Minh, đoạn lớn thứ nhất “Duyên khởi thậm thâm”, đoạn lớn thứ hai là “Giáo hóa thậm thâm”. Hiện nay chúng ta vừa mới học đến “Nghiệp quả thậm thâm”. Bạn thấy so với tông chỉ của thiền tông có tương đồng hay không? Hoàn toàn tương đồng. Khẳng định tất cả pháp “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”.

Tự tánh chính là tâm. Sanh ra từ tự tánh chính là trong kinh Hoa Nghiêm nói “Duy tâm sở hiện”. Tự tánh chính là tự tâm, cái tự tâm này chính là chân tâm. Phàm phu chúng ta vừa nhìn thấy chữ tự tâm liền cho là gì vậy? Là tim tôi, quả tim này của tôi. Đây là tạng tâm, cái thứ này thì không dùng được. Người thông minh một chút cho rằng tâm ta là gì vậy? Là ta có thể tư duy, có thể tưởng tượng, tâm của ta là ý thức. Thử hỏi người trên thế gian này, có người nào mà không cho rằng ý thức là tự tâm? Ý thức không phải tự tâm. Điều ở đây nói là chân tâm, cho nên tự tâm chính là tự tánh. Tự tâm chính là Phật thật, ý thức không phải Phật thật. Không những thức thứ sáu, thức thứ bảy không phải Phật thật, mà thức A-lại-da cũng không phải Phật thật. Cho nên tự tâm nói ở đây là chân như tự tánh của bạn.

/ 1