/ 1
29

CHUNG SỐNG HÒA BÌNH, ĐỐI XỬ BÌNH ĐẲNG

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Ngày 31-5-2004

Giảng tại: Singapore

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Minh


Xin chào Ngài Ba Lý Khắc Tư - Chủ tịch đại hội liên hiệp, Ngài Ha Nãi Tư - Bí thư trưởng của chín tôn giáo lớn chúng ta, Ngài La Cát Ca Hoa, chư vị pháp sư, chư vị đại đức, chư vị đạo hữu, xin chào mọi người!

Tối hôm nay, chúng ta mừng lễ Phật đản tại đây. Hôm qua, đại hội đã dâng lễ cúng dường tài, tối hôm nay đại hội lại dâng lên lễ cúng dường pháp. Hoạt động này rất có ý nghĩa. Chúng ta hy vọng những nơi khác cũng có thể đem tài, pháp cúng dường hợp lại đề xướng phát huy. Học Phật trước tiên phải hiểu thật chính xác Phật là gì? Giáo là gì? Phật giáo là gì? Nếu như chúng ta ngay cả những danh từ cơ bản như vậy cũng không hiểu chính xác mà đi đàm luận với người thì khó trách người trong xã hội sẽ sinh ra hiểu lầm nghiêm trọng đối với người học Phật chúng ta, nói chúng ta là mê tín.

Phật Đà là dịch âm Phạn văn của tiếng Ấn Độ cổ, nó có nghĩa là trí tuệ, là giác ngộ. Giáo là giáo dục, dạy học. Nếu như hiểu rõ được ý nghĩa của nó thì chúng ta rất dễ dàng hiểu được Phật giáo chính là giáo dục giác ngộ trí tuệ. Phật giáo chính là dạy người ta mở trí tuệ, giác nhi bất mê, chánh nhi bất tà, tịnh nhi bất nhiễm. Dùng cách nói hiện đại mà nói, Phật giáo đích thực là nền giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Phật Thích Ca Mâu Ni là nhà giáo dục, là người làm công tác nghĩa vụ giáo dục xã hội. Chúng ta có thể nhận biết rõ ràng, chính xác về thân phận của Ngài, sự nghiệp cả đời của Ngài, thì chúng ta mới biết làm thế nào học tập theo Ngài?

Phật Thích Ca Mâu Ni năm ấy khi còn ở thế gian đã thị hiện cho chúng ta thấy, Ngài đã từ bỏ vương vị, từ bỏ vinh hoa phú quí mà người thế gian hằng ngưỡng mộ, hằng theo đuổi. Ngài xuất gia tu đạo, hơn nữa đi làm một vị tăng khổ hạnh. Sau khi ngộ đạo, Ngài liền làm việc dạy học giảng kinh. Trong kinh điển có ghi chép, cả đời của Ngài giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm. Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ, Ngài ngộ là ngộ cái gì? Dùng cách nói hiện nay của chúng ta mà nói, Ngài đã giác ngộ rõ ràng toàn bộ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, như trong kinh Đại Thừa đã nói là “chư pháp thực tướng”. Câu này, nếu dùng cách nói hiện nay mà nói, chính là hiểu triệt để, hiểu rốt ráo chân tướng vũ trụ nhân sinh.

Chúng ta muốn hỏi cái mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ là có thật không, có đáng tin không? Chúng ta thử xem Ngài đã dùng phương pháp gì mà giác ngộ vậy? Ngài dạy cho chúng ta biết, phương pháp Ngài dùng là dùng giới, dùng định: “nhân giới đắc định, nhân định khai tuệ”, sau khi trí tuệ đã mở rồi thì mới thông đạt, biết rõ. Cổ nhân Trung Quốc chúng ta thường nói: “hoát nhiên quán thông”, biết rõ tất cả chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Nội hàm bên trong vũ trụ nhân sinh, người bình thường chúng ta không thể tưởng tượng được. Phật nói cho chúng ta biết, vũ trụ từ đâu mà có vậy? Người Trung Quốc chúng ta nói vũ trụ, người ngày nay nói là bầu trời, thời gian, không gian, gộp chung lại gọi nó là vũ trụ. Ở trong vũ trụ này, hiện nay chúng ta cũng biết có vô lượng vô biên các hệ sao và tinh cầu. Trong kinh Phật nói cõi nước chính là nói những hệ sao và tinh cầu này. Tất cả mọi chúng sanh trong những hệ sao và tinh cầu này từ đâu mà có vậy? Sinh ra như thế nào? Quá trình diễn biến đến nay và tình hình trong tương lai sẽ như thế nào? Người giác ngộ đều có thể hiểu triệt để về những sự lý nhân quả này và nói rõ ràng tỉ mỉ cho chúng ta biết.

Thế Tôn cả một đời bốn mươi chín năm làm công tác dạy học. Mỗi ngày Ngài giảng kinh thuyết pháp hai thời cho mọi người. Chúng ta đọc được trong kinh điển, hai thời là hai thời của Ấn Độ xưa. Ấn Độ xưa lấy một ngày đêm chia thành sáu thời, ban ngày là ba thời, ban đêm là ba thời, cho nên tổng cộng là sáu thời. Đơn vị thời gian chúng ta dùng hiện nay là của phương tây, gọi là giờ. Họ chia một ngày một đêm thành hai mươi bốn giờ, cho nên chúng ta gọi nó là giờ. Chúng ta biết một thời của Ấn Độ là bốn giờ hiện nay. Mỗi ngày Thế Tôn giảng kinh hai thời là bằng tám giờ hiện nay. Điều này sau khi chúng ta nghe đến thì vô cùng kinh ngạc, mỗi ngày làm việc tám giờ, bốn chín năm không nghỉ ngơi. Đi tìm bất kỳ chủng tộc quốc gia nào trên khắp thế giới cũng không thể nào tìm được một người nào làm việc tích cực, yêu nghề giống như Phật Thích Ca Mâu Ni.

/ 1