/ 1
97

CHÚNG SANH VÔ BIÊN THỆ NGUYỆN ĐỘ

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Giảng tại Viện Giáo Dục thị xã Đài Đông, tháng 02 - 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: PT. Giác Minh Duyên


Tứ hoằng thệ nguyện

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành


Cổ nhân nói: “ruộng dâu hóa biển”, “vạn pháp vô thường”, người học Phật chúng ta không thể không thấu rõ. Kinh điển dạy rất nhiều, đức Phật là bậc trí tuệ viên mãn đã chỉ dạy, cương lĩnh đơn giản nhất cũng chính là nguyên tắc quan trọng nhất mà chúng ta thường niệm “tứ hoằng thệ nguyện” chính là phương pháp tu hành. Chỉ có bốn câu dễ nhớ nhưng người học Phật lại luôn xem thường, miệng niệm hằng ngày, biến thành câu cửa miệng tầm thường nhưng không hề tư duy ý nghĩa của nó, cũng không hề nghĩ mình phải làm thế nào cho đúng. Sai lầm này là do chúng ta, không phải Phật Bồ Tát.

Câu thứ nhất của tứ hoằng thệ nguyện dạy phát tâm. Chúng ta học Phật đã phát tâm chưa? Mấy mươi năm chúng tôi đi qua rất nhiều vùng và nhiều nước, gặp không biết bao nhiêu bạn đồng tu, nhưng người phát tâm chân chính quả thật hiếm thấy. Một vạn người, không có được một người phát tâm. Họ đều biết niệm “chúng sanh vô biện thệ nguyện độ” nhưng trên thực tế lại không có tâm độ chúng sanh, khởi tâm động niệm vẫn vì chính bản thân mình. Hay nói cách khác, vẫn là tự tư tự lợi, không hề nghĩ đến chúng sanh. Ngày nào cũng niệm câu này, nhưng đó chỉ là niệm suông.

Nếu lấy “tứ hoằng thệ nguyện” làm tiêu chuẩn suy xét, chúng ta sẽ thấy rõ ràng chư Phật Bồ tát, các tổ sư đại đức khởi tâm động niệm đều vì chúng sinh tận hư không, khắp pháp giới. Chúng ta muốn phát nguyện độ chúng sinh ở một phương, nguyện này rất nhỏ. Độ chúng sinh ở giới hạn một khu vực mình đang sống, thậm chí hành tinh mình đang tồn tại, tâm lượng đó vẫn nhỏ hẹp, trong khi thái hư không là vô lượng vô biên. Mới độ chúng sanh trên một quả đất thì có đáng gì so với lời Phật dạy “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”.

Độ như thế nào?

Chúng sinh tận hư không khắp pháp giới, chúng ta đều phải độ. Vậy chữ “độ” này có ý nghĩa gì? Nếu dùng ngôn ngữ hiện đại, thì “độ” là quan tâm, yêu quí, dốc lòng dốc sức giúp đỡ. Chúng ta có bao giờ thật sự phát tâm quan tâm giúp đỡ mọi người trong xã hội? Người học Phật phải dựa vào lương tâm để tự chất vấn điều này. Được mấy người đã từng phát tâm quan tâm? không cần bàn đến việc quan tâm tận hư không khắp pháp giới, mà chỉ cần quan tâm thế giới này, quan tâm đến một quốc gia, một vùng, một thành phố? Có được mấy người khởi tâm động niệm quan tâm đến xã hội, quan tâm người khác? Nếu không phát tâm như vậy, người đó là phàm phu, chưa học Phật, còn mê không giác, và dĩ nhiên chưa giác ngộ.

Người giác ngộ, mỗi niệm đều vì chúng sinh, vì xã hội, trong khi người mê thường nghĩ cho bản thân. Người xuất gia nếu mỗi niệm đều vì chùa nhỏ của mình thì cũng không khác gì người tại gia chỉ nghĩ cho bản thân, gia đình mình. Tâm trạng như vậy mà học Phật, tu vô lượng kiếp vẫn là phàm phu, vẫn đi trong sáu nẻo luân hồi, không ra khỏi ba cõi.

Tu hành như thế nào?

Muốn tu hành công phu tiến bộ, muốn có thể giảm bớt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cổ đức đã dạy: “nhiệm vụ tu hành, phát nguyện là đầu”. Việc trước tiên là phải phát nguyện, phát tâm, và học Phật. Chư Phật Bồ Tát mỗi niệm vì tất cả chúng sinh hư không pháp giới, không phải chỉ vì một cõi nước của Phật. Phật Thích Ca Mâu Ni không chỉ phát tâm vì thế giới Ta Bà. Chúng ta học Phật cũng cần phải bắt đầu học từ chỗ này, thì công phu sẽ tiến bộ.

Lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam thường dạy bảo chúng ta phải “chuyển tâm”. “Chuyển tâm” là thay đổi quan niệm, thay đổi cách nghĩ, cách nhìn. Một số người sẽ hoang mang, chẳng lẽ từ nay về sau không nghĩ đến bản thân mà chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến xã hội, vậy có hoàn toàn nên không? Ngạn ngữ rằng: “người không vì mình, trời tru đất diệt”, vậy người không vì bản thân thì có lỗi gì?

Vì sao đức Phật nhất định không cho phép chúng ta vì mình? Kinh Bát Nhã nói “thực tướng các pháp”, nếu dùng ngôn ngữ hiện đại thì “thực tướng các pháp” là chân tướng của vũ trụ nhân sinh, người thông thường gọi là chân lý. Đức Phật căn cứ vào chân lý chân tướng sự thật mà nói, chúng ta chắc chắn có thể tin, có thể tiếp nhận. Vậy chân tướng của sự thật là gì? sáu đường không thật, mười pháp giới cũng không thật. Trong kinh Kim Cang có câu: “những thứ có hình tướng đều là hư dối”, lại nói: “tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn, bèo bọt”. Vậy cái gì là pháp hữu vi? Quyển Bách Pháp Minh Môn Luận có giải thích rất rõ về “nhất thiết hữu vi pháp”.

/ 1