CHƯ KINH PHẬT THUYẾT ĐỊA NGỤC TẬP YẾUHT Thích Tịnh Không giới thiệuViệt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

6.063
PDF:
Xem Video

Nghe MP3

LỜI TỰA 1

Người cận đại mê tín khoa học, không tin nhân quả, không kính thiên địa, không biết luân thường đại đạo là bổn tánh tự nhiên của loài người, do đó cả gan làm bậy, không ác gì không làm. Thật không ngờ nhân quả báo ứng, tơ hào không sai. Tuy nói vạn pháp giai không nhưng nhân quả bất không, bởi vì nhân quả luôn tiếp nối bất không, chuyển biến bất không, tuần hoàn bất không, cho nên hết thảy nghiệp thiện ác đã tạo tác nhất định sẽ chiêu cảm đến quả báo tương ứng.

Đời người không chỉ có khổ của sanh lão bệnh tử, sau khi chết sẽ đi đâu về đâu mới là lợi ích thiết thân mà mọi người thật sự cần phải quan tâm. Hơn nữa, đây là mấu chốt liên quan đến việc đời đời kiếp kiếp luân hồi, chúng ta không thể không biết, không thể không rõ. Bởi người đời tạo ác mãnh liệt nên tương lai đọa vào biển lửa của địa ngục cũng là kết quả tất nhiên. Đúng như Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói: “Họa phước không cửa vào, do người tự cảm đến; việc báo ứng thiện ác, như bóng đi theo hình.” Không phải không báo, mà thời giờ chưa đến.

Địa ngục từ đâu mà có? Thế Tôn chỉ rõ: “Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh.” Do vì tâm tưởng không giống nhau nên tạo nghiệp cũng không như nhau. Thiện nghiệp, ác nghiệp đều do tâm tạo, cho nên hình phạt trong địa ngục không phải Diêm vương tạo ra, mà là ác nghiệp chiêu cảm. Như người nằm mộng, cảnh giới khổ vui trong mộng không gì không phải là kết quả của tâm mình tạo tác.

Những năm gần đây, nhà khoa học Nhật Bản, tiến sĩ Masaru Emoto đã dùng 10 năm nghiên cứu quy luật biến hóa kết tinh của nước để chứng minh, ý thức con người có thể làm thay đổi kết tinh của nước. Dùng những thiện niệm như tâm yêu thương, tâm cảm ơn truyền qua cho nước, nước sẽ cho ra kết tinh vô cùng đẹp đẽ. Nếu như dùng tâm ác, ý ác thì sẽ tạo thành kết tinh cực kỳ mơ hồ xấu xí. Do đó có thể biết, ý thức của con người có thể thay đổi hết thảy hoàn cảnh. Cho nên, thế giới Cực Lạc là duy tâm sở hiện, địa ngục cũng là tâm tưởng thức biến, đúng như những gì kinh Hoa Nghiêm nói: “Nên quán tánh pháp giới, hết thảy do tâm tạo.”

Phật nói cho chúng ta biết: Nghiệp nhân đầu tiên của địa ngục là sân giận, tật đố. Tâm sân giận, tật đố nặng là tâm thái rất phổ biến của người hiện thời, lại thêm ý niệm tự tư tự lợi kiên cố, đều là nghiệp nhân tạo thành quả báo địa ngục, huống hồ lại thêm tạo tác ác nghiệp hữu hình, nhất định chạy không thoát quả khổ địa ngục. Cho nên, địa ngục là kết quả những gì tạo tác của tâm hạnh chính mình, bất luận người nào cũng không thể thay thế.

Nhà tâm lý học Cayce nước Mỹ từng dùng thuật thôi miên trị liệu cho bệnh nhân, ở trong thôi miên mức độ sâu, bệnh nhân có thể nói ra vài ngàn năm trước hoặc mấy chục đời trước của họ, sự việc của đời đời kiếp kiếp. Có một số người ở trong thôi miên nói ra trong đời quá khứ đã từng đọa vào cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục, đủ loại tình hình, cùng với những gì kinh Phật nói là không gì không tương ưng, cho nên lục đạo luân hồi và nhân quả báo ứng là chân thật không hư dối.

“Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.” Thánh phàm khác biệt chính ở chỗ này. Bồ-tát biết rõ sự đáng sợ của quả báo, cho nên khởi tâm động niệm không dám tạo ác. Chúng sanh hôn muội vô tri, cả gan làm bậy, không nghĩ đến hậu quả nên dẫn đến quả khổ hiện tiền, tội phải chịu đến cực điểm, sau đó hối hận thì đã muộn màng. Nếu như không hiểu rõ lý nhân quả thì quay đầu xác thực rất khó.

Tổ sư Ấn Quang bi trí hoằng thâm, biết đại kinh đại luận đã không còn kịp cứu vãn kiếp nạn thế gian, duy chỉ có đề xướng giáo dục nhân quả mới là con đường cứu sự tồn vong của đất nước. Cho nên, Ấn Tổ cả đời cực lực đề xướng in ấn những thiện thư nhân quả như “Liễu Phàm Tứ Huấn”, “An Sĩ Toàn Thư”, “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, đây là thức tỉnh lòng người hướng thiện, là những điển tịch về giáo dục nhân quả phù hợp nhất với xã hội trước mắt. Có thể giúp cho mọi người hiểu rõ hết thảy tai nạn đều là quả báo cảm được do bản thân tạo tác tội nghiệp.

Rất nhiều điển tịch của các tôn giáo đều có miêu tả về địa ngục, nhưng kinh điển Phật giáo là tường tận, phong phú nhất. Thế Tôn thương xót chúng sanh, ngoài kinh Địa Tạng còn có rất nhiều kinh điển tường thuật sự lý nhân quả của địa ngục, cho đến đủ loại thảm trạng của địa ngục. Nếu có thể đem tình trạng địa ngục công bố cho mọi người biết, để đại chúng sáng tỏ những chân tướng sự thật về nghiệp nhân quả báo dẫn đến đọa lạc địa ngục, kịp thời cảnh tỉnh hối ngộ, nghĩ địa ngục khổ, phát tâm bồ-đề, nhất định có thể chuyển cộng nghiệp của chúng sanh, tránh khỏi đại kiếp trước đây chưa từng có!

Có mấy vị đồng học ngày đêm tìm kiếm trong Đại tạng kinh, trải qua nửa tháng, tổng cộng tìm ra 25 bộ kinh luận tường thuật cụ thể tình trạng địa ngục, nội dung tường tận, nghiệp nhân rõ ràng, chủng loại phong phú, quả báo tàn khốc, phủ kín tầng tầng, thật sự là nhìn thấy kinh sợ, trước đây chưa gặp. Khi quý vị đọc qua những kinh luận này, không chỉ kinh hồn bạt vía, đổ mồ hôi lạnh, lại càng phát hiện khởi tâm động niệm của bản thân không gì không phải đang tạo nghiệp địa ngục, lúc này mới chân thật hiểu rõ những gì trong kinh Địa Tạng nói: “Chúng sanh cõi Diêm-phù-đề khởi tâm động niệm không gì chẳng phải tội, không gì chẳng phải nghiệp.” Nếu chúng ta có thể hiểu rõ tình cảnh bất hạnh khi đọa lạc vào địa ngục chịu khổ thì nhất định không dám tạo ác, ắt sẽ phấn chấn vươn lên, rửa tâm đổi hạnh, sửa xưa tu nay, vĩnh ly biển nghiệp. Bèn kết tập cuốn sách này, hy vọng có thể cứu bạt chúng sanh, lìa khổ được vui.

Đọc kỹ “Chư Kinh Phật Thuyết Địa Ngục Tập Yếu” đích thực có hiệu quả cảnh tỉnh. Nếu có thể đề xướng in ấn, tuyên dương rộng khắp, khiến thế nhân cảnh giác, giác ngộ chân tướng nhân quả ba đời, tự có thể hối lỗi hướng thiện, miễn trừ đau khổ địa ngục. Như vậy, mới không phụ nguyện lực đại từ của Thế Tôn, cùng khổ tâm lo nghĩ của Ấn Tổ vậy!

Thích Tịnh Không kính ghi

tại Tịnh tông Học viện Úc Châu,

Ngày 01 tháng 01 năm 2005