CHÍNH MÌNH PHẢI LÀM GƯƠNG
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Ngày 13-09-2002
Giảng tại: Singapore
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Minh
Xin chào các thầy cô giáo trường mầm non!
Hôm nay, thầy Nhẫn mời tôi đến đây để gặp mặt với các vị. Hiện tại, trẻ thơ đọc kinh ở Trung Quốc đã tương đối phổ biến. Đây là một hiện tượng rất tốt. Chúng ta ở hải ngoại cũng cực lực đề xướng không chỉ là đối với trẻ nhỏ, mà quan trọng hơn là đối với thanh niên. Gần đây, học viện Tịnh Tông đem “Đệ Tử Quy” dịch ra tiếng Anh. Ở Úc Châu, người địa phương, người tham gia khóa trình hoạt động này của chúng ta càng ngày càng đông, phản ứng rất là tốt. Sau khi họ nghe rồi, đồng tu chúng ta hỏi họ có cảm tưởng gì, họ nói làm người thì phải nên làm như vậy, do đó ở Úc Châu thúc đẩy việc giáo học này và nhận được sự khẳng định của xã hội đại chúng. Đây là một việc rất tốt, đồng thời cũng cho chúng ta lòng tin rất lớn. Hiện tại chúng ta thúc đẩy việc này ở trong trường học. Vừa rồi có các vị đại diện của hai trường học đến tìm tôi, tôi sẽ đem giáo trình này giới thiệu với họ. Giáo dục của thánh hiền không gì khác hơn là dạy chúng ta phải làm thế nào để làm người tốt? Làm thế nào ở ngay trong một đời trải qua đời sống hạnh phúc mỹ mãn nhất? Làm thế nào ở ngay trong một đời này không bị đọa lạc, đời sau không đọa vào ba đường ác? Giáo huấn của thánh hiền là hy vọng chúng ta đời sau tốt hơn đời trước, luôn hướng lên trên cao. Mỗi một tôn giáo đều phụng thờ thần thánh, phụng thờ những vị sáng lập tôn giáo, trong Phật pháp chúng ta gọi họ là Phật Bồ Tát. Tổ sư đại đức đều là nhiếp thọ giáo huấn của thánh hiền, chăm chỉ nỗ lực học tập, khế nhập cảnh giới của thánh hiền.
Mục đích và phương hướng học tập của người xưa Trung Quốc so với người thời nay không như nhau. Người xưa học tập chí ở thánh hiền, quyết định không ở danh lợi. Người hiện tại đi học là vì danh, vì lợi. Vào thời xưa người đi học là học thánh, học hiền. Nếu như mọi người đều có thể đi con đường thánh hiền thì thế giới này liền hòa bình, làm gì có chiến tranh chứ? Không những không có nhân họa, thiên tai cũng sẽ không có, vì sao vậy? Ở trên kinh Phật nói với chúng ta rất rõ ràng: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”. Y báo là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta. Lòng người lương thiện sẽ không có thiên tai, không có nhân họa. Lời nói này kỳ thực tuyệt nhiên không khó hiểu. Bạn thấy đoán mạng, xem tướng, xem phong thủy thường nói “Người phước ở đất phước”. Lòng người tốt, lời nói hay, hành vi tốt. Người tốt chính là người có phước. Người có phước cư ngụ ở nơi đâu thì nơi đó là đất phước. Nếu như ở nơi đây vẫn có thiên tai nhân họa vậy thì nói rõ nhân dân cư ngụ ở nơi đây không có phước báo. Phước phải do chúng ta tu tập. Giáo huấn của thánh hiền nhân đều là dạy chúng ta tích đức tu phước, không hề dạy chúng ta tạo nghiệp.
Tích đức tu phước phải bắt đầu từ đâu vậy?
Thành thật mà nói, phải làm từ Đệ Tử Quy. Ở trong nhà Phật chúng ta, bạn xem, Phật dạy học trò, dạy những đệ tử Phật phải bắt đầu từ đâu? Phải làm từ Thập Thiện Nghiệp Đạo. Thập Thiện Nghiệp Đạo chính là Đệ Tử Quy trong nhà Phật. Đây là nền tảng, nền tảng của nền tảng, chúng ta nhất định phải nỗ lực học tập. Hôm nay, ở nơi đây chúng ta khai giảng dạy các bạn nhỏ học. Chúng học có tốt hơn, học được thuộc lòng cũng không thể dùng được, vì tương lai khi lớn lên, bước vào xã hội, thì nó hoàn toàn biến đổi. Việc này tại vì sao vậy? Chúng không có gốc. Vậy phải dạy như thế nào? Chúng phải hiểu được ý nghĩa, hơn nữa còn phải làm được. Mỗi một câu đều phải yêu cầu chúng làm cho được. Khi bạn yêu cầu chúng làm, chúng sẽ nói rằng: “Ông dạy tôi làm, mà chính ông chưa làm được”, lúc đó bạn phải làm sao? Vì vậy lòng tin của chúng không thể xây dựng, không thể cắm được gốc. Ngay chỗ này chúng ta phải hiểu được giáo học, Người làm thầy giáo rất khổ cực, thầy giáo phải làm ra tấm gương để cho học trò xem. Cả đời Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện tám tướng thành đạo, chẳng phải là làm ra tấm gương để cho chúng ta xem hay sao? Lời của Ngài đã nói ra, Ngài thảy đều làm được, chúng ta mới sanh ra lòng tin đối với Ngài. Nếu như Phật chỉ biết nói mà không biết làm, chúng ta tuyệt đối sẽ không tín ngưỡng Ngài, tuyệt đối sẽ không học tập với Ngài. Ngài là sau khi làm được rồi mới nói, đó là thánh nhân. Sau khi nói rồi thì làm đến được, đó là hiền nhân. Nói rồi mà không làm được, đó là gạt người. Chúng ta phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận.