ĂN UỐNG VÀ SỨC KHỎE
(Kinh A Nan Hỏi Phật Việc Tốt Xấu)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Báo Ân Đường Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: tháng 5 năm 2000
Cẩn dịch: Vọng Tây cư Sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền
PHẦN 1
Xin chào chư vị đồng tu!
Xin mở kinh A Nan Hỏi Phật Việc Tốt Xấu, khoa hội trang thứ tám, bắt đầu xem câu thứ ba, hàng thứ nhất của kinh văn: “Trai giới bất yếm, tâm trung hân hân”.
Hai câu này có thể nói là chúng ta học Phật áp dụng vào trong đời sống thường ngày. Trai giới chính là đời sống vật chất, hân hân là đời sống tinh thần. Đời sống vật chất và đời sống tinh thần của chúng ta đều có thể đạt được hạnh phúc vui sướng, người bình thường nói: đã đạt được mục đích của đời người rồi. Người Trung Quốc từ xưa đến nay hiểu biết về đạo dưỡng sinh. Quay lại nhìn xã hội hiện nay, người bình thường đều không biết phải trải qua cuộc sống như thế nào, làm sao sống? Cũng chính là nói, ăn uống sinh hoạt của họ đều đi ngược lại với bình thường, cho nên sức khỏe trong hữu ý hay vô ý đã bị tổn hại rất lớn, vô cùng đáng tiếc.
Phật đã dạy chúng ta cách thức sống chính là trai giới. Cho nên nhìn thấy hai chữ này liền phải biết, đây là đời sống thường ngày của chư Phật, Bồ Tát.
“Trai”, điều quan trọng nhất là giữ cho tâm thanh tịnh, trong đời sống thường ngày phải biết giữ gìn tâm thanh tịnh, đây là đời sống có sức khỏe nhất. Bạo ăn bạo uống thì chắc chắn tổn hại sức khỏe. Hôm qua, tôi vẫn nói đến vấn đề này qua điện thoại với bác sĩ Lưu của Trung Quốc. Ông hỏi thăm tình hình của tôi gần đây, tôi nói tôi hơn một tháng, khoảng gần hai tháng nay, tôi đã đem đời sống của mình đơn giản hóa hơn nữa, tôi mỗi ngày chủ yếu là ăn chỉ một bữa trưa, ăn vô cùng đơn giản, bữa ăn tối đã hoàn toàn bỏ hẳn, bữa ăn sáng thì có thể có, có thể không. Hiện tại bữa sáng là ăn một ít rau sống. Rau sống chỉ một đĩa nhỏ, nếu như đem xào nó chín rồi thì còn khoảng độ một vài muỗng canh mà thôi, rất ít, ăn nửa tô cháo loãng, có thể ăn và có thể không ăn. Nhất định phải bớt ăn mà nên uống nước nhiều, nó sẽ giúp ích rất lớn cho sức khỏe của cơ thể.
Ở Singapore, chúng ta nói đến cách thức sống thì cư sĩ Hứa Triết là tấm gương rất tốt. Bà mỗi ngày chỉ ăn một bữa, chỉ ăn một chút rau xanh. Bạn thấy, dầu, muối, đường bà đều không ăn. Bà ăn thức ăn không ngon, không có gia vị, còn nguyên vị. Có khi bà ăn một trái táo. Bữa sáng bà thông thường là uống một ly sữa, hoặc giả là ăn một ít yaourt, đơn giản như vậy. Bạn thử xem đời sống như vậy, sức khỏe tốt như thế là nguyên nhân gì vậy?
Chúng ta nhất định phải biết, ăn uống được là phải nhờ vào tiêu hóa, tiêu hóa chính là công năng của mỗi cơ quan trong nội tạng của chúng ta, nó đang vận chuyển làm việc trong đó. Nếu như ăn quá nhiều thì sức làm việc của nó nhiều, nó gánh vác rất nặng. Cho nên cơ quan này vốn dĩ có thể dùng được một, hai trăm năm, còn bạn mới năm, sáu mươi năm nó đã già yếu rồi, nó không thể sử dụng được nữa. Khi cơ quan không thể phát sinh tác dụng được nữa, thì đây chính là đại bệnh nghiêm trọng vậy, sao có thể không chết sớm cho được chứ! Cho nên nếu chúng ta quí trọng mỗi cơ quan trong cơ thể, thì nhất định phải biết không được để những cơ quan này làm việc vượt quá sức của nó. Làm việc vượt quá sức của nó là tạo sức ép cho nó, là có lỗi với nó. Chúng ta yêu quí nó, tốt nhất là để nó làm việc trong phạm vi sức của mình, thì nó làm việc rất thoải mái, nó làm việc rất thông suốt, vậy nó không khỏe sao được chứ? Chúng ta hãy suy nghĩ nhiều về những đạo lý này, liền biết ăn uống đơn giản là có lợi ích rất lớn đối với đạo trường sinh, đều có ảnh hưởng rất lớn đối với tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi. Sinh lý và tâm lý là hai mặt của một thể, là không thể tách rời.
“Trai”, không phải là ăn chay, hiện nay rất nhiều người cho rằng ăn chay là thọ trai, vậy là sai rồi, hoàn toàn sai rồi. Trai là không ăn quá ngọ. Đại đức xưa của Trung Quốc chúng ta thường hay dạy mọi người, một tâm thái bình thường đối với đời sống là bữa sáng phải ăn vừa, chú trọng ở dinh dưỡng, không nên ăn nhiều; Bữa trưa phải ăn no, không nên quá no, cổ đức nói no tám phần là được rồi; Bữa tối phải ăn ít. Cổ nhân Trung Quốc dạy mọi người đạo dưỡng sinh là nói như vậy đấy! Phật dạy đệ tử ngày ăn một bữa. Một bữa này cũng phải nhớ chú ý, quyết không được quá no. Chúng ta nhìn thấy có một số những đại đức trong nhà Phật, họ ăn ngày một bữa (tôi đã từng sống chung với họ), nhưng mà một bữa đó của họ là họ ăn một lần hết ba bữa, điều này sẽ tổn hại nghiêm trọng đối với cơ thể. Bạn đã áp bức các cơ quan nội tạng của mình nghiêm trọng. Nó làm sao mà không sinh bệnh chứ? Cho nên tôi nhìn thấy rất nhiều người ngày ăn một bữa đều có bệnh đường tiêu hóa, banh hết. Vậy là hoàn toàn hiểu sai đối với ý nghĩa ngày ăn một bữa rồi, hoàn toàn hiểu nhầm rồi.