/ 1
5.698

DIỆU PHÁP CHỮA BỆNH

BÍ QUYẾT MẠNH KHỎE VÀ TRƯỜNG THỌ

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tịnh Tông Học Hội Hoa Tạng cẩn biên

Lời tựa:

Người đời đều hy vọng không bệnh tật, không tai ương, sống lâu trăm tuổi, nhưng làm sao để có được điều đó? Kinh Hoa Nghiêm có nói tất cả Pháp “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tất cả pháp là hết thảy các hiện tượng trong vũ trụ, từ đâu mà đến vậy? “Tâm hiện thức biến”. Vì vậy, căn nguyên của hết thảy bệnh tật đều bắt nguồn từ tâm. Chỉ cần điều trị tâm cho tốt thì tất cả phương pháp đều điều trị được tốt.

Ba nhà Nho-Thích-Đạo đều xem trọng việc tu tâm. Tông chỉ tu học của ba nhà chính là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”(chớ làm các việc ác, vâng làm các việc lành). “Chớ làm các việc ác” chính là nói về căn nguyên của bệnh tật. Căn nguyên của bệnh tật là gì? Là ác. Nếu chúng ta không làm ác thì tự nhiên sẽ không sinh bệnh. “Vâng làm các việc lành” đó là phương thuốc để chữa bệnh. Thế nên trị tâm chính là phòng bệnh. Thầy thuốc nếu như đợi đến khi bạn mắc bệnh rồi mới điều trị cho bạn thì đó thuộc về loại thầy thuốc thông thường. Thầy thuốc giỏi chính là khi bạn chưa mắc bệnh thì đã giúp bạn phòng ngừa bệnh tật rồi.

Cuốn sách này hội tập những nội dung có liên quan đến nội dung kể trên tại các buổi giảng của lão Pháp Sư thượng Tịnh hạ Không, mong rằng có thể giúp mọi người hiểu được chân tướng sự thật của bệnh tật. Sau khi chúng ta đã hiểu rồi thì tâm sẽ an, tâm an rồi thì vọng niệm tự nhiên sẽ giảm bớt, tâm thanh tịnh sẽ hiện tiền, thân thể tự nhiên sẽ khỏe mạnh, có thể khôi phục trở lại bình thường. Nội dung cuốn sách này nếu có chỗ nào hội tập không được thỏa đáng, hoặc lời văn bị sai, ngưỡng mong chư vị đại đức nhân giả không tiếc lời chỉ giáo, để lần tái bản sau được hoàn thiện hơn, nhằm mang lại lợi ích cho nhiều người. Xin chân thành cảm ân!

Tịnh Tông Học Hội Hoa Tạng kính ghi!


1.  NHẬN THỨC NGUỒN GỐC CỦA BỆNH TẬT


Nguyên nhân của bệnh tật gồm ba loại:

Thứ nhất là bệnh về thể chất sinh lý. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng tất cả pháp trong hư không pháp giới thảy đều là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến” (tâm hiện, thức biến). Đây là cơ sở, là gốc rễ của Phật pháp. Tất cả chư Phật đều dựa trên cơ sở này mà kiến lập Phật pháp, vì chúng sinh tuyên nói vô lượng vô biên pháp môn. Vì vậy, chân tướng sự thật chính là “y báo chuyển theo chính báo”. Chính báo là tâm thức. Cái có thể biến, có thể hiện là chính báo; thứ biến hiện ra là y báo. Nếu hết thảy y báo đều có thể tùy thuận theo chính báo thì đó được gọi là “tùy thuận sinh thái tự nhiên”, đó là khỏe mạnh nhất, tốt đẹp nhất.

Thân thể con người là một tiểu vũ trụ, mỗi cơ quan, mỗi mao mạch, mỗi tế bào nếu như có thể tùy thuận sinh thái tự nhiên thì sẽ không sinh bệnh. Ngược lại, nếu không thể thuận theo tự nhiên thì sẽ sinh bệnh, đây là nguyên nhân bệnh thuộc về mặt sinh lý thể chất. Cái tự nhiên này chính là tâm tính của chính mình, Phật gọi là “chân tâm ly niệm”, chân tâm không hề có một vọng niệm thì đó chính là tự nhiên. Do đây có thể biết, nếu khởi tâm động niệm là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì đã trái ngược với tự nhiên, trái ngược với tâm tính, cho nên đã phá hoại tổ chức của các cơ quan bộ phận, huyết mạch, tế bào của chúng ta. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh tật. Vì vậy, tâm càng thanh tịnh thì sẽ ít đau bệnh, nghiệp chướng cũng sẽ giảm nhẹ. Tất cả phiền não đều từ vọng tưởng mà sinh ra. Đây không những là nguồn gốc của bệnh khổ mà còn là nguyên nhân của sinh tử luân hồi trong lục đạo. Chúng ta hiểu rõ được đạo lý này thì cần phải tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chân thành, quay trở về với tự nhiên, trở về với pháp tính/tánh.

Quay trở về pháp tính/tánh đó chính là Pháp Thân Bồ-tát, vĩnh viễn không có sinh tử, không có phiền não, không có đau bệnh. Cảnh giới như vậy chính là pháp giới Nhất Chân, là thế giới Hoa Tạng, là thế giới Cực Lạc, cùng với báo độ của chư Phật Bồ-tát đều như nhau. Chúng sinh đã mê mất tự tính/tánh, trái ngược lại với tự nhiên cho nên mới gặp phải muôn trùng khổ nạn. Người thật sự có chí khí, có trí huệ thì sẽ truy tìm nguyên nhân của khổ nạn rồi tiêu trừ chúng đi, do đó sẽ khôi phục lại trường thọ, khỏe mạnh và hạnh phúc, thậm chí còn đạt được “vô lượng thọ” mà trong Kinh Vô Lượng Thọ nói đến. Vô lượng thọ là thứ mà mỗi người đều vốn có, nhưng bởi vì có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên mới biến thành sinh tử luân hồi, tạo thành các loại tướng xấu.

Cẩn dịch: Ban Biên Dịch Tịnh Không Pháp Ngữ.

/ 1