45Thứ Tư, 20/03/2024, 06:45

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 16

Giải đáp: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 09/09/2005

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, ở đây có câu hỏi của đồng tu Hồng Kông

Hỏi: Người hỏi nói có rất nhiều người thông qua bạn bè giới thiệu tới đạo tràng lập bài vị, mục đích là hi vọng tiêu tai giải nạn. Nhưng những người này đa phần thiếu hiểu biết đối với Phật pháp, chỉ là đến với tâm thái rằng dù sao cũng không mất tiền nên tạm thử xem. Khi chúng con khuyên họ, bản thân cũng nên nghe kinh hiểu đạo lý, niệm Phật hồi hướng, họ liền tố cáo, nói chúng con mượn danh nghĩa lập bài vị, mời chào họ tới niệm Phật, khiến cho nghĩa công của chúng con không thể khuyên người niệm Phật.

Đáp: Vấn đề này, hi vọng người bạn giới thiệu, tức là người giới thiệu, giới thiệu họ tới đạo tràng chúng ta, người giới thiệu phải đặc biệt cẩn thận một chút. Người không tin Phật thì đừng nên giới thiệu, vậy sẽ không xảy ra chuyện như vậy, cho nên người giới thiệu phải chịu trách nhiệm nhân quả, không thể không biết điều này. Tới đạo tràng, đặc biệt là đạo tràng chánh pháp, bạn không được tùy tiện phá hoại ở đây. Đạo tràng của chúng ta không lôi kéo tín đồ, mấy chục năm nay chưa từng có chuyện như vậy, nếu như hình ảnh này sai, khiến người khác sanh ra hiểu lầm, trách nhiệm nhân quả này rất nặng. Người giới thiệu không được tùy tiện, họ tin tưởng, giới thiệu cho họ, hoan nghênh họ tới; nếu họ không tin, có nghi ngờ, tuyệt đối không được giới thiệu, hi vọng người giới thiệu chú ý.

Hỏi: Câu hỏi thứ hai, đồng tu nghĩa công chịu trách nhiệm ghi bài vị của đạo tràng thường sẽ tập hợp sức mạnh chung để cầu nguyện thay cho người bị nạn, nếu như phương pháp này thực sự có hiệu quả, tại sao Phật Bồ-tát không giúp đỡ chúng sanh khổ nạn tiêu trừ nghiệp chướng?

Đáp: Phật Bồ-tát không phải là không giúp, nghiệp lực của chúng sanh chướng ngại sự giúp đỡ của Phật Bồ-tát. Chuyện này trước đây đại sư Chương Gia từng dạy cho tôi, lúc tôi mới học Phật, thầy ấy dạy tôi, “ở trong cửa Phật, có cầu tất ứng”, nhưng rất nhiều người trong cửa Phật có cầu không ứng, chuyện này là như thế nào? Thầy ấy nói, tại sao không ứng? Là bởi vì bản thân bạn có nghiệp chướng, nhất định phải sám hối nghiệp chướng, nghiệp chướng của bạn tiêu trừ rồi, cảm ứng liền hiện tiền. Không phải là Phật Bồ-tát không ứng, chướng ngại nằm ở bản thân chính chúng ta, chứ không phải ở chỗ Phật Bồ-tát, nhất định phải hiểu điều này. Sám hối như thế nào? Rất nhiều người chúng ta đều lạy sám hối, đều sám hối nhưng vẫn không sám hối được. Đại sư Chương Gia rất từ bi nói với tôi, lúc đó tôi vừa mới học Phật, đối với những thứ trong Phật giáo tôi đều cho là mê tín, vẫn rất khó tiếp nhận. Lúc đó thầy ấy rất từ bi dạy cho tôi, thầy nói sám hối không ở nghi thức, hiện tại các bạn lạy “Lương Hoàng Sám”, lạy “Từ Bi Tam-muội Thủy Sám”, lạy “Đại Bi Sám” có thể sám hối được không? Chưa chắc. Làm thế nào mới có thể sám hối nghiệp chướng? Sau không tái phạm; tôi biết tôi sai rồi, sau này tôi không phạm phải lỗi lầm giống vậy nữa, đó gọi là thực sự sám hối.

Sám hối của nhà Phật, chúng ta mới biết được giống như câu “bất nhị quá” mà nhà Nho nói, lỗi lầm chỉ có một lần, không được lặp lại, có lặp lại thì đâu phải là sám hối? Hôm nay lạy sám hối, ngày mai tiếp tục làm vậy, như vậy không được, đây là tuyệt đối không có hiệu quả. Cho nên sau khi thấu triệt đạo lý liền biết được, chúng ta làm mấy chục năm, thông đạt đạo lý này trong đại kinh đại luận. Cảm ứng, Phật Bồ-tát đối với chúng ta là cảm ứng, cảm ứng là tánh đức, ví dụ bạn xem thí nghiệm nước của tiến sĩ Masaru Emoto, nước là khoáng vật, nước không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chúng ta dùng tâm yêu thương đối xử với nước, kết tinh cảm ứng của nước sẽ rất đẹp; chúng ta rất ghét nước, không thích nước, kết tinh cảm ứng của nước sẽ vô cùng xấu xí, đây chính là nguyên lý cảm ứng. Cho nên chúng ta thực sự dùng tâm sám hối, sau không tái phạm nữa, đoạn ác tu thiện, vậy thì cảm ứng với Phật Bồ-tát chắc chắn đúng đắn, không chút nghi ngờ nào. Cảm ứng không thể hiện tiền, là do trong tâm chúng ta còn có vọng tưởng, còn có tạp niệm, còn có tham sân si mạn, còn có đúng sai ta người, còn có tự tư tự lợi, như vậy thì khó, cầu cảm ứng này rất không dễ dàng. Cho nên chuyện cảm ứng này, tùy theo trình độ tu học của bản thân chúng ta không ngừng nâng cao. Công phu tu hành của bạn càng đắc lực, nói cách khác, vọng tưởng, phiền não, nghiệp chướng, tập khí càng ít, cảm ứng sẽ càng rõ ràng, càng rõ rệt.