38Thứ Tư, 20/03/2024, 06:45

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 15

Giải đáp: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 02/09/2005

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, hôm nay lại đến thời gian hỏi đáp của chúng ta, tôi thấy trên bàn có câu hỏi của đồng tu trên mạng từ lần trước, vẫn còn hai câu hỏi, đây là tiếp theo của lần trước.

Hỏi: Câu hỏi thứ bảy nói rằng, nếu như Tứ đại thiên vương là thần hộ pháp, mà trong Nhận Thức Phật Giáo sư phụ nói, coi họ thành thần minh là không đúng. Con biết ý nghĩa biểu pháp của họ, nhưng nếu họ không thuộc về thần minh thì nên lý giải đúng đắn về họ như thế nào?

Đáp: Dạy học trong Phật pháp, trước tiên phải có nhận thức đúng đắn. Cả đời Thích-ca Mâu-ni Phật, phải dùng góc độ hiện nay để quan sát, ngài là làm công việc giáo dục xã hội văn hóa đa nguyên, hoàn toàn giống với Khổng tử của Trung Quốc. Thời gian dạy học của Khổng tử ngắn, sau khi ngài chu du liệt quốc quay về, bởi vì không có chư hầu nào chịu dùng ngài, cho nên mới bất đắc dĩ quay về nhà làm công việc dạy học. Chúng ta biết được Khổng tử trở về quê nhà thì đã 68 tuổi rồi, năm 73 tuổi ngài ấy qua đời, cho nên Khổng tử dạy học chỉ có 5 năm. Nhưng mà thành quả của 5 năm vô cùng huy hoàng, nguyên nhân chính là thánh hiền mà chúng ta thường nói, những điều mà chính ngài dạy thì bản thân đều làm được, cho nên có thể cảm động người khác. Học trò có thành tựu nhiều như vậy, 3.000 đệ tử, 72 người thực sự có thành tựu, trong lịch sử Trung Quốc không có người thứ hai; người cả đời làm công việc giáo dục rất nhiều, nhưng cả đời này học trò thực sự có thành tựu thì không nhiều như vậy. Bạn xem trong cửa Phật, đây là khá thù thắng rồi, đại sư Lục tổ Huệ Năng, học trò có thành tựu dưới hội của ngài mới chỉ 43 người, so sánh với Khổng tử thì vẫn còn khoảng cách rất lớn, ngài có 43 học trò. Thông thường đa số đều là một người, hai người, ba người, năm người đã rất nhiều rồi, thậm chí còn có rất nhiều người thầy giỏi cả đời không tìm được một truyền nhân, tình huống này rất nhiều. Đây là trong ngạn ngữ thường nói, đạo thầy trò cũng là có thể gặp chứ không thể cầu, thường là duyên phận nhiều đời nhiều kiếp.

Lúc Thích-ca Mâu-ni Phật còn tại thế, sanh ra trong hoàng tộc, bản thân ngài là thân phận thái tử. Nếu như không xuất gia, ngài ấy nhất định kế thừa vương vị, ngài không cần phải cầu chức quan nào. Nhưng ngài không làm, 19 tuổi ngài xuất gia, từ bỏ vương vị, cũng từ bỏ vinh hoa phú quý. Bạn hãy nghĩ thử xem tại sao ngài ấy làm như vậy? Chính là câu đầu tiên trong tứ hoằng thệ nguyện, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, chúng sanh có khổ có nạn, chúng sanh khổ nạn thì bạn phải đi giúp đỡ họ, làm quốc vương giúp đỡ không được. Cho nên ngài biết được, giúp đỡ chúng sanh lìa khổ được vui phải dựa vào giáo dục, dạy điều gì? Giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ. Khổ từ đâu mà có? Khổ từ mê hoặc mà có, bạn mê thì bạn liền có khổ, tại sao vậy? Cách nghĩ, cách nhìn của bạn đều sai rồi. Nghĩ sai rồi, nhìn sai rồi, vậy thì lời nói hành vi của bạn đều sai, quả khổ là do sai lầm chiêu cảm tới. Nếu bạn có trí tuệ, tư tưởng của bạn đúng đắn, lời nói hành vi đúng đắn, quả báo là vui, ngài hiểu được đạo lý này.

Chuyện này chính trị không làm được, vũ lực cũng không làm được, chúng ta từ những ghi chép trong kinh điển, lúc Thích-ca Mâu-ni Phật còn trẻ võ nghệ cao cường, chân thật là tướng quân, nguyên soái, ngài cũng không làm, vũ lực làm không được. Dùng lời hiện nay mà nói, khoa học, kỹ thuật, công thương đều không làm được, có thể làm được chỉ có giáo dục, cho nên ngài chọn lựa công việc giáo dục này; hơn nữa bản thân ngài đích thực đều làm được toàn bộ, sau đó mới dạy người, sức mạnh cảm hóa này sâu! Học trò thành tựu dưới hội của ngài, chúng ta trong kinh điển thường nhìn thấy, 1.255 người. Đây là có thành tựu, chưa có thành tựu thì không tính, không ghi chép, có thành tựu là 1.255 người. Học trò có thành tựu của Khổng tử là 72 người, bạn nghĩ thử xem, đây thực sự là nhà giáo dục vĩ đại nhất trên thế giới, trí tuệ chân thật.

Giáo dục của ngài vào thời đó đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao, chúng ta thời cận đại mới đều nói về nghệ thuật, giáo học của Thích-ca Mâu-ni Phật là trình độ nghệ thuật cao. Ấn Độ, ngài sanh ra ở Ấn Độ, vào thời đó Ấn Độ có thể nói là đất nước tôn giáo, tôn giáo vô cùng hưng thịnh, trong kinh điển ghi chép có 96 loại tôn giáo, giáo phái, 96 loại. Trong tôn giáo đều tôn thờ thần minh, Thế Tôn dạy học không phản đối, đây là vô cùng cao minh, không phản đối họ. Không những không phản đối, hơn nữa còn thêm chút ý nghĩa vào thần minh mà họ tôn thờ, tức là ý nghĩa biểu pháp. Ví dụ họ tôn thờ bốn vị thiên vương, thông thường trong mỗi tôn giáo đều có thần hộ pháp, Phật đã lấy thần hộ pháp của họ, Phật cũng mời họ tới làm hộ pháp. Nhưng Phật mời họ tới làm hộ pháp, hoàn toàn khác với ý nghĩa trong tôn giáo, dùng họ để dạy học, dùng lời hiện nay mà nói, chính là công cụ dạy học. Để sau khi bạn nhìn thấy họ, bạn liền nghĩ tới ý nghĩa mà họ đại biểu, ý nghĩa này chính là hộ pháp chính mình, không chút mê tín nào.