40Thứ Tư, 20/03/2024, 06:45

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 17

Giải đáp: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 30/09/2005

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Quý vị pháp sư, quý vị đồng tu, hôm nay lại là thời gian hỏi đáp của chúng ta, tôi thấy không ít câu hỏi, chúng ta giải đáp theo thứ tự.

Hỏi: Đầu tiên là câu hỏi của đồng tu Trung Quốc. Câu đầu tiên, nhẫn nhục ba-la-mật trong sáu ba-la-mật, tại sao làm đúng mà ngược lại bị người khác chỉ trích, trong sạch lại bị chỉ trích thành đen tối? Mặc dù con học tập kinh Phật, xem DVD, nghe lão pháp sư giảng kinh, nhưng tới lúc gặp chuyện thì thực sự vẫn không chịu được, xin hỏi làm thế nào phá được ải vô minh này?

Đáp: Câu hỏi này hỏi rất hay, có thể nói đây là bệnh chung của tất cả những người học Phật. Cửa ải này không thể đột phá thì không thể thành tựu, bạn xem trong kinh Kim Cang đức Phật giảng cho chúng ta rất hay, “hết thảy pháp thành tựu nhờ nhẫn”, hết thảy pháp mà trong kinh nói tới là bao gồm pháp thế gian và pháp xuất thế gian. Cho dù bất kỳ chuyện gì, bạn không có kiên nhẫn thì không thể thành tựu, đây là đạo lý tất nhiên. Giống như người Trung Quốc viết chữ, nếu bạn không kiên nhẫn thì bạn không viết chữ đẹp được, phải kiên trì, hằng ngày viết, bạn viết được tám năm, mười năm, tự nhiên sẽ viết đẹp được. Học hành, bạn học tiểu học, bạn cũng phải kiên nhẫn sáu năm thì bạn mới có thể tốt nghiệp được, bạn không kiên nhẫn thì bạn không tốt nghiệp được, cái gì bạn cũng đều không học được. Cho nên nhất định phải đột phá.

Làm việc tốt bị người khác hiểu lầm, bị người khác chỉ trích, chuyện này không phải là thời cận đại, trong kinh điển đức Phật giảng rất nhiều. Thích-ca Mâu-ni Phật cách chúng ta hiện nay, dựa theo điển tịch Trung Quốc ghi chép, Thích-ca Mâu-ni Phật diệt độ cho đến năm nay là 3.033 năm; nói cách khác, ba ngàn năm trước chuyện như vậy đã thường xảy ra rồi. Mà trong Liễu Phàm Tứ Huấn, bạn xem tiên sinh Viên Liễu Phàm nói rất hay, ông ấy đưa ra rất nhiều ví dụ, chuyện tốt nhiều trắc trở, chuyện tốt không dễ dàng thành tựu, người tốt thường bị oan. Từ đó biết được, chuyện này không phải hiện nay mới có, từ xưa đến nay đã có. Bạn muốn hỏi tại sao lại có nguyên nhân này? Trong Phật pháp giải đáp, đã giải đáp vô cùng viên mãn.

Sanh mạng của mỗi người chúng ta tuyệt đối không chỉ có đời này, chúng ta đều biết có đời quá khứ, đời quá khứ còn có đời quá khứ, quá khứ vô thỉ, trong kinh Phật thường nói vô thỉ kiếp tới nay. Bạn ở trong lục đạo sanh tử luân hồi, vậy thì bạn gặp bao nhiêu người, bao nhiêu việc, bạn đều có thể chung sống tốt với người sao? Bạn có thể đời đời kiếp kiếp đều vừa lòng sao? Bạn nhìn người khác thấy chướng mắt, thì khi tới đời sau gặp được, người ta cũng coi thường bạn; bạn chướng ngại chuyện tốt của người khác, đời này bạn làm chuyện tốt sẽ có người chướng ngại bạn. Cho nên bạn phải có mắt trước sau, có thể nhìn thấy quá khứ, hiện tại, vị lai, tâm của bạn liền bình tĩnh lại, bạn sẽ không oán trời trách người, không trách người khác nữa, bạn mới biết được là tự làm tự chịu.

Oan gia trái chủ của mỗi người chúng ta không biết có bao nhiêu! Có những oán thân trái chủ chưa gặp được, tức là chưa có duyên gặp được, nên tạm thời sẽ không phát tác; lúc gặp được, tức là duyên chín muồi rồi, họ làm sao mà không gây phiền phức cho bạn được? Chuyện này phải làm sao đây? Phật Bồ-tát, thánh hiền xưa dạy chúng ta, “oan gia nên giải không nên kết”. Chúng ta hi vọng đời này gặp được thì hóa giải chúng, đời sau kiếp sau đều là bạn bè tốt, đừng nên oan oan tương báo nữa; oan oan tương báo bao giờ mới dứt, đời đời kiếp kiếp đôi bên đều đau khổ. Biết đạo lý này rồi, chúng ta phải biết hóa giải. Làm sao hóa giải? Người khác chỉ trích, nếu chúng ta đích thực làm chuyện sai, chúng ta phải hoan hỷ tiếp nhận, chúng ta sửa đổi làm mới để báo đáp họ, cảm tạ họ nhắc nhở chúng ta. Nếu chúng ta không có lỗi lầm, thực sự là bị oan, vậy thì chúng ta biết được đây là quả báo đời trước, chúng ta cũng tiếp nhận, đừng nên biện hộ, mà hãy tiếp nhận, chúng ta cũng rất cảm ơn họ. Tuyệt đối không có tâm sân giận, tuyệt đối không có tâm báo thù, món nợ này sẽ hết, sẽ trả xong. Nếu như ta không phục, vậy được, món nợ này vẫn ghi vào đó, đời sau vẫn tới, đời đời kiếp kiếp bao giờ mới dứt, rất khổ!

Chúng ta nhìn thấy xã hội hiện nay, con cái không hiếu thuận, học sinh không tiếp nhận giáo dục, giữa người với người, đại đa số đều là đang nghĩ hại người lợi mình, đều có ý nghĩ này. Ý nghĩ này tự nhiên sẽ tạo thành sự đối lập giữa người với người, mâu thuẫn giữa người với người, nâng cao lên chính là xung đột, chúng ta biết nguyên nhân, nhân quá khứ, nhân hiện tại. Người không học Phật thì không nói, nếu người học Phật hỏi bạn, tại sao bạn muốn học Phật? Mục đích bạn học Phật là gì? Nếu như mục đích của chúng ta thực sự là muốn liễu thoát sanh tử, ra khỏi tam giới, đời này cầu sanh Tịnh độ thì bạn càng phải buông xuống; nếu hiện tại bạn không buông xuống thì không tới được Tịnh độ, không ra khỏi được tam giới.