45Thứ Tư, 20/03/2024, 06:45

VẤN ĐÁP HỌC PHẬT

Kỳ 14

Giải đáp: Hòa thượng Tịnh Không

Thời gian: 27/08/2005

Địa điểm: Hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông

 

Quý vị đồng tu, chỗ này có một số câu hỏi của đồng tu từ học viện online, trong những câu hỏi này có câu hỏi rất sâu, không dễ giải đáp, chúng ta hãy đọc từng câu, từng câu một.

Hỏi: Câu hỏi đầu tiên: nghe sư phụ giảng, mục tiêu học Phật là phải trừ bỏ tham sân si mạn, phá mê khai ngộ. Và tham Phật pháp cũng là tham, nhưng đồng thời lại đưa ra học Phật yêu cầu tinh tấn dũng mãnh, xin hỏi làm thế nào lý giải sự khác biệt giữa tinh tấn dũng mãnh và tham Phật pháp, làm thế nào lý giải đúng đắn tinh tấn và tham?

Đáp: Câu hỏi của bạn này rất hay, đích thực là có chiều sâu. Đồng tu học Phật có lẽ đều biết sáu cương lĩnh tu học của Bồ-tát, thông thường gọi là lục ba-la-mật, nếu bạn hiểu cương lĩnh này, vấn đề này thì liền được giải đáp. Sáu cương lĩnh là có thứ tự, phải tuân theo thứ tự để tu học, không được vượt cấp. Bạn xem điều đầu tiên là phải tu bố thí, thứ hai là trì giới, bạn không thể bố thí thì chắc chắn không làm được trì giới; không làm được trì giới thì nhất định không làm được nhẫn nhục; không thể nhẫn nhịn thì chắc chắn không làm được tinh tấn, cho nên đây là có thứ lớp, có thứ tự. Trừ bỏ tham sân si mạn là ở giai đoạn đầu tiên, bố thí chính là buông xuống, chính là từ bỏ, bố thí điều gì? Quan trọng nhất là phải bố thí tham sân si mạn đi, sau đó bạn trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát-nhã sẽ thuận buồm xuôi gió. Hôm nay, chúng ta tu Bồ-tát đạo không thể thành công chính là do không chịu bố thí tham sân si mạn, mấu chốt ở chỗ này. Bạn hiểu rõ, hiểu thấu triệt chuyện này rồi, bạn mới có thể lý giải tinh tấn và tham dục.

Bạn xem chúng ta bởi vì không bố thí được tham sân si mạn, học Phật cũng là tâm tham, thắp nhang cũng tham lam, tôi muốn thắp cây nhang đầu tiên, thắp cây nhang thứ hai thì không cam tâm, như vậy làm sao được? Học tập pháp môn, tôi muốn học pháp môn thù thắng nhất, rốt cuộc pháp môn nào là thù thắng nhất? Rất khó nói, Phật nói “pháp môn bình đẳng, không phân cao thấp”, pháp môn nào thù thắng nhất? Trong kinh, đức Phật cũng thường nói pháp môn bậc nhất, pháp môn thù thắng nhất, đây không phải là pháp môn có khác biệt, thù thắng bậc nhất là từ đâu mà nói? Về căn tánh mà nói. Thích hợp tôi tu học, thích hợp trình độ của tôi, thích hợp căn tánh của tôi, tôi tu pháp môn này nhất định có hiệu quả, nhất định thành công, pháp môn này đối với tôi mà nói chính là thù thắng bậc nhất, đối với bạn chưa chắc là thù thắng bậc nhất. Trong kinh đức Phật thường dùng ví dụ để nói, Phật giống như một vị đại phu, y vương, đại phu, chúng sanh đều là người bệnh, mỗi người bị bệnh không giống nhau. Pháp môn, tám vạn bốn ngàn pháp môn cũng giống như phương thuốc, đúng bệnh rồi, thuốc này bạn uống vào thì bệnh của bạn liền khỏi, đối với bạn đây là bậc nhất. Nếu như không đúng bệnh, thuốc này uống vào sợ là bệnh tình nặng thêm, thậm chí còn sắp chết, bị độc chết, vậy thì làm sao có thể gọi là thù thắng? Cho nên pháp môn ứng cơ thì gọi là thù thắng, gọi là bậc nhất, là từ chỗ này mà nói. Không phải từ pháp mà nói, pháp không có cao thấp, không có phân biệt, nhất định phải hiểu đạo lý này.

Cho nên, trước tiên phải đoạn trừ phiền não, tham sân si mạn là phiền não, không những học Phật phải bắt đầu từ chỗ này, nhà Nho dạy người cũng bắt đầu từ chỗ này. Bạn xem nhà Nho dạy học, trong Đại Học nói “cách vật trí tri”, đây là nói thực sự dụng công, bắt đầu từ chỗ nào? Cách vật, sau đó mới tiến vào trí tri, tiếp theo là thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, thứ tự này không được loạn. Thế nào gọi là cách vật? Tư Mã Quang nói rất hay, đại sư Ấn Quang của chúng ta cũng nói rất hay, cách nói của đại sư Ấn Quang tương đồng với Tư Mã Quang. Vật là năm loại dục, chính là dục vọng, dục vọng hưởng thụ vật chất của bạn; thế nào là cách? Cách là trừ bỏ, bạn phải trừ bỏ dục vọng vật chất, phải trừ bỏ nó đi, đây chính là đoạn trừ phiền não! Sau đó bạn mới có thể có trí tuệ, mới có thể làm được trí tri; hay nói cách khác, trí tuệ của bạn là bởi vì bị phiền não của bạn chướng ngại, loại trừ phiền não thì trí tuệ hiện tiền, đây là trí tri.

Trí tuệ chân thật hiện tiền, ý của bạn liền thành, sau khi ý thành thì tâm của bạn sẽ chánh, bạn xem nhà Nho nói bộ công phu này, cũng là bắt đầu làm từ đoạn trừ phiền não. Phật pháp giảng càng rõ ràng hơn, phá phiền não chướng, sau đó phá sở tri chướng; phá phiền não chướng thành tựu đức hạnh của bạn, phá sở tri chướng thành tựu trí tuệ của bạn. Về phương pháp mà nói thì pháp thế gian và pháp xuất thế gian không có khác biệt, chúng ta phải hiểu được. Cho nên trí tuệ và tinh tấn không giống nhau, trong tinh tấn chắc chắn không mang theo phiền não, hôm nay chúng ta nói tinh tấn, trong dũng mãnh tinh tấn có phiền não. Tại sao dũng mãnh tinh tấn? Tôi có mục đích, tôi có ý đồ, tôi có lợi ích, nếu không có lợi ích gì thì không làm nữa. Từ chỗ này bạn sẽ hiểu được, trên thế gian làm gì có tinh tấn? Đều là kèm theo danh văn lợi dưỡng trong đó thì họ mới chịu làm; cái gì cũng không có, bạn vẫn liều mạng cố gắng làm, đó là tinh tấn. Tất cả mọi hành vi của bạn thực sự là hy sinh cống hiến, là vì lợi ích chúng sanh, vì thành tựu trí tuệ chân thật của chính mình, thành tựu đức hạnh của chính mình, đó là tinh tấn. Tuyệt đối không có danh lợi trong đó, chắc chắn không có ý đồ ở trong đó, khác biệt là ở chỗ này.