36Thứ Tư, 20/03/2024, 20:35

K ính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 20/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 71

Những lời khai thị của Hòa Thượng đang từng ngày đánh thức cơn mê muội lâu dài của chúng ta. Ngài như một nhà điêu khắc đang khắc lên những phiến đá xanh chai lỳ để loại bỏ từng chút những vết sần sùi và cuối cùng tạc thành một pho tượng.

Con người ở thế gian thường mang nặng hai tập khí luôn lặp đi lặp lại trong từng năm, từng tháng, từng giờ. Đó là việc dễ quên tức là hứa với ai thì không nhớ hoặc những việc không cần nhớ thì nhớ rất kỹ, việc cần nhớ thì lại quên. Thứ hai là dễ hối hận, hối tiếc. Cho nên Tổ sư Ấn Quang ngày ngày quán chiếu vô thường, quán chiếu sanh tử để luôn cảnh giác mình phải quý tiếc thời gian.

Chúng tôi được nghe rằng có nhóm người dùng Bát Chánh Đạo, Giới Định Tuệ Tam Học, Tứ Niệm Xứ của nhà Phật để trào lộng, để làm như một học thuyết chiêu dụ người khác lấy tiền.

Hòa Thượng dạy một cách dễ hiểu và ngắn gọn rằng “Phật pháp chân chánh thì không nhắc đến tiền”. Tuy nhiên, thế gian ngày nay lại coi những gì nhiều tiền mới là quý. Vì sao? Vì có một số người trên cuộc đời này không có gì khác ngoài tiền nên khi họ bỏ ra được nhiều tiền thì họ an tâm, cảm thấy hơn được người khác. Họ bỏ tiền để làm gì và để cho ai? Cho người lấp đầy hố sâu tham vọng thì họ bỏ bao nhiêu cho đủ? Cho nên khổ chồng thêm khổ chứ khổ không ngừng dứt.

Chúng tôi cũng được nghe kể lại rằng người ta luôn miệng nói lời của Phật, ngày ngày lấy hình tượng của Phật, mượn nhờ các đạo tràng của Phật nhưng lại rất thủ đoạn. Đó là vào các trường làm nhân viên tuyển sinh nhưng lại không tuyển sinh nhằm mục đích khiến trường đó không còn khả năng hoạt động thì liền mua lại. Đến bây giờ chúng tôi mới cảm nhận sâu sắc câu của Phật nói: “Tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”.

Những người bị rơi vào lưới Ma của họ thì mất hết mọi phương hướng, đảo lộn hết chân lý, khiến con người trở nên mơ hồ, hỗn độn không còn biết ra đâu là Phật pháp, Thế gian pháp, hay đâu là tà ma ngoại đạo. Người chúng ta đây cũng học chuẩn mực Thánh Hiền nhiều năm mà cũng bỏ ra vài trăm triệu để tham gia lớp học như vậy. Đúng là tà pháp nhiễu nhương. Lòng người không có chỗ nương về. Đây mới chính là thời kỳ Mạt Pháp.

Hòa Thượng từng nói: “Chúng sanh ngày nay thích nghe gạt mà không thích nghe khuyên”. Thế nên, đã có rất nhiều người khó chịu với chúng tôi vì chúng tôi không chấp nhận cách làm sai lầm, cách làm dẫn khởi từ “ảo danh ảo vọng” nên chúng tôi thường nói thẳng thắn vào sự thật. Chúng sanh mê muội không biết rằng với cách làm “ảo danh ảo vọng” như vậy rất dễ lọt vào lưới Ma. Nhóm đang trào lộng đó tung ra hỏa mù để người ta mê mẩn và đưa ra những học thuyết, đường đi nước bước dẫn dắt mọi người nhưng thực ra bán cổ phần, bán sách. Chúng sanh cuối cùng ôm những thứ đó gắng gượng để sống còn họ thì đứng qua một bên.

Cho nên Hòa Thượng nói đừng lấy Phật pháp để đùa giỡn, trào lộng, để làm bình phong trục lợi. Ngài cũng từng nói với Thầy Lý Bỉnh Nam: “Thầy ơi! Thầy mở lớp cao đẳng Phật học cho mọi người như thế này. Nếu ngày nào đó, họ tốt nghiệp mà dùng tâm sai trong Phật pháp, giải thích Phật pháp theo một hướng khác. Vậy thì ai có đủ năng lực để hiệu đính cho họ.” Quả thật, nhóm trào lộng này lập luận rất vững chắc, không ai đánh đổi được và cuối cùng họ nói rằng: “Các bạn hãy tự mình tìm hiểu vì điều này nếu dùng sự giãi bày cũng giãi bày không ra” cũng giống như học sinh cấp 1 không hiểu được bài học của học sinh Đại học.

Những người này sẽ cho chúng ta một chút danh, chút lợi. Danh lợi đến từ việc chúng ta phải làm thân trâu ngựa để phục vụ cho bá đồ của họ. Và anh chàng tốt nghiệp trong một trường Đại học danh giá, là con cháu của một gia đình có truyền thống nhiều đời xuất hiện rất nhiều giáo sư đại học đã lọt vào lưới Ma này. Khi anh tỉnh ngộ thì đã thân tàn ma dại, may là chưa tìm đến cái chết.

Thế gian này chỉ vì tiền mà họ có thể làm những việc không sợ nhân quả. Đáng lẽ ra Phật pháp đến thế gian để làm lợi ích chúng sanh, vậy mà họ đã bẻ cong Phật pháp theo cách của họ, kéo theo rất nhiều người tin tưởng. Vì sao người ta tin? Vì thứ giả Phật pháp đó không cần phải khổ sở rèn luyện. Không bao giờ họ khuyên người ta bỏ đi “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi”, bỏ đi hưởng thụ “năm dục sáu trần” và “tham sân si mạn”.