42Thứ Ba, 19/03/2024, 18:35

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 19/03/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 70

Những lời dạy của Hòa Thượng là tinh hoa được chắt lọc từ cuộc đời tu hành và trải nghiệm của Ngài. Chúng ta nếu chỉ nghe qua và để đó mà không thể nghiệm, không tu hành thì cho dù xung quanh là máy MP3 mở nhiều bài pháp, chúng ta vẫn khởi đầy rẫy vọng tưởng nên chẳng có lợi ích gì. Có rất nhiều người đang rơi vào tình trạng này.

Hòa Thượng nói rằng sai lầm của con người hiện đại chính là thích biểu hiện cái “ta”. Chúng ta hãy quán sát các ý niệm, hành động tạo tác của mình sẽ thấy cái “ta” đang biểu hiển rất sâu kín, đang biến hình sai sử chúng ta mà chúng ta chưa nhận ra. Ngài khẳng định việc này là mê hoặc điên đảo.

Nhiều bài viết về sự kiện Đại Lễ Tri Ân Cha Mẹ và Vợ Chồng 2024 đã được đăng báo nhưng chưa nêu bật được những điều quan trọng của buổi lễ. Điều này cho thấy tâm chúng sanh đối với sự tri ân từ đáy lòng đối với Tổ quốc, Cha Mẹ, Thầy Cô và những người thành toàn cho mình rất mờ nhạt. Các bài viết không hề nhắc đến sự tái hiện của lịch sử ngay trên sân khấu khiến ai cũng xúc động, trong đó có một vị lão thành ngồi cạnh chúng tôi đã khóc.

Nói về tri ân mà trong lòng không có chút tri ân. Có người hướng đến chúng tôi để tri ân nhưng chúng tôi gạt đi và nhắc mọi người hãy quay về thật làm trong gia đình. Việc bộc phát nói ra những lời cảm tình cũng chính là “tự ngã biểu hiện” chứ không phải là những việc làm, hành động cụ thể. Ngay bản thân chúng tôi, đến bây giờ cũng chưa quỳ trước mặt Hòa Thượng mặc dù khi Ngài còn tại thế, chúng tôi có dư cơ hội trong suốt 15 năm để làm việc đó. Cơ hội gặp được Ngài, chúng tôi đã từng nhường cho người khác.

Có người hỏi Hòa Thượng họ cần có điều kiện gì để ở bên Hòa Thượng. Ngài nói: “Những người ở gần tôi không có thành tựu, những người thật làm theo tôi mới có thành tựu. Những người gần tôi không khéo trở thành La Sát.” Từ lời dạy này, chúng tôi chỉ mong làm sao mình làm chưa giống Hòa Thượng thì phải làm cho thật giống. Ngày ngày tiếp nhận lời dạy của Hòa Thượng để quán sát lại từng khởi tâm động niệm của mình. Hòa Thượng nói rằng người có trí tuệ thì lúc nào cũng nghĩ đến chúng sanh. Nghĩ đến chúng sanh là từ những việc làm cụ thể, là khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật của chính mình.

Chiều qua, chúng tôi đến thăm một nhà, bác con trai đi vắng nên chỉ có ông cụ ở nhà. Ông cụ hỏi: “Chưa về miền Nam sao?” khiến chúng tôi giật mình, vì sao cụ biết mình ở miền Nam? Cụ 94 tuổi mà tinh tường như vậy đã khiến chúng tôi sửng sốt. Chúng tôi gặp cụ mới hai lần và lần này là lần thứ ba mà cụ vẫn nhớ. Ngày nay, chúng ta còn trẻ nhưng cái gì cũng lờ mờ. Chúng ta phải thật rõ ràng mọi sự mọi việc, chuẩn mực là chuẩn mực, không được vì việc gì mà vượt qua chuẩn mực. Đối với giới luật của Phật, luật pháp quốc gia, chúng ta phải tuyệt đối tuân thủ.

Trong “Tứ y pháp” có “y trí bất y thức” tức là không cảm tình dụng sự, tuy nhiên, do tập khí dẫn dắt, chúng ta đều lơ là việc này. Chúng ta đừng tưởng “danh vọng lợi dưỡng” là cái gì xa xôi mà ở ngay trong lời nói, chúng ta đã thể hiện cái “ta” chứ chưa nói đến những việc như ham danh, hám lợi.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta bình lặng thì không khó để quán sát tập khí của chính mình. Có người thiên tính thiện lương, có người thiên tính tập khí rất sâu nặng. Đây đều là quá khứ mang đến đời này, cho nên, Phật dạy chúng ta đoạn ác tu thiện tức là bình thường phải tự kiểm điểm chính mình. Tập khí thiện thì nuôi lớn còn tập khí ác thì đoạn trừ. Nguyên tắc tu hành là như vậy!

Nguyên tắc tu hành đơn giản, không quá lớn lao. Nhưng chúng ta cứ đàm huyền thuyết diệu, nói chuyện về “tánh không” trong khi mọi chuyện hằng ngày lại coi cái gì cũng là thật. Trước đây chúng ta dùng từ đại lễ tri ân nhưng đúng ra là “lễ hội tri ân”. Trên bài báo viết rất hay “Ngày hội tri ân”. Một ngày hay nhiều ngày, mỗi ngày đều là như vậy, đều là ngày tri ân.

Hòa Thượng nói tu hành là đoạn ác tu thiện, đoạn đi tập khí hằng ngày ảo danh ảo vọng của chính mình thông qua từng việc làm nhỏ. Ví dụ mình chặt cây nhổ cỏ hay quét sân đều là việc nhỏ mà vẫn mong có người thấy để chứng minh mình đang làm thì cuộc đời này có biết bao nhiêu việc sẽ làm nhiễu loạn tâm mình.