45Thứ Năm, 21/03/2024, 13:06
72 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 72

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 21/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 72

Nhiều năm qua, tôi đến rất nhiều nơi, tôi không đợi ai mời mà tôi tự mời tôi. Hòa Thượng dạy chúng ta: “Việc tốt cần làm, nên làm không công, không đức”. Tôi làm nhiều việc nhưng trong tâm tôi không dính mắc. Mặc dù, tâm tôi vẫn khởi lên một chút niệm nhưng đó là tập khí từ nhiều đời, nhiều kiếp. Nếu không có tập khí thì tôi đã không cần đến thế gian. Chúng ta mới đưa phóng sự về ngày lễ tri ân lên Youtube, đã có hơn 40.000 lượt xem, buổi lễ đã thành công tốt đẹp. Sau những buổi lễ tri ân, nếu ai muốn tri ân tôi thì tôi đều cự tuyệt. Tôi nhắc mọi người làm tốt những việc cần làm là được, không cần nói những lời “sáo rỗng”. Chúng ta thật làm chính là chúng ta tri ân Phật Bồ Tát, Thánh Hiền.

Khi Hòa Thượng còn sống, tôi đã không tranh thủ cơ hội để được quỳ dưới chân Hòa Thượng mà tôi chỉ luôn nỗ lực làm tốt những lời Ngài dạy. Khi Hòa Thượng vãng sanh, tôi chỉ nghĩ rằng: “Ngày này cuối cùng đã đến!”. Mọi người khóc lóc nhưng tôi cảm thấy bình thản. Chúng ta khóc mà chúng ta không thật làm thì đó chỉ là những giọt nước mắt “hư tình giả ý”.

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta tu học, thứ nhất là chúng ta phải học thuộc Kinh điển, thứ hai là chúng ta phải viên giải, hiểu đúng những lời Phật Bồ Tát, thánh hiền đã dạy”. Chúng ta muốn thuộc Kinh điển thì ngày ngày chúng ta phải học tập. Chúng ta thường hiểu Kinh điển một cách lệch lạc, hiểu theo ý mình. Nhiều người dùng pháp “tứ niệm xứ”, pháp giúp chúng ta quán sát mọi thứ xung quanh là giả, là vô thường khiến những người xung quanh đưa hết tiền cho họ, đây là họ dùng thủ đoạn để mê hoặc người. Chúng ta có một ý niệm tư lợi thì chúng ta đã sai.

Viên giải” là hiểu một cách tròn đầy, trọn vẹn. Nhà Phật nói: “Y Kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly Kinh nhất tự cũng đồng Ma thuyết”. Chúng ta y theo Kinh mà hiểu thì oan cho ba đời Phật, chúng ta rời khỏi Kinh mà giảng thì lời của chúng ta cũng giống như lời Ma nói. Chúng ta phải thật tu hành, thật làm ngay trong cuộc sống thường ngày. Người xưa nói: “Thành” là “Nhất niệm bất sanh tất vị thành”. Một niệm không sanh khởi mới gọi là thành. Chúng ta có ý niệm vì mình thì đã không gọi là “thành”. Trong lịch sử, những vị vua, vị tướng đã từng ở trên đỉnh cao danh vọng, tiền tài Tần Thuỷ Hoàng, Thành Cát Tư Hãn cuối cùng cũng không còn lại gì. Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhất thiết hữu vi pháp như mộng, huyễn, bào, ảnh”. Những gì có hình tướng đều như giấc mộng, ánh chớp, trôi qua rất nhanh.

Có người đưa tôi một khoản tiền, họ nói, tôi dùng một nửa số tiền đó làm từ thiện, một nửa tôi có thể giữ để dùng. Tôi nói, nếu tôi có tiền thì tôi sẽ bỏ thêm vào để làm từ thiện, tôi không giữ lại đồng nào để dùng cho riêng mình. Chúng ta phải hoàn toàn xa rời ý niệm “tự tư tự lợi” thì chúng ta mới là người chân thật học Phật. Chúng ta làm tổn hại giới, thân, huệ, mạng của mình thì chúng ta đời đời không có thân người, ở nơi biên địa, không gặp được Phật pháp. Hòa Thượng từng nói: “Nếu chúng ta biết dùng tài, sắc, danh, thực, thuỳ thì nó là công cụ để giúp chúng sanh. Nếu chúng ta không biết dùng thì nó trở thành chướng ngại”.

Sau khi chúng ta đã hiểu một cách đúng đắn thì chúng ta phải thật làm. Chúng ta phải mang cái hiểu đúng đắn của mình phổ biến đến nhiều người. Thầy Thái kể, có hai người con trai thay nhau nuôi Mẹ, một hôm, nhà người anh hết đồ ăn nên người anh đưa Mẹ sang nhà người em. Người em không mở cửa cho Mẹ vì nói rằng nhà mình cũng đã hết đồ ăn, khi người Mẹ ngửi thấy mùi đồ ăn trong nhà bay ra thì người em bảo vợ dùng khăn bịt kín nồi thức ăn lại để không còn mùi. Khi người Mẹ đi về thì trời liền xuất hiện sấm sét, sét đã đánh chết hai vợ chồng người em. Thầy Thái nói: “Họ không xứng đáng làm người nên ông Trời đã lấy mạng của họ!”. Đây là do người làm giáo dục không mang chuẩn mực Thánh Hiền truyền dạy cho họ. Có những đứa trẻ được Cha Mẹ dạy từ nhỏ, trong tâm chúng thường niệm Phật, chúng chỉ ăn chay, người khác cho đồ thì chúng không tự ý nhận. Người xưa nói: “Tánh tương cận, tập tương viễn”, các con được dạy từ nhỏ thì chúng đều sẽ trở nên rất tốt. Chúng ta phải tinh tấn, dũng mãnh một cách đặc biệt để chúng sanh được nương nhờ. Đây là việc vô cùng cần thiết!