39Thứ Năm, 07/03/2024, 10:43

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 07/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 58

Trong bài học hôm qua, Hòa Thượng nói, không ai có thể chướng ngại chúng ta ngoài chính chúng ta tự chướng ngại mình. Chúng ta bị ma chướng là do chính chúng ta mở đường cho chúng. Thí dụ, chúng ta bị tiêm nhiễm bởi “tài, sắc, danh, thực, thùy” là do chúng ta đã khởi niệm mong cầu. Thân thể này rất mong manh, mạng sống chỉ dài trong khoảng một hơi thở vậy thì tại sao chúng ta dùng thân mạng này để tạo nghiệp, chúng ta phải dùng thời gian ngắn ngủi của sinh mạng để tích cực tích công bồi đức.

Chúng ta muốn làm được những việc làm sáng suốt thì chúng ta phải có trí tuệ. Hòa Thượng từng nói: “Ta không có trí tuệ của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền thì ta mượn nhờ trí tuệ của các Ngài”. “Mượn nhờ trí tuệ của các Ngài” chính là chúng ta “Y giáo phụng hành”, chúng ta tuyệt đối nghe lời dạy và làm theo. Chúng ta làm nhưng chúng ta vẫn chen vào cách làm, cách thấy của chính mình nên chúng ta thường gặp chướng ngại, chúng ta thường trách Long Thiên Thiện Thần không gia hộ, Phật Bồ Tát không gia trì. Một cái trống khi chúng ta tác động nhẹ thì nó kêu nhỏ, tác động mạnh thì nó kêu to. Hòa Thượng từng nói: “Chỉ cần chúng ta có một ý niệm sai lầm, một việc làm sai lầm thì chúng ta đã gặp chướng ngại”. Hằng ngày, chúng ta có rất nhiều ý niệm, việc làm sai lầm. Chướng ngại hay thất bại đều do chính chúng ta. Người xưa nói: “Chí thành thì cảm thông”. Chúng ta chí thành đủ chuẩn mực để cảm thông đến Thánh Hiền, Phật Bồ Tát thì các Ngài sẽ hộ trì cho chúng ta. Tâm chúng ta tương ưng với Yêu Ma Quỷ Quái thì chúng ta chiêu cảm đến họ.

Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói: “Chúng ta nhất định không được gạt người, gạt người là vọng tưởng”. Một ngày từ sáng đến chiều chúng ta khởi ý niệm không thật với người mấy lần? Thí dụ, chúng ta hứa với con nhưng chúng ta không làm thì những đứa nhỏ sẽ dần mất niềm tin vào chúng ta. Hằng ngày, chúng ta vẫn đang lừa gạt người và lừa gạt chính mình. Chúng ta đều biết rõ cảnh giới nội tâm, sức khỏe của mình nên chúng ta phải biết cách dụng tâm. Thí dụ, chúng ta biết sức khỏe của chúng ta không còn tốt thì chúng ta phải dụng công xả bỏ để tu hành.

Hòa Thượng nói: “Phật dạy chúng ta tu Giới – Định – Tuệ. Trí tuệ cũng giống như một tấm gương, chúng ta có thể dùng tấm gương soi chiếu một cách rõ ràng, tường tận. Chúng ta có thể soi chiếu một cách tường tận nhưng chúng ta tuyệt đối không khởi tâm động niệm. Nếu chúng ta có trí tuệ thì khi chúng ta nói chuyện với mọi người, chúng ta sẽ biết những điều không nên nói, cử chỉ, lời nói của chúng ta đều có mực thước”. Chúng ta nhìn thấy mọi sự, mọi việc xung quanh chúng ta một cách rõ ràng nhưng chúng ta tuyệt đối không khởi phân biệt, chấp trước. Chúng ta chưa có trí tuệ nên chúng ta có nhiều vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Người có trí tuệ thì sẽ có định. “Giới” là năng lực tự kiềm chế khi chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật. Trong khi mọi người bao chao, truy cầu “danh vọng lợi dưỡng” mà chúng ta có thể khống chế tập khí, phiền não của mình thì đó là chúng ta đang giữ giới.

Hôm qua, có một số người đã niệm Phật lâu năm đến thăm tôi, họ mặc đồ nâu đen, đầu cạo trọc, mặt đen, nhìn họ tôi cũng cảm thấy sợ. Hình thức này không còn phù hợp với xã hội ngày nay vì nếu chúng ta giữ hình thức như vậy thì chúng ta không thể dẫn đạo được chúng sanh. Tôi nói, trong xã hội hiện đại, chúng ta nên tạo ra hình thái gần gũi với mọi người, chúng ta đừng tạo ra hình thái quá tách biệt. Khi tôi dịch đĩa Hòa Thượng, tôi không thấy ở nội dung nào yêu cầu chúng ta mặc như vậy, đồng phục của người xuất gia và người tại gia hoàn toàn khác nhau. Những năm gần đây, tôi không mặc quần áo tu hành nhưng mọi người đều biết tôi chỉ niệm một câu “A Di Đà Phật”, chỉ học pháp với Hòa Thượng Tịnh Không. Chúng ta nên ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, nghiêm trang tạo ra thân tướng đoan nghiêm.

Khi Hòa Thượng đến một quốc gia, Ngài đều mặc sắc phục tu hành của quốc gia đó. Trong chữ “lễ”, đúng lễ, hợp lễ thì mới gọi là lễ. Nếu nó vượt quá thì không còn là lễ.Những năm trướcchúng ta tổ chức lễ tri ân, có những người mặc sắc phục nâu, lam đến, chiếc áo không nói lên tâm tu hành của chúng ta, nhiều người mặc áo nâu lam nhưng lời nói, cử chỉ của họ đều không mực thước, những việc không nên nói, không nên làm thì họ vẫn nói, vẫn làm.