37Thứ Tư, 06/03/2024, 19:43

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 06/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 57

Kiếp người ngắn ngủi, sinh mạng mong manh chỉ trong một hơi thở nên người niệm Phật luôn phản tỉnh rằng trên con đường Bồ Đề không ai có thể làm chướng ngại mình bằng chính mình, do vậy, không nên để mình có một ý niệm hay một hành vi sai lầm vì sẽ lạc vào Ma đạo, nhất định không được gạt mình, gạt người. Cần phải hiểu rõ đạo lý “Có tiền là phước báu mà dùng tiền là trí tuệ” để tu thiện tích phước.

Hòa Thượng nói: Tu hành vạn nhất không được gạt người. Gạt người là vọng tưởng, đương nhiên là càng không thể lừa gạt chính mình”. Mình biết cảnh giới của chính mình, biết rõ mình hàng phục được “Tham Sân Si” đến đâu nên nếu người ta tán tụng chúng ta mà chúng ta im lặng thọ nhận thì đó chính là mình đã gạt mình và gạt người. Đúng ra mình phải công khai với họ rằng mình vẫn là phàm phu.

Hòa Thượng đã từng khẳng định Ngài chưa từng ấn chứng cho ai bởi bản thân Ngài còn là một phàm phu. Ngài khẳng định như vậy vì có người cho rằng những người Hòa Thượng khen ngợi, đơn giản vì họ có chút công phu tu hành có lực, thì đều là người có sở đắc và Hòa Thượng khen nghĩa là đã ấn chứng. Hòa Thượng khẳng định Ngài là phàm phu mà phàm phu ấn chứng cho một người thì người đó cũng là phàm phu. Ngài cũng khẳng định nếu ai đó được khen và lấy lời khen đó để trào lộng, để truy cầu “danh vọng lợi dưỡng” thì họ sai rồi.

Cũng từng có người đến nhờ Hòa Thượng ấn chứng và Ngài nói rằng những vị ấy chưa chứng gì cả. Những người này tức giận. Ngài trả lời rằng nếu mọi người đã chứng thì phải biết chính Ngài vẫn còn là một phàm phu. Nhưng các vị vẫn đến nhờ ấn chứng thì chứng tỏ các vị chưa chứng. Tứ Thánh quả gồm Sơ quả Tu đà hoàn, Nhị quả Tư đà hàm, Tam quả A na hàm và Tứ quả A la hán. Quả thấp nhất của tiểu thừa là đã vô ngã, không còn thấy “ta”. Nếu còn thấy “ta” thì là chưa chứng, huống hồ còn tự nhận mình đã chứng và nhờ người ấn chứng thì hoàn toàn sai rồi.

Sau bài học hôm qua, có nhiều người nói với chúng tôi rằng có đạo tràng có trẻ con nhập lên đòi ăn hoặc nhập lên xưng là thần Hộ Pháp, khen trưởng đạo tràng và phó đạo tràng tu hành tốt. Chúng ta phải phản tỉnh rằng một khi công phu niệm Phật chưa có thì phiền não vọng tưởng dục vọng đầy rẫy mà thần Hộ Pháp lại khen: “Các con tu hành tốt lắm, đến đây ta ban phước vẽ bùa”. Đây là Ma khen. Đáng thương nhất người nào cũng đến xếp hàng để được vẽ. Có một người được vẽ nhưng trong tâm không tin, thế nhưng vị tự xưng là thần Hộ Pháp kia không nhận ra, vẫn vẽ cho người này. Người đã chứng quả vị Thánh thì có thể nhìn thấu được tâm. Hòa Thượng từng nói chỉ cần người có chút tâm thanh tịnh là cũng nhìn thấy ngay tâm nghi ngờ đó.

Làm gì có chuyện một ai đó đến khen ngợi tán thán cho ai đó, chỉ có yêu ma quỷ quái làm việc này. Phật Bồ Tát chỉ sách tấn người tu hành rằng nếu đã tu tốt rồi thì phải tu hành tốt hơn, không bao giờ nói tu hành tốt quá hay như thế là được rồi. Chúng ta biết rõ ràng trong tâm mình vẫn còn nguyên tập khí phiền não: “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi, năm dục sáu trần, tham sân si mạn” nên khi được khen tu hành như thế là tốt, là được rồi thì phải phản tỉnh.

Mỗi ngày chuông điện thoại reo để đánh thức chúng ta dậy buổi sáng, có bao giờ chúng ta hớn hở vì đã đến giờ tu hành niệm Phật hay trong tâm vẫn là ý niệm phiền não “mới ngủ mà chuông đã reo rồi”. Đã hơn 10 năm, tôi lập thói quen thức dậy sớm đúng giờ nhưng đến hôm nay, tâm vẫn nói như vậy. Chỉ cần chểnh mảng là lui sụt, một chút bệnh, chút đau, chút chướng ngại là lui sụt. Lúc trước chúng tôi đặt đồng hồ là 3g40, gần đây đặt đồng hồ là 3g30 nên hiện giờ tâm đang phản ứng.

Mình là người biết rõ cảnh giới nội tâm của mình, phiền não vọng tưởng đầy rẫy, “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi” vẫn còn tràn ngập, vậy thì người khen mình chỉ có Ma vì họ nói để thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng” cho mình. Mình không tỉnh ngộ chỗ này là bị lừa. Một đời tu hành mà bị lừa thì đến lúc cận tử nghiệp đến sẽ trở tay không kịp.

Cho nên Hòa Thượng dặn chúng ta vạn lần không nên lừa gạt người, lừa gạt người là vọng tưởng. Ma lừa gạt người bởi Ma thường sống trong vọng tưởng. Phật thì chân thành, thanh tịnh, bình đẳng giác nên không lừa gạt người. Chỉ cần một ý niệm thì Ma sẽ đến vì đôi bên cùng có lợi nên phải hết sức cẩn trọng.