45Thứ Sáu, 23/02/2024, 12:52
45 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 45

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 23/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 45

Bài học hôm trước, Hòa Thượng dạy chúng ta, đối với những người chưa biết hoặc những người có sự ngộ nhận về Phật pháp thì chúng ta phải thật làm, chúng ta làm ra biểu pháp thì tự nhiên chúng sanh sẽ tin tưởng, chúng ta nên tránh làm trên hình thức, tránh làm những việc cảm ứng, thần thông. Có người nói với tôi, họ nhìn thấy một người bị tai nạn ô-tô, sau khi một vị đọc một câu thần chú thì người đó liền có thể đứng dậy. Yêu Ma Quỷ Quái cấp thấp cũng có thể giúp con người tạm thời không đau, không bệnh nhưng Yêu Ma Quỷ Quái không thể giúp con người thoát khỏi luân hồi sinh tử. Sinh – Lão – Bệnh – Tử là một định luật mà con người không thể thay đổi được. Có người nói với tôi, người tu pháp này thì sẽ không già, không bệnh, không chết. Tôi tự hỏi, ông Tổ của pháp tu đó có thể sống đến 150 tuổi mà ngồi vuốt râu không?

Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói, chúng ta là những người làm công tác giảng dạy, chúng ta phải cùng đồng phản tỉnh, nỗ lực, tự làm mới cùng với mọi người. Người khác có phản tỉnh, thay đổi, tự làm mới hay không thì đó là việc của họ, chính chúng ta phải tự nỗ lực thay đổi. Chúng ta dùng giáo huấn của Phật Bồ Tát để phản tỉnh chính mình. Chúng ta nói để người khác nghe mà chúng ta không phản tỉnh thì chúng ta đã sai. Đây là vấn nạn rất phổ biến trong giai đoạn hiện nay.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta làm bất cứ việc gì cũng phải có tâm nhẫn nại. Chúng ta muốn có thành tựu ở pháp thế gian hay xuất thế gian thì chúng ta đều phải có công phu sâu, chúng ta không có thành tựu chính là do chúng ta không có công phu sâu. Thầy Trương chuyên viết thư pháp, mỗi ngày ông viết một chữ một trăm lần, ông đã rèn luyện trong suốt năm mươi năm. Hiện tại, ông đã 76 tuổi nhưng ông vẫn đi cầu học, thỉnh giáo với mọi người. Tinh thần cầu học không mệt mỏi này của ông đáng để chúng ta học tập!”. Ông Trương đã là một nhà thư pháp nổi tiếng nhưng ông vẫn dùng tâm khiêm tốn đi cầu học khắp nơi. Thiện Tài Đồng Tử trên “Kinh Hoa Nghiêm” một đời thành tựu vì Ngài luôn coi mọi người là Thầy, Ngài đã cầu học với 53 vị thiện tri thức trong mọi ngành nghề khác nhau. Chúng ta có tâm cầu học thì chúng ta mới có thể tiến bộ. Trong mọi việc chúng ta cần có tâm nhẫn nại vượt qua mọi khó khăn. Khi chúng ta giảng dạy giáo huấn của Phật hay của Thánh Hiền chúng ta đều phải dụng tâm một cách miên mật. Bài học hôm trước, Hòa Thượng nhắc, chúng ta học Phật pháp, học chuẩn mực Thánh Hiền thì tâm, nguyện, giải, hành của chúng ta phải giống như tâm, nguyện, giải, hành của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền. Chúng ta vẫn giữ cách thấy, cách biết, cách làm của phàm phu để làm mọi việc thì chúng ta không thể có thành tựu.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta “quang đại” những truyền thống của Phật giáo, làm đúng theo giáo dục của Phật Đà thì chúng ta mới có thể tự lợi, lợi tha. Chúng ta khởi tâm động niệm nghĩ đến chính mình chính thì đây là chúng ta đang mê. Chúng ta mỗi niệm hy vọng lợi ích chúng sanh thì chúng ta là người giác ngộ. Hiện tại, chúng ta hoằng dương pháp môn Tịnh Độ, giúp đỡ chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đây là chúng ta chân thật giác ngộ một cách triệt để”. Quang đại” là chúng ta làm sáng rực rỡ. Hai việc “tự lợi”, “lợi tha” phải luôn song hành, tương bổ, tương thành cho nhau. Chúng ta mang giáo dục Thánh Hiền để giúp mọi người có đời sống an vui, hạnh phúc vẫn chưa đủ, chúng ta phải giúp người thoát khỏi sinh tử luân hồi, đây mới là chúng ta triệt để giác ngộ. Chúng ta muốn mọi người tin vào pháp môn Tịnh Độ thì chúng ta phải làm ra biểu pháp cho mọi người nhìn thấy. Chúng ta chỉ nói mà không làm ra chuẩn mực thì chúng ta không thể thuyết phục được mọi người.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải chân thật kính trọng, ái hộ những người xuất gia. Nếu chúng ta là người thân quen, bạn đồng tu mà chúng ta nhìn thấy họ có sai lầm thì chúng ta phải dùng giới luật, dùng Phật pháp để nhắc nhở họ phản tỉnh, thay đổi, tự làm mới”. “Người xuất gia” chính là một hình tượng đại diện của Tam Bảo, chúng ta phải kính trọng hình tượng của Tam Bảo, nếu hình tượng Tam Bảo không còn ở thế gian thì Phật pháp không thể tồn tại. Chúng ta nhìn thấy người xuất gia có việc làm sai lầm thì họ lại mang tâm phỉ báng, chúng ta làm như vậy thì chúng ta đã tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp. Nhà Phật nói: “Phật Bồ Tát thành nhân chi mỹ bất thành nhân chi ác”. Chúng ta chỉ thành tựu việc tốt, làm những việc giúp cho người được tốt hơn. Nếu người mắc lỗi mà có thể phản tỉnh thì chúng ta hoan nghênh tiếp nhận. Người xưa đã nói: “Nhân phi Thánh Hiền, thục năng vô quá, quá vật đan cải, thiện mạc đại yên”. Con người không phải là Thánh Hiền, chúng ta là phàm phu chúng ta không thể tránh khỏi sai lầm.