47Chủ Nhật, 25/02/2024, 21:15
46 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 46

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 26/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 46

Bài học hôm qua, Hòa Thượng dạy chúng ta, người học Phật khởi tâm động niệm không vì người thì họ chính là người đang mê muội. Nếu chúng ta mỗi niệm đều vì mình thì đó là chúng ta chưa hiểu về luật nhân quả. Hòa Thượng nói: “Trong vòm trời này nhân quả không sót lọt một mảy may”. Nhân quả không sót lọt một mảy may có thể hiểu là chúng ta sẽ không bị mất đi phước cũng như không thể tránh được tội.

Trong bài học hôm qua Hòa Thượng cũng nói, chúng ta là đệ tử Phật, chúng ta sống ở quốc gia nào thì chúng ta phải tuân thủ pháp luật ở quốc gia đó, chúng ta tuân thủ pháp luật chính là chúng ta giữ giới. Một vị tỳ kheo nếu phá giới sẽ đọa địa ngục A Tỳ; Một vị A-La-Hán khi nhớ lại những lần mình đã bị đọa địa ngục thì toàn thân sẽ toát mồ hôi máu. Chúng ta đã từng ở trong Địa ngục nhưng chúng ta đã quên nên chúng ta không có cảm giác sợ này.

Hòa Thượng nhắc chúng ta “Năm đức”, “Sáu phép hòa” là nền tảng, là căn bản của giới luật của người học Phật, chúng ta không hoà thì chúng ta đã phá giới. Chúng ta bất hoà thì chúng ta đã phá hoà hợp tăng, phá hoà hợp của đoàn thể. Chúng ta phá hoại một đoàn thể thì tội của chúng ta nặng hơn rất nhiều so với việc chúng ta phạm một giới cấm. Thí dụ, chúng ta lấy tiền của một, hai người thì chúng ta dễ trả, chúng ta lấy tiền của cả một quốc gia thì chúng ta vô cùng khó trả. Hòa Thượng từng nói: “Một hạt cơm của thí chủ nặng như núi Tu Di”. Rất nhiều người cúng dường, quyên góp cho chúng ta đồng tiền, bát gạo, chúng ta sử dụng những thứ này không thỏa đáng thì chúng ta phải trả lại cho rất nhiều người. Chúng ta không cố gắng tu hành, một đời không liễu đạo, giải thoát thì chúng ta phải “mang lông, đội sừng” để trả nợ áo cơm!

Chúng ta là người sống ở thế gian, mỗi chúng ta đều mang bốn ân nặng là ân Quốc gia, ân Cha Mẹ, ân Phật, ân những người thành toàn cho mình. Thí dụ, quốc gia hỗ trợ học phí cho giáo viên mầm non, tiền này do dân trong cả quốc gia đóng thuế, chúng ta không làm tốt vai trò của một cô giáo thì chúng ta nợ nhân dân cả nước. Chúng ta ăn cơm của Cha mẹ, chúng ta được Quốc gia đã tài bồi, được Thầy Cô dạy dỗ, được rất nhiều người giúp đỡ mà chúng ta không làm tốt vai trò của mình thì chúng ta cũng đã đáng đọa Địa ngục!

Nhiều người con không biết công ơn của Cha mẹ, khi họ mang thai, nuôi dưỡng con thì họ mới cảm nhận được ơn đức của Cha mẹ. Công Mẹ mang thai chín tháng mười ngày, ba năm bồng ẵm, nuôi dưỡng, cả cuộc đời quan tâm đến chúng ta, nếu chúng ta không hoàn thành vai trò của người con thì chúng ta đã đáng đọa Địa ngục!

Hòa Thượng nói: “Cổ Thánh Tiên Hiền dạy chúng ta phải buông bỏ thành kiến bởi vì tất cả những tranh chấp đều đến từ chấp trước kiên cố của chính mình”. Nếu chúng ta cùng thấy, cùng hiểu, cùng biết với cộng đồng, đoàn thể thì chúng ta sẽ không có tranh chấp. Chúng ta khởi tâm dành lợi cho mình thì tâm chúng ta sẽ nghĩ ra mọi cách để chiếm lợi. Chúng ta biết nhường thì tâm chúng ta thong dong, tự tại.

Hòa Thượng nói, việc của người ta phải làm nhưng họ để chúng ta làm thì chúng ta phải cảm ơn họ. Điều này giống như chúng ta làm việc tăng ca, chúng ta làm vai trò của mình thì chúng ta được một phần công, chúng ta làm việc của người thì chúng ta được hai, ba phần công thậm chí là còn nhiều hơn. Chúng ta có tâm cảnh này thì chúng ta sẽ không có thái độ oán trách người. Chúng ta buông bỏ đi cách thấy, cách biết của riêng mình, tâm chúng ta sẽ tự tại.

Người xưa kể câu chuyện, khi nhà vua tặng mỗi người đỗ Tiến sĩ một con dê, mọi người đều tranh giành con dê to béo, chỉ có một vị Tiến sĩ chọn cho mình con dê gầy nhất. Vị Tiến sĩ này đã được người đời sau ghi nhớ và gọi là “Tiến sĩ dê gầy”. Có những người khi đi chợ mua trứng, họ so sánh từng quả để chọn được quả trứng to hơn. Chúng ta bị tâm “tham” sai sử thì chúng ta sẽ trở nên thấp hèn. Hòa Thượng từng nói: “Khi con người đạt đến chỗ không mong cầu thì phẩm đức, giá trị của họ tự nâng cao”.

Hôm qua, một số người đến chỗ tôi, họ muốn có được lợi nên họ tìm tôi, họ là chủ một doanh nghiệp, doanh nghiệp của họ sở hữu một khu du lịch lớn, ngày trước, khi tôi mua cà-phê, nhân viên của họ đến giao cà-phê cho tôi, tôi nhắn với anh là, chúng ta có quy trình trồng rau sạch, bên họ nên trồng rau sạch để nhân viên ăn. Người chủ được nhận rau sạch, họ cảm thấy rất vui nên họ muốn đến tham quan vườn rau của tôi. Tôi nói với họ là, họ về quy hoạch một khu đất, chúng ta sẽ cử người đến tính nguyên vật liệu, thiết kế, hướng dẫn cách làm hoàn toàn miễn phí. Khi họ ra về, trước cổng nhà tôi có hai quả mướp rất đẹp, hai quả mướp như đang chào đón khách, tôi đã tặng thêm những quả mướp này cho họ. Tôi nói: “Hôm nay, có dịp để tặng quà nên tôi sẽ tặng luôn!”. Khi họ nhìn thấy chúng ta đang làm bánh ú, tôi hướng dẫn họ cách làm bánh và nấu một chiếc bánh mời họ. Tôi nói với bà chủ doanh nghiệp: “Trong cuộc đời này không phải ai cũng tham, có nhiều người có tâm Bồ Tát, những người này đang ở khắp mọi nơi để cứu giúp những người nghèo khó! Chúng ta không nên có tâm ngờ vực cuộc đời!”. Tôi muốn nhắn nhủ họ, nếu chúng ta có khả năng thì chúng ta nên giúp đỡ mọi người. Họ có ý định làm vườn rau để cho du khách vào check-in, tôi nói, nếu vườn rau có nhiều người vào thì vườn rau sẽ bị nhiễm khuẩn. Chúng ta sẽ hỗ trợ họ nếu họ hứa là, họ làm vườn rau chỉ để tặng, không bán.