43Thứ Năm, 22/02/2024, 10:24
44 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 44

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 22/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 44

Những lời giáo huấn của Hòa Thượng đều giúp chúng ta nhận ra tập khí của chính mình. Hòa Thượng đã nói những lời này từ 20 năm thậm chí từ 70 năm trước, người xưa luôn hết lòng hết dạ dặn bảo chúng sanh. Bài học hôm trước Hòa Thượng dạy chúng ta, đệ tử Phật hoằng dương giáo huấn của Phật thì phải có tâm, nguyện, giải, hành, tương ưng với Phật Bồ Tát thì chúng ta được Tam Bảo gia trì, Long Thiên Thiện Thần ủng hộ. Chúng ta được Tam Bảo gia trì, Long Thiên Thiện Thần ủng hộ thì chúng ta làm mọi việc đều sẽ hanh thông. Nếu chúng ta làm việc bằng tập khí của mình thì chúng ta chỉ nương vào tự lực mà không có tha lực. Hòa Thượng từng nói, căn tánh, thể lực, đức hạnh, năng lực của chúng sanh thời hiện đại yếu kém, nếu chúng ta chỉ dựa vào sức của mình thì chúng ta sẽ gặp nhiều chướng ngại. Ngày trước, Phật và Tăng đoàn thường ngủ dưới gốc cây, thời tiết ở Ấn Độ rất khắc nghiệt, với cơ địa của chúng ta ngày nay thì chúng ta không thể làm được điều này.

Chúng ta cầu Tam Bảo gia trì, Long Thiên Thiện Thần ủng hộ bằng cách chúng ta khởi được tâm, nguyện, giải, hành tương ưng với Phật Bồ Tát, Thánh Hiền. Trước đây, khi Hòa Thượng vừa nghĩ đến thành lập trung tâm giáo dục “Đệ Tử Quy” thì có một người đã một số tiền rất lớn đến đủ để làm việc này.

Hòa Thượng từng nói, khi chúng ta làm được những việc như xây dựng đạo tràng, xây chùa, làm lợi ích chúng sanh thì chúng ta cũng không nên khởi tâm lưu luyến. Chúng ta dính mắc vào những việc này thì chúng ta đã mất đi tâm thanh tịnh. Chúng ta đến nơi đâu, chúng ta cũng không nên nghĩ đến việc chiếm lợi của người, chúng ta muốn chiếm lợi thì chúng ta sẽ phải tranh giành với mọi người. Hòa Thượng dạy, người khác tranh danh vọng, tiền tài vật chất thì chúng ta nên nhường. Hòa Thượng nói: “Chúng ta học Phật là chúng ta đã bằng lòng làm người thiệt thòi”. Nếu chúng ta cảm thấy hoàn cảnh không phù hợp thì chúng ta nên tránh duyên. Chúng ta tưởng mình có công phu cao nhưng chúng ta chưa độ được người thì chúng ta đã bị người độ. Tôi đi bôn ba khắp nơi nhưng khi xong việc tôi quay trở về nơi này, nếu mọi người muốn đến đây thì tôi thường từ chối.

Hòa Thượng nói: “Người ở trên giảng tòa giảng Kinh, nói pháp, giảng chuẩn mực Thánh Hiền không phải để giáo huấn người khác mà người giảng phải y theo giáo huấn mà làm, cùng đồng phản tỉnh, nỗ lực thay đổi tự làm mới”. Chúng ta làm công tác giáo dục chính là chúng ta giáo dục chính mình. Chúng ta lấy lời giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền giảng giải để chúng ta phản tỉnh chính mình, việc người khác phản tỉnh, thay đổi hay không là việc của người, chúng ta không cưỡng cầu.

Hiện tại, thời tiết ở Đà Lạt, buổi sáng là khoảng 13 độ, buổi trưa nhiệt độ tăng lên hơn 30 độ, thời tiết thay đổi khắc nghiệt như vậy thì người học Phật chúng ta phải phản tỉnh. Người xưa đã nói: “Cảnh tùy tâm chuyển” hay “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”. “Chánh báo” làm tâm chúng ta. “Y báo” là hoàn cảnh xung quanh. Hòa Thượng từng nói: “Một niệm thiện hay một niệm bất thiện khởi lên thì châu biến pháp giới”. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta không “oán trời, trách người” mà chúng ta phải phản tỉnh chính mình.

Hòa Thượng nói: “Người làm công tác giảng dạy là người chân thật đạt được lợi ích. Mỗi lần chúng ta giảng thì chúng ta phản tỉnh, kiểm điểm một lần”. Sau khi dậy học hơn 1200 giờ, tôi có được thọ dụng rất lớn, mỗi lần thức dậy, tôi đều nhìn đồng hồ, tôi tự đặt ra nguyên tắc cho mình, nếu khi tôi thức dậy, đồng hồ chỉ 2 giờ 59 phút thì tôi có thể đi ngủ tiếp, nếu đồng hồ chỉ 3 giờ 01 phút thì tôi sẽ dạy ngay. Chúng ta đứng lớp để dạy học, chúng ta làm ra biểu pháp trong cuộc sống hằng ngày cũng là chúng ta đang giảng dạy người.

Hòa Thượng nói: “Trong cuộc sống kinh nghiệm là quan trọng, khi chúng ta trải nghiệm, chúng ta phải tranh thủ nắm bắt cơ hội, môi trường để rèn luyện”. Một người làm một việc bừa bộn thì họ sẽ làm mọi việc đều bừa bộn, người làm một việc tươm tất thì họ sẽ làm mọi việc tươm tất. Thí dụ, khi chúng ta dùng nồi để nấu thức ăn xong, chúng ta thường không rửa luôn mà chúng ta dùng nước ngâm đây là do chúng ta có tâm bừa bộn. Chúng ta làm việc nhỏ như vậy thì việc lớn chúng ta cũng sẽ làm như vậy. Hằng ngày, khi chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật đây đều là cơ hội để chúng ta tự hoàn thiện chính mình.