47Thứ Tư, 21/02/2024, 19:33
43 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 43

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 21/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 43

Người học Phật nếu đạt được tâm nguyện giải hành tương ưng với Phật thì sẽ không gặp chướng ngại đối với pháp thế gian và xuất thế gian, dù chưa học giảng Kinh mà vẫn giảng được tốt. Trong quá trình hoằng pháp, phải khéo léo khiến người nghe hoan hỉ thì họ mới bằng lòng tu học. Khi đi hoằng pháp cần giữ ba nguyên tắc mà Hòa Thượng chỉ dạy thì pháp duyên sẽ thù thắng.

Hòa Thượng nói: “Chỉ cần tâm nguyện giải hành tương ưng với Phật Bồ Tát thì cho dù chúng ta không học giảng Kinh vẫn có thể giảng được tốt. Tâm địa của Phật thanh tịnh, chân thành, rộng lớn, từ bi cho nên chúng ta phải chăm chỉ học tập tâm nguyện giải hành của Phật.

“Làm được như vậy thì chúng ta đều không có chướng ngại đối với tất cả thế gian pháp hay xuất thế gian pháp. Nếu tâm hạnh của chúng ta không tương ưng thì không cách gì có thể vào sâu được cảnh giới của Phật.

Hòa Thượng muốn nói rằng nếu chúng ta không chăm chỉ học tập khiến tâm hạnh của mình không tương ưng với tâm nguyện giải hành của Phật thì chúng ta không thể cảm nhận sâu sắc lời Phật nói trên Kinh. Nếu tương ưng thì cho dù không học giảng Kinh thì vẫn giảng được.

Người đó với bề ngoài có vẻ không phải là một nhà thông thạo nhưng hành động thể hiện lại giống như Phật Bồ Tát làm. Hòa Thượng Hải Hiền là một ví dụ cho lời nói này của Hòa Thượng. Ngài là một lão nông không biết chữ, không biết làm pháp sự đạo tràng nhưng mọi việc của Ngài đều “vì chúng sanh mà lo nghĩ”.

Hòa Thượng Tịnh Thuận ở Tổ Đình Phước Hậu cũng vậy. Ngài như một lão nông giản dị. Tuy đứng đầu Tổ đình nhưng chỉ xem mình là học trò nên căn dặn mọi người sau khi Ngài mất, không cần cúng giỗ, làm tuần thất và không quàng thân xác này ở tổ đường mà ở nơi học đường. Ngài đã làm ra biểu pháp khiêm cung. Ngài từng nói: “Đừng tu quanh tu quẹo, đừng tu lợi tu danh, đừng tu dục tu tình, đừng tu gian tu dối”.

Hòa Thượng khẳng định chỉ cần tâm nguyện giải hành của chúng ta tương ưng với Phật Bồ Tát thì chúng ta sẽ không có chướng ngại đối với tất cả các pháp thế gian và xuất thế gian. Chướng ngại là ở nơi mình. Hòa Thượng là minh chứng cho điều này. Ngài mới học hết trung cấp nhưng những lời Kinh pháp Ngài để lại có lẽ học đến hai đời mới hết.

Hòa Thượng lại dạy: “Đối với những người chưa biết hoặc những nhân sĩ có sự hiểu lầm đối với Phật pháp thì khi chúng ta nói Phật pháp, chúng ta nên tận lực tránh đi danh tướng (hình thức) vì như thế càng làm người ta ngộ nhận sâu hơn đối với Phật pháp. Ví dụ chúng ta không nên nhắc đến Phật, Bồ Tát với họ mà nói đến cách hiểu thế nào cho chính xác mối quan hệ giữa con người đối với vũ trụ nhân sanh.

Ý Hòa Thượng là đối với người chưa tin ưa hoặc hiểu lầm về Phật pháp thì chúng ta không nên nói suông mà thiên về thật làm, lại càng không nói đến cảm ứng và sự thù thắng của việc học Phật vì họ sẽ thêm hiểu lầm. Chúng ta sẽ nói với họ về việc con người làm thế nào nhận biết được vũ trụ nhân sinh? Làm thế nào để đối đãi phù hợp trong mối quan hệ giữa người với người, người với đại tự nhiên và người với quỷ thần.

Hòa Thượng nói “Khi chúng ta giới thiệu Phật pháp cho người thì làm sao để họ sanh tâm hoan hỉ tiếp nhận Phật pháp, tiếp theo họ bằng lòng tu học Phật pháp”. Chúng ta cần có trí tuệ mới có thể áp dụng được cách thức khéo léo trong tiếp cận với chúng sanh. Ví dụ như việc chúng ta gói bánh ú cúng dường khiến mọi người đều vui và ấn tượng từ đó họ tìm hiểu những con người này là ai, họ học gì, nghe gì? Chúng ta hết sức dụng tâm tinh cần, mật thiết, kỹ lưỡng chứ không tùy tiện thì chắc chắn việc làm của chúng ta sẽ cảm ứng được mọi người.

Hòa Thượng dạy: “Đối với bất cứ đạo tràng nào cũng không nên lưu luyến. Nơi nào có nhân ngã thị phi thì nơi đó không có thanh tịnh, vì thế, cho dù một bộ Kinh giảng chưa xong ở đó thì cũng không cần phải giảng viễn mãn. Quan trọng nhất là phải giữ gìn thân tâm mình thanh tịnh.

Lời dạy này của Hòa Thượng có liên quan đến một sự việc là khi Ngài đang giảng Kinh Lăng Nghiêm nhưng nơi đó bỗng xảy ra tranh chấp, Hòa Thượng bạch hỏi Thầy Lý Bỉnh Nam thì được Thầy khuyên là không giảng nữa mà đi về. Giảng nữa cũng không lợi ích vì họ không nghe.