42Chủ Nhật, 11/02/2024, 21:33
32 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 32

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 10/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 32

Người học Phật không vướng bận trong thuận hoặc nghịch cảnh thì đạo nghiệp sẽ thành tựu. Nếu có thể tuân thủ chuẩn mực của Phật Bồ Tát Thánh Hiền, tích cực tu phước huệ thì mọi sự sẽ tốt đẹp. Nếu lật ngược mọi quy tắc thì lòng người bất an. Trong hành trình cuộc đời, luôn phải xét mình đang hộ trì hay đang chướng ngại chánh pháp.

Hòa Thượng nói: “Đối với tất cả người, sự vật, sự việc, trong thuận cảnh hay nghịch cảnh đều không nên vướng bận thì đạo nghiệp tự nhiên sẽ thành tựu, chướng duyên có thể được tiêu trừ.

Không luận là thân bằng quyến thuộc ở thế gian hay pháp quyến xuất thế gian thì cũng đều có bệnh. Năm xưa Đề Bà Đạt Đa ở thế gian là anh em cùng cha khác mẹ, xuất gia là quan hệ Thầy trò với Phật. Thế nhưng Đề Bà Đạt Đa nơi nơi chốn chốn đều chướng ngại Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng ta nhận rõ chân tướng sự thật này thì tâm của chúng ta chỉ an trụ nơi đạo nghiệp.”

Hòa Thượng dạy rất sâu sắc rằng các mối nhân duyên với thân bằng quyến thuộc hay pháp quyến đều là chướng ngại đạo nghiệp của chính mình. Cho nên Hòa Thượng khuyên chúng ta đặt tâm an trụ nơi đạo nghiệp.

Ngài tiếp lời: “Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện tám tướng thành đạo giảng Kinh nói pháp cũng giống như diễn một màn kịch có mặt trái, mặt phải là để giáo hóa chúng sanh. Ví dụ A Nan thỉnh Phật giảng Kinh nói pháp chính là làm ra tấm gương. Đề Ba Đạt Đa nơi nơi chốn chốn đều phá hoại Phật pháp cũng là đại nguyền thị hiện, từ nơi phản diện mà nhắc nhở chúng sanh rằng việc này chắc chắn chúng sanh sẽ gặp hoặc là thuận cảnh hoặc nghịch cảnh.

Sự thị hiện cho thấy có A Nan cần cầu, hộ trì Phật pháp thì cũng có Đề Bà Đạt Đa luôn chướng ngại Phật pháp. Từ điểm này chúng ta có thể suy rộng ra ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta đừng nghĩ rằng việc gì ở thế gian cũng dễ dàng đi đến thành tựu. Mọi việc chúng ta thấy chu đáo mọi bề nhưng rồi sẽ có Đề Bà Đạt Đa đến để chướng ngại.

Vậy chúng ta học thì phải biết quán chiếu xem mình là A Nan hay Đề Bà Đạt Đa. Hòa Thượng đưa ra hai nhân vật với A Nan chúng ta xem là chánh diện và Đề Bà Đạt Đa xem là phản diện. Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta đang là chánh diện hay phản diện. Trong vô tình chúng ta đang ở mặt phản diện mà không biết.

Nếu nghĩ rằng chúng ta đang ở mặt chánh diện thì không có đâu! Vì sao vậy? Vì tập khí phiền não sâu dày luôn trực chờ dấy khởi để khiến chúng ta cũng háo danh háo vọng, “tự tư tự lợi”, thỏa mãn “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. Chỉ cần một giọt nước là tràn ly. Khi nước tràn thì không bao giờ tràn một giọt mà tràn đi rất nhiều giọt nước.

Do vậy, Hòa Thượng mới chỉ dạy rằng một khi đã hiểu rõ chân tướng này rồi thì tâm của chúng ta chỉ an trú nơi đạo nghiệp. Đối với người, đối với việc hay đối với vật cho dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh cũng không hề bận tâm thì đạo nghiệp tự nhiên sẽ thành tựu. Chúng ta thấy các bậc tổ sư đại đức ra ngoài một thời gian thì luôn rút về nơi thâm sơn cùng cốc để ẩn tu, an trú nơi đạo nghiệp chính là vì các Ngài thấy nhân duyên thời tiết chưa đến, không thể thay đổi được cục diện.

Hòa Thượng nói: “Tất cả pháp đều không rời khỏi nhân duyên, Phật pháp cũng đều là như vậy. Đợi đến khi nhân duyên của chúng sanh chín muồi sẽ cảm ứng được chư Phật Bồ Tát đến để thị hiện nói pháp và giúp đỡ chúng sanh”. Chính vì lý do này nên chúng ta không cần cưỡng cầu, đủ duyên thì Phật Bồ Tát sẽ đến, chưa đủ thì các Ngài không đến mà cũng không có long thiên hộ pháp hỗ trợ.

Hòa Thượng dạy: “Người xưa đối nhân xử thế tiếp vật đều có chừng mực, có quy củ nhất định. Cho nên Khổng Lão Phu Tử nói: “Tuy Bách Thế Khả Tri Giả” - cho dù trải qua trăm đời đều biết rõ chuẩn mực để làm theo. Có những thời đại, có những quốc vương duy trì được 800 năm là vì tuân thủ theo lễ đó, theo chuẩn mực đó”.

Hòa Thượng rất trí tuệ nên không dùng Phật pháp mà dùng lời nói của Khổng Lão Phu Tử để đưa ra tiêu chuẩn khuyên dạy chúng ta. Vì sao vậy? Vì Phật pháp quá cô đọng sâu sắc, chúng ta không có cách nào thể hội được. Do đó, thông qua lời dạy của người xưa hay chuẩn mực Thánh Hiền, chúng ta mới hiểu được Phật pháp. Chúng ta không tự mình quay về được năm tánh đức mà Hòa Thượng dạy là “Chân thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh giác, Từ bi”, tuy nhiên, nhờ lời dạy của Thánh Hiền chúng ta mới hiểu rõ hơn.