48Thứ Năm, 08/02/2024, 18:56
30 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 30

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 08/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 30

Người học Phật cho dù đến thế gian để “báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ” thì phải làm sao để mình luôn là báo ân. Chúng ta không kết oán thù với ai hoặc cố gắng mang oán thù biến thành ân tình và biết rộng kết pháp duyên thì thân tâm mới thanh tịnh. Nếu như biết bố thí Phật pháp rộng đến chúng sanh thì người học Phật có thể cải tạo được vận mệnh.

Hòa Thượng nói: “Khi tu bố thí, chúng ta bố thí Phật pháp sẽ giúp mình thu hoạch mau chóng và nhiều nhất. Quan trọng là làm sao Phật pháp được lưu thông, phát triển được rộng khắp, làm sao có thể giới thiệu được tới tất cả chúng sanh.

Bố thí Phật pháp không chỉ là in Kinh sách mà chúng ta mở lớp học trực tuyến, trực tiếp, lớp Trải nghiệm sống cũng là bố thí Phật pháp thời hiện đại. Ngày xưa, Hòa Thượng chỉ dạy việc in Kinh và làm băng đĩa nhưng băng đĩa bây giờ không ai xem, đầu máy không còn sử dụng nữa.

Muốn bố thí Phật pháp rộng khắp thì chúng ta phải biết hiện đại hóa, bổn thổ hóa. Khẩu giáo không bằng thân giáo. Cứ thực hành chuyên nhất làm ra tấm gương một thời gian dài lâu thì thế gian gọi là thương hiệu, đặc sản. Chúng tôi đi đến đâu không cần giới thiệu nhưng người ta vẫn biết chúng tôi chuyên tu Tịnh Độ, chỉ niệm Phật, chỉ nghe pháp Hòa Thượng Tịnh Không và làm giáo dục.

Hòa Thượng phân tích: “Đem Phật pháp mà lưu thông phổ biến rộng khắp thì ba loại bố thí gồm Tài Thí, Pháp Thí, Vô Úy Thí đều đầy đủ viên mãn. Cho nên đây là biện pháp để cải tạo vận mệnh nhanh nhất mà hiệu quả. Con người sống ở đời, không ngoài bốn duyên: Báo ân, báo oán, đòi nợ, trả nợ đời đời kiếp kiếp tiếp nối nhau không bao giờ ngừng dứt.Từng đời từng đời kết oán càng ngày càng sâu hơn. Ân tình sẽ biến thành oán hận.”

Trong vô tình hoặc hết sức tình cờ, mình có thể kết oán với người. Cho nên phải hết sức thận trọng! Đừng để ân tình biến thành oán thù. Cố gắng mang oán thù biến thành ân tình. Tuy vậy, ở thế gian ân tình dễ dàng biến thành oán thù, còn oán thù rất khó biến thành ân tình.

Vì sao Hòa Thượng nói như vậy? Vì con người ở thế gian luôn “tự tư tự lợi”, tham cầu chiếm lợi nên không thể tạo ân tình, không thể biến oán thành ân. Chúng ta đã hiểu rồi thì phải nỗ lực đừng để ân tình biến thành oán thù mà phải đem oán thù chuyển biến dần thành ân tình.

Phương pháp để chuyển hóa nhanh nhất, hiệu quả nhất là tích cực tặng quà. Việc cho đi bằng tấm lòng “chân thành” thì oán thù dù nặng cỡ nào cũng làm cho người ta cảm động. Người oán thù hay yêu thương mình đều theo dõi mình từng chút một, vậy thì, mình sẽ tích cực làm những việc hy sinh phụng hiến để thông qua đó mà cảm động họ.

Chúng ta cũng cần hiểu cho đúng thế nào là giới thiệu Phật pháp đến cho mọi người? Phật pháp có câu: “Thế gian pháp cũng chính là Phật pháp”. Nếu cho rằng phổ biến Kinh sách mới là giới thiệu Phật pháp thì cách hiểu này chưa tới. Vì sao vậy? Vì căn cứ ở sự dụng tâm. Nếu dùng tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi, vô tư vô cầu thì thế gian pháp cũng biến thành Phật pháp. Chúng ta thúc đẩy chuẩn mực Thánh Hiền, thúc đẩy thuần phong mỹ tục cũng là Phật pháp. Nếu phổ biến Phật pháp với tâm không chân thành, tâm mưu cầu lợi lộc thì Phật pháp đã biến thành thế gian pháp.

Con người đến thế gian với bốn nhân duyên báo ân, báo oán, đòi nợ và trả nợ thì cho dù là duyên nào, chúng ta phải biến mình trở thành người đến thế gian để báo ơn. Báo ơn Phật, ơn Cha Mẹ, ơn Tổ quốc, ơn chúng sanh.

Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta rằng: “Oán hận rất khó biến thành ân tình. Sự việc vui sẽ biến thành khổ đau. Khổ đau mãi mãi không biến thành việc vui. Vì vậy trên Kinh, Phật đã nói tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới) là thống khổ”.

Chúng ta lúc nào cũng tham cầu “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”, muốn thỏa mãn “năm dục sáu trần” thì làm sao oán thù có thể biến thành ân tình, thậm chí oán thù càng thêm chồng chất. Phải hết sức cẩn trọng vì trong vô tình, chỉ cần mình muốn chiếm chút lợi nhỏ là đã có thể kết oán với chúng sanh.

Mình lái xe ra đường mà biết nhường thì tự nhiên mình sẽ tạo được cái ân, nếu không nhường chỉ muốn hơn thì đã tạo thành oán. Cho nên tu phước hằng ngày không hề khó khăn mà từ những việc nhỏ cũng có thể tu phước. Xe to đằng trước mà không nhường thường làm xe đi sau rất tức giận. Nhưng nếu nhường thì họ cảm ơn ngay bằng những cái gật đầu.