41Thứ Tư, 07/02/2024, 19:44
29 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 29

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 07/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 29

Trong thế giới động loạn hiện nay, người học Phật cần nhẫn nại mới an định, lúc ấy mới giải quyết mọi vấn đề một cách hanh thông. Nếu gặp nghịch duyên thì phải biết ẩn mình, luôn nghĩ rằng không có thứ nào trên thế gian là chân thật thì tâm sẽ được bình lặng. Đặc biệt, cần phải biết tu thiện, tích phước thì ở trong mọi hoàn cảnh đều tự tại.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đang ở trong thế giới đầy bất an, động loạn cho nên chữ nhẫn là vô cùng quan trọng. Càng động loạn thì càng cần có sự nhẫn nại. Nhẫn nại thì thân tâm mới được an định. Đầu óc tường tận rõ ràng nhưng bình lặng. Có như vậy chúng ta xử lý sự việc sẽ vô cùng hợp lý.

Chúng ta luôn phạm phải điều này vì làm việc luôn vội vàng không có tâm nhẫn nại chờ thời cơ phù hợp. Người xưa ngồi đó câu cá nhưng có dây câu mà không có lưỡi câu. Đó là cách người xưa chỉ dạy chúng ta phải biết chờ đợi thì làm sẽ không sai. Tuổi trẻ thường nóng vội, không suy xét chín chắn nên Thầy Thái từng dạy rằng lúc trẻ ham chơi cho nên đến lúc gặp việc thì lúng túng không biết cách làm.

Người xưa có câu: “Sống đến già, học đến già, học cũng không hết”. Không chỉ học kiến thức mà còn học những thường thức để giúp ích cho mọi người. Khi còn trẻ đầu óc minh mẫn thì không nỗ lực cố gắng đến khi tuổi trẻ đi qua rồi, đầu óc lờ mờ, thân thể nhiều bệnh thì mọi sự đã khó càng thêm khó hơn.

Hòa Thượng chỉ dạy: “Trung tâm tư tưởng của Khổng Lão Phu Tử chính là trung hòa. Chỗ này tương ưng với Phật pháp chính là tùy duyên. Có thể tùy duyên thì chính là người có đại trí tuệ.” Nhiều người hiểu sai về chữ “tùy duyên”. “Tùy duyên” nghĩa là tùy thuận căn tánh của chúng sanh, tùy thuận giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền chứ không phải tùy thuận tập khí của chính mình.

Nếu đến giờ học nhưng có người rủ đi chơi rằng: “Hôm nào học chẳng được, sẵn hôm nay đi chơi thì tùy duyên đi luôn đi”. Đó không phải là tùy duyên mà là tùy thuận tập khí phiền não của mình. Đa phần mọi người hiểu sai, làm sai nên đến hết đời họ sẽ nhận kết quả sai.

Hòa Thượng giải thích thêm: “Khi gặp thuận cảnh, có người trọng dụng chúng ta, có nơi để chúng ta hy sinh phụng hiến thì nên tận tâm tận lực mà làm. Còn nếu như nghịch duyên thì phải ẩn mình. Tuyệt đối không tự mình làm ra biểu hiện.

Nếu tự mình làm ra biểu hiện chứng minh bản thân thì đều nhận những kết quả không tốt vì hành động đó là cưỡng cầu. Mà cưỡng cầu là sai nên càng thêm sai. Mình không đủ năng lực, đức hạnh để có thể gánh vác mà mình tự đặt mình vào vị trí đó thì nhất định sẽ sai.

Hòa Thượng nói: “Người thông thường có một chút tài hoa thì vội vàng biểu hiện, không biết ẩn mình luôn luôn làm ra vẻ để khoe khoang thì cho dù có làm được việc gì đó thì chỉ là phước báu.” Còn nếu không làm được việc thì sẽ tổn âm đức của mình. Chỗ đứng càng cao thì việc sai sót càng lớn dẫn đến tổn hại càng lớn.

Hòa Thượng nói: “Người có trí tuệ mới hiểu được chữ tùy duyên và càng thấu hiểu ý nghĩa của chữ “Tàng”. Người xưa tu hành chính mình có thành tựu mà nếu có pháp duyên thì đi hoằng pháp lợi sanh, tận tâm tận lực vì chúng sanh phục vụ còn nếu không có pháp duyên thì ẩn sâu vào trong núi, nơi chốn tịch tĩnh để chính mình tĩnh tu. Đây chính là “Tàng”.

Chúng ta thấy người chân thật có đức hạnh tài năng thì luôn thu mình còn ngược lại, thế gian gọi là “Thùng rỗng kêu to”. Hòa Thượng đưa ra lời giáo huấn này là nêu lên đúng căn bệnh của tất cả chúng sanh, trong đó có chúng ta, luôn là “Tự dĩ vi thị” tự cho mình là đúng, là được lắm rồi. Tuy nhiên, mọi người xung quanh lại thấy chúng ta không được nên chúng ta rất bực dọc. Nếu tinh ý thì khi có ý niệm bực dọc mình sẽ phản tỉnh ngay rằng chính tâm bực dọc này cho thấy mình chưa được gì cả.

Hòa Thượng nói: “Thế gian pháp và xuất thế gian pháp đều không thể không có phước báu. Người lãnh đạo thì cần có đại phước báu cho dù họ đang dẫn dắt một đoàn thể nhỏ. Nếu không có phước báu thì cho dù chúng ta đã được ngồi vào vị trí đó thì không ngồi được dài lâu.