43Thứ Tư, 07/02/2024, 14:34
28 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 28

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 06/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 28

Thúc đẩy “Văn Hóa Truyền Thống” là việc cấp bách vì văn hóa là cội nguồn của hạnh phúc, là nền tảng của nền tảng để xây dựng Phật pháp tại nhân gian. Nếu phế bỏ “Văn Hóa Truyền Thống” thì con người chỉ coi Phật pháp là tôn giáo để ỷ nại nương nhờ và cầu xin chứ họ không hiểu rằng Phật pháp là giáo dục đưa con người từ phàm phu đến thành Phật.

Đây là nội dung bài học Tịnh Không Pháp Ngữ hôm qua mà đến hôm nay vẫn đong đầy cảm xúc trong chúng ta. Người thật tu, thật học, thật làm khi nghe những lời dạy của Hòa Thượng sẽ cảm thấy rất thiết thực. Ngược lại, không thật tu học, không thật làm, chỉ ảo danh ảo vọng thì cho là không cần thiết.

Ngài khẳng định một thực tế rằng người ấn tống Kinh sách, băng đĩa thiện và làm từ thiện xã hội thì nhiều mà người kết nối “Văn Hóa Truyền Thống”, làm công tác cấp cứu này thì lại rất ít.

Nguyên nhân vì thiếu lòng tin. Nếu chúng ta tin thì chúng ta sẽ nghe lời Phật dạy chứ không nghe theo lời dụ dỗ hay học thuyết của những nhóm người rêu rao về sự yêu thương, sự “chữa lành” mà thực chất chỉ là lừa đảo lấy tiền của chúng sanh.

Chúng ta phải nhớ rằng nếu ở thế gian này có bất kỳ học thuyết nào hay người nào đó đứng ra giải quyết được mọi việc cho chúng sanh đặc biệt về vấn đề sanh tử thì Thích Ca Mâu Ni Phật và Bồ Tát sẽ không làm việc thừa tức là các Ngài sẽ không cần phải đến thế gian. Vậy mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện ở thế gian!

Nếu ai đang mong “chữa lành” thì quán sát xem đó có phải là “chữa lành” hố sâu tham vọng của chính mình không và nên dùng phương pháp thay thế để xử lý. Trước kia tham, sân hận và lúc nào cũng lo nghĩ về mình thì giờ đừng tham mà chỉ cho đi, đừng sân mà chỉ yêu thương và hãy lo nghĩ về người thì sự tự tư ích kỷ không có chỗ để bám víu.

Tinh thần của nhà Phật là yêu thương vô điều kiện, Phật và Bồ Tát đến để phục vụ chúng sanh rồi ra đi. Nhưng nhiều người xem thường lòng Từ Bi vô điều kiện này đến nỗi những gì miễn phí thì người ta sẽ không tin, phải tốn thật nhiều tiền thì họ mới cho là quý giá. Thế nên, Quý Hòa Thượng sáng lập ra Trung Tâm Phiên Dịch Huệ Quang từng nói với chúng tôi: “Ông dạy học thì phải lấy tiền cho đắt để họ thấy tốn tiền mới học. Không tốn tiền thì họ học chẳng ra thứ gì!

Trở lại câu chuyện của người học Phật, học chuẩn mực Thánh Hiền mà tham gia lớp học nào đó phải mất tiền, chúng tôi nói là cứ để họ học hết khóa rồi về sau họ trở thành một vị giáo chủ hay có thể xây dựng một mô hình hay hơn Khai Minh Đức thì quá tuyệt vời, lợi ích chúng sanh sẽ rất lớn.

Một khi đã có lòng tin thì sẽ cảm nhận lời dạy bảo của Phật Bồ Tát là chính xác. Còn nếu chúng ta nghe theo người thế gian sai sử mình bằng đồng tiền hoặc bằng tập khí phiền não “tự tư tự lợi” thì nhất định sẽ có sai lầm. Vì điểm này mà nhiều người đã bỏ chúng tôi ra đi. Họ bỏ đi, không giúp không có nghĩa chúng tôi không làm được việc. Không ai giúp thì Phật Bồ Tát, Cổ Thánh Tiên Hiền, Thần linh hộ pháp quốc gia sẽ giúp chúng tôi.

Hòa Thượng chỉ dạy một khi Phật pháp xây dựng trên nền tảng “Văn Hóa Truyền Thống” vốn có thì mới phát triển được. Cho nên bên cạnh việc tu hành tụng kinh, niệm Phật được phước còn phải nghĩ đến thúc đẩy tiếp nối “Văn Hóa Truyền Thống”, thúc đẩy hiếu kính là điều vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, những lễ nghi trong “Văn Hóa Truyền Thống” đang dần bị xem thường. Trước đây ở đám cưới, khi xuất giá luôn có nghi thức bái tạ tri ân Ông Bà, Trưởng bối nhưng đa phần mọi người ngày nay đều muốn bỏ qua. Những lễ nghi, phép tắc trong “Văn Hóa Truyền Thống” ở mỗi một quốc gia đều gần gũi với con người, không phải từ nơi xa xôi nào mang đến bởi đều là đạo lý làm người, đều là thờ Cha kính Mẹ, yêu thương Ông Bà, trung thành với Tổ quốc.

Chàng rể nhà chúng tôi không biết, không được dạy các lễ nghi phép tắc nên mỗi lần nói chuyện với chúng tôi: “Hello PapaChào bố” hay “Bye Bye Papa - Tạm biệt bố” sẽ được chúng tôi chỉ dạy thêm về cách chào hỏi cung kính. Chúng tôi còn khuyên cả hai vợ chồng phải biết bảo nhau đến Tịnh tông Học hội để niệm Phật. Cuộc sống mà thiếu phước thì sẽ rất khổ.