46Thứ Sáu, 26/01/2024, 19:17
16 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 16

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 25/01/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 16

Trong bài học hôm qua, Hoà Thượng nhắc, thời kỳ Mạt pháp này, chúng ta phải làm mọi việc bằng tâm vô tư, vô cầu để chúng ta có thể lợi ích chúng sanh một cách tốt nhất. Phật Bồ Tát, Thánh Hiền Nhân đến thế gian đều vô tư, vô cầu, vì chúng sanh lo nghĩ. Chúng ta dùng giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền để trục lợi thì chúng ta có thể có một chút lợi ích nhưng chúng ta đã tạo nghiệp đọa Địa Ngục Vô Gián.

Ngày trước, khi tôi mới đăng các video dạy chữ Hán lên trên mạng, nhiều người gửi thư điện tử cho tôi để hỏi mua giáo trình, tôi nói, tôi không bán giáo trình mà chỉ tặng. Có người gửi thư hỏi xin tôi giáo trình nhưng họ không gọi tôi là Thầy mà gọi gọi tôi là chú, một người dạy chúng ta khiêu vũ hay dạy chúng ta bất cứ môn gì thì chúng ta cũng đã gọi họ là Thầy. Một số học trò sợ tôi không có tài chính nên họ đã gửi biếu tôi số tiền bằng giá rất nhiều quyển giáo trình, chúng ta cho đi thì chúng ta sẽ không thiệt thòi. Ở Cần Thơ, khi chúng ta lắp đặt dây chuyền sản xuất đậu, ban đầu, người phát tâm làm đậu nói rằng, một tuần họ sẽ làm đậu để tặng một, hai ngày, những ngày còn lại họ sẽ làm đậu bán để có tiền nuôi Cha Mẹ. Sau một thời gian, họ nói rằng, họ chỉ muốn làm đậu để tặng, khi họ tặng đậu cho mọi người họ cảm thấy rất vui, khi họ bán đậu họ sẽ phải nài nỉ mọi người mua.

Hòa Thượng nói: “Bố thí như một dòng nước, dòng trước chảy đi thì sòng sau sẽ đến tươi nhuận hơn”. Chúng ta giữ lại tài vật thì tài vật sẽ dần bị mất đi giá trị. Trong tiếng Hán, từ “Hàng hoá” nghĩa là vật để lưu thông, không phải để cất giữ. Chúng ta là người có trí tuệ, chúng ta phải biết chuyển vật chất thành phước báu. Chúng ta hoang phí vật chất, năng lực, sức khoẻ để thoả mãn dục vọng thì chúng ta sẽ bị tiêu hao phước báu. Chúng ta dùng năng lực, tiền của, vật chất, sức khoẻ để làm những việc lợi ích chúng sanh thì chúng ta đã chuyển vật chất thành phước báu.

Chúng ta khởi ý niệm nghĩ đến những người không có thức ăn, áo ấm và có hành động thiết thực vì họ thì chúng ta đã có phước báu. Hôm qua, khi tôi ở sân bay, tôi nhìn thấy một chị lao công, khuôn mặt chị rất buồn, tôi đã biếu chị một chút tiền, chị cảm thấy rất vui và ngạc nhiên. Khi chúng ta tặng quà, chúng ta sẽ vui nhiều hơn người được nhận.

Thích Ca Mâu Ni Phật nhắc chúng ta: “Thế gian là vô thường, cõi nước là không an”. Khi vô thường đến thì tiền bạc chỉ còn là những tờ giấy. Hằng ngày, người thế gian khổ sở chuyển phước báu thành vật chất. Có những người, khi chỉ đường cho người khác họ cũng đòi tiền, họ không muốn hao phí sức lực vì mọi người. Chúng ta có thể giúp được ai thì chúng ta cố gắng làm đây là chúng ta đang chuyển vật chất thành phước báu.

Chúng ta phải tận tâm, tận lực làm, không nên nghĩ đến tiền bản quyền hay nghĩ đến việc giữ bí mật cho riêng mình. Nhiều điều tốt đẹp, nhiều phương thuốc hiệu nghiệm đã bị thất truyền vì mọi người thường muốn giấu giếm. Chúng ta không giấu giếm mà chúng ta hoan nghênh mọi người chia sẻ, chúng ta cho đi một cách vô điều kiện. Chúng ta càng cho đi thứ quý giá thì chúng ta càng có nhiều phước báu.

Có những người coi giáo huấn của Phật Bồ Tát, Cổ Thánh Tiên Hiền là sản phẩm trí tuệ, thuộc quyền sở hữu của họ, ai muốn xem thì sẽ phải trả tiền. Ngày trước, có người đem bài giảng của Ngài Giác Khang đăng lên trang web của họ, ai muốn xem thì sẽ phải trả 200.000vnđ, hiện nay, trang web đó đã bị đánh sập. Hòa Thượng nói: “Tất cả những cách làm đó là nói pháp một cách bất tịnh”. Chúng ta đem trí tuệ của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền biến thành tài sản thuộc sở hữu của riêng mình thì chúng ta đã tạo ra tội nghiêm trọng vậy thì chúng ta không vào Địa ngục thì ai sẽ vào? Chúng ta làm như vậy là chúng ta đã làm đứt đoạn giáo huấn của Phật Bồ Tát, Thánh Hiền, làm đoạn cơ duyên của chúng sanh. Chúng ta làm chúng sanh không phát huy được giới thân huệ mạng vậy thì chúng ta chính là oan gia trái chủ của chúng sanh.

Những ngày gần đây, tôi thường nhớ đến câu nói của người xưa: “Gánh nặng đường xa. Đường càng xa, gánh càng nặng”. Mấy tháng gần đây, tôi đã gói bánh chưng bằng hơn 300kg gạo nếp, sức khoẻ tôi vẫn tốt, tôi vừa trở về Đà Lạt, sắp tới, tôi sẽ đi về miền Tây. Chúng ta nghe và thật làm theo lời Hoà Thượng một cách dũng mãnh, tinh tấn  thì chúng ta sẽ có lợi ích.