51Thứ Tư, 24/01/2024, 21:45
15 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 15

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 24/01/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 15 

Người giảng Kinh nói pháp mà tham danh lợi sẽ tạo nhân địa ngục và việc hạn chế lưu thông Kinh sách chính là bất tịnh thuyết pháp. Nhất thiết phải dụng tâm thái thấp nhất tức là chân thành, cung kính, khiêm nhường và làm ra tấm gương chính là cách bố thí pháp hiệu quả ngày nay.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta giảng pháp hay giảng đạo lý của Phật, của Thánh Hiền cho người khác thì đừng ham danh vọng lợi dưỡng”.

Hệ Thống Khai Minh Đức chúng ta đã có nhiều buổi chia sẻ ở nhiều nơi nhưng đi đến đâu chúng ta cũng không nhận thù lao thậm chí còn tặng thêm quà cho người nơi sở tại. Trong khi một buổi nói chuyện như vậy, nơi sở tại thông thường phải trả rất nhiều chi phí. Hệ thống chúng ta khi làm việc thật sự không cần đến danh nhưng theo thế gian vẫn phải có tên gọi. Chúng ta không vì tên gọi đó mà tô điểm cho bóng bẩy.

Nếu đặt vấn đề “danh vọng lợi dưỡng” thì có thể lúc đầu chúng ta có được rất nhiều tiền, nhưng kiếp nhân sanh này sẽ được bao lâu? Hai mươi, 30, 40 và nhiều nhất là 50 năm nữa có tiền nhiều như vậy để làm gì? Hết đời mình, có đảm bảo đời con cháu nhiều tiền sẽ không tạo nghiệp không? Người xưa từng dạy rất kỹ: “Để tiền cho con chắc gì con giữ được, để sách cho con chắc gì con đã đọc, để âm đức cho con thì đời đời con cháu ấm no.”

Nếu giảng Kinh nói pháp vì “danh vọng lợi dưỡng”, Hòa Thượng nói: “Làm như vậy, có thể thu được một chút lợi ích nhỏ trước mắt thế nhưng đã tạo nhân ác ở địa ngục. Đây là nói pháp bất tịnh. Chúng ta không thể không cẩn trọng”.

Trong xã hội ngày nay, có nhiều chiêu bài về đạo đức chuẩn mực. Miệng thì nói đạo đức nhưng lấy tiền của thiên hạ càng nhiều càng tốt. Đây đều là giả danh chuẩn mực Phật Bồ Tát Thánh Hiền. Đấy chính là nói pháp bất tịnh.

Hòa Thượng chỉ dạy người giảng Kinh nói pháp và chuẩn mực Thánh Hiền mà đem những đạo lý đó rao bán thì đây là tội nghiệp địa ngục. Còn nếu gắn lên Kinh sách hai chữ bản quyền thì chính là chúng ta đã nói pháp bất tịnh. Thích Ca Mâu Ni Phật và các vị Bồ Tát, Thánh Hiền đến thế gian là để tiếp độ chúng sanh, giúp chúng sanh giác ngộ chứ không như ngày nay, nơi nơi đều có bản quyền.

Đồng tiền bất thiện hay tiền thu được từ sự rao bán Phật pháp hay chuẩn mực Thánh Hiền thì rất đáng sợ. Vậy mà chúng sinh lại mù mờ tạo nghiệp nhân lấy lợi nhỏ để rơi vào địa ngục. Kinh sách băng đĩa của Phật pháp hay tất cả những gì liên quan đến Phật pháp đều là trí tuệ của Phật, Bồ Tát, Cổ Thánh Tiên Hiền thì phải tích cực hoan nghênh lưu thông.

Cho nên, chân thật đem giáo huấn của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền tới cho chúng sanh thì phước báu đó có thể thành Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền. Thực hành theo lời chỉ dạy của Hòa Thượng, chúng ta dụng tâm chân thành, cung kính, khiêm nhường và dụng tâm thái thấp nhất khi làm các công việc này.

Mấy ngày nay trời rét đậm, rét hại. Mình còn lạnh như vậy thì biết bao nhiêu người đang đói lạnh. Người có tâm từ bi là khi mình ấm no thì phải nghĩ tới và tích cực làm những việc cần làm để người người được ấm no. Mang đến cho người cơm áo gạo tiền cũng phải dùng tâm chân thành, cung kính, khiêm nhường.

Thế gian không có “cho không biếu không”. Tất cả đều từ nơi tham cầu, vụ lợi. Duy chỉ có giáo huấn của Thánh Hiền, Phật, Bồ Tát là không có bản quyền vậy thì chúng ta phải hoàn toàn cho đi một cách vô điều kiện.

Hôm trước chúng tôi gặp một cô giáo, chúng tôi mới nói: “Sao con đi tham dự lớp này? Bổn phận của con là sưu tập Những Tấm Gương Đức Hạnh Việt Nam thì con phải chuyên tâm làm việc này thì tập thứ 2 của bộ sách mới sớm ra đời được?” Vì sao chúng tôi có cái nhìn như vậy? Vì nếu sớm phổ biến bộ sưu tập những tấm gương đức hạnh của dân tộc ta thì mọi người có thêm những câu chuyện người thật việc thật làm cơ sở cho những hành động cụ thể của mình.

Hôm trước gặp Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Võ Kỳ Anh, chúng tôi được biết một câu chuyện trong dòng tộc của Thầy đã có người anh nhường sự sống cho người em. Lúc ấy có 40 người bị giặc Pháp bắt nhưng hôm đó có một vị quan xin một người sống để cầu con. Người bác của Thầy chính là người đã rút thăm trúng cơ hội được sống nhưng ông đã nhường cho em mình. Ông nói: “Anh đã có vợ con nên em hãy về lấy vợ sinh con để nối dõi tông đường”. Người em được sống chính là ông nội của NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh. Nhờ có sự hy sinh này mà chúng ta ngày nay có một người Thầy khả kính và anh em trong nhà Thầy đều rất giỏi.