52Thứ Sáu, 26/01/2024, 19:17
17 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 17

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 26/01/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 17

Nhiều lời dạy trong “Tịnh Không Pháp Ngữ”, chúng ta cũng đã được nghe khi chúng ta học 1200 chuyên đề và “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”, chúng ta nghe đi nghe lại lời của Thánh Hiền rất tốt, chúng ta nghe qua một hai lần thì chúng ta vẫn chưa thể thẩm thấu vào trong nội tâm chai lì của mình.

Hòa Thượng nói: “Con người ngày nay, rất dễ bị ma chướng vì họ thích cảm ứng, thần thông hay thích “vô công hưởng lộc”. Ma có thần thông, Chư Phật Bồ Tát cũng có thần thông nhưng các Ngài sợ chúng sanh không nhận biết một cách rõ ràng giữa Phật pháp và Ma pháp nên các Ngài dùng giảng Kinh, nói pháp để độ chúng sanh, các Ngài tuyệt đối không nhắc đến thần thông, cảm ứng”.

Chúng sanh thích “Vô công hưởng lộc” nghĩa là chúng sanh không thích bỏ công sức nhưng vẫn muốn có lợi ích. Phật dạy chúng ta bố thí, chúng ta không muốn bố thí nhưng chúng ta muốn có tiền tài, địa vị thì điều này cũng giống như chúng ta không trồng dưa mà chúng ta vẫn muốn có được trái dưa. Ngay cả những người học Phật cũng có tâm cảnh này. Khi chúng ta học 1200 chuyên đề và “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục”, Hoà Thượng đều đã nhắc đến những lời dạy này.

Hôm trước, có một người bị xe tông nên người đó ngã xuống đất và bất tỉnh, có một vị sư đi đến và niệm một câu thần chú thì người bị xe đâm liền có thể đứng dậy. Đây chính là do chúng sanh yêu thích thần thông nên Ma đến. Phật pháp dùng giảng Kinh, nói pháp, dùng sự tu hành nghiêm túc của chính mình để độ chúng sanh. Đây là sự khác biệt giữa chánh pháp và tà pháp. Chư Phật Bồ Tát và đệ tử trải qua đời sống nghiêm túc, dùng thân mình làm ra bài pháp sống động để tiếp dẫn chúng sanh.

Ma chỉ cần dùng một chút thần thông thì rất nhiều chúng sanh đã tin theo. Trong tất cả các môn học, chúng ta cần phải có một vị Thầy chuyên môn đồng thời chúng ta phải nỗ lực, dụng công dài lâu thì chúng ta mới có thành tựu. Nhiều người muốn có thành tựu nhưng không muốn bỏ ra công sức nên họ bị Ma dẫn dụ. Nhiều người bị Ma ám do hằng ngày họ có tâm mong cầu, vọng động, không có chánh tri, chánh kiến, việc làm không chánh đại, quang minh.

Có những người bị Ma nhập nhưng sau đó có người nói rằng: “Công an đến!” thì Ma liền chạy mất. Công an là người chấp pháp nên Ma đã sợ mà bỏ chạy. Ma là tà, tà gặp chánh thì tà sẽ biến mất. Hằng ngày, chúng ta phải giữ tâm chánh, việc làm chánh. Chúng ta tuân thủ giáo huấn của Phật, của Thánh Hiền, luật pháp quốc gia thì đó là chánh.

Gần đây, nhiều người gọi điện cho người khác tự xưng là công an, họ khiến cho mọi người sợ hãi và làm theo mệnh lệnh, chuyển toàn bộ tiền cho họ. Người thế gian thường nói: “Có tật thì giật mình”. Hiện tại hoặc trước đây, chúng ta đã làm việc phạm pháp nên chúng ta luôn lo sợ. Chúng ta làm những việc chánh đại, quang minh thì chúng ta có thể giống như Hòa Thượng nói là: “Ngẩng mặt lên nhìn trời xanh mà vui sống!”.

Có người luôn có cảm giác Ma ở sau lưng, nhìn lá chuối họ cũng tưởng đó là Ma. Ma dùng thần thông để mê hoặc chúng sanh nên Phật Bồ Tát không dùng thần thông. Chư Phật Bồ Tát và đệ tử trải qua đời sống nghiêm túc, dùng thân mình làm ra bài pháp sống động để tiếp dẫn chúng sanh. Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói: “Dĩ thân tác tắc”. Lấy chính mình làm gương. Ngày nay, trong xã hội hiện đại một số việc làm trái với thuần phong mỹ tục đã dần bị loại bỏ.

Ngày trước, khi tôi đi tặng máy niệm Phật cho các cụ ở tỉnh Hưng Yên, trên vỏ hộp có in hình Phật nên các cụ trả lại vỏ hộp cho tôi, các cụ cho rằng mang hình Phật vào nhà thì sẽ có đại tội. Ở vùng đó, nhiều người không dám thờ Phật vì các Thầy pháp nói không được làm như vậy. Những người dân ở đây tiếp nhận lời dạy sai nên nhận biết của họ bị sai. Tư cách, việc làm của Phật đều là mô phạm cho thế nhân nhưng những Thầy pháp nơi đó, dạy người xa lìa hình ảnh, lời dạy của Phật Bồ Tát. Có người trong vùng đó nói, ở nơi đây không dám thờ Phật nhưng khi họ vào trong miền Nam, họ thấy nhà nào học Phật cũng có một gian thờ Phật rất trang nghiêm.

Hòa Thượng nói: “Trong những năm gần đây “Kinh Vô Lượng Thọ” có thể phổ biến khắp thế giới vì Kinh rất dễ hiểu, có đạo lý, có phương pháp, người có trình độ cao hay thấp đều có thể hoan hỷ tiếp nhận. Nếu người có trình độ cao mới có thể nghe hiểu “Kinh Vô Lượng Thọ” thì bộ Kinh này sẽ không thể phổ biến khắp nơi để lợi ích chúng sanh”. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, lời dạy sâu sắc nhất chính là “Tịnh Nghiệp Tam Phước”: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự Sư Trưởng, từ tâm bất sát, tu Thập Thiện Nghiệp”. Tịnh Nghiệp Tam Phước dạy chúng ta hiếu kính với Cha Mẹ, Thầy Cô, với Tổ quốc, với tất cả chúng sanh. Chúng ta có tâm hiếu kính với chúng sanh thì chúng ta sẽ “từ tâm bất sát”, không tùy tiện giết hại chúng sanh. Chúng ta dùng tâm này để đối trị ba nghiệp, đó là thân không sát, đạo, dâm. Nghĩa là thân không sát sanh, không trộm cắp, không khởi ý dâm. Ý không tham, sân, si. Miệng không nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác, nói lời thêu dệt.