48Thứ Ba, 23/01/2024, 15:47
14 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 14

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 23/01/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 14 

Người làm công tác hoằng dương Chánh pháp hay chuẩn mực Thánh Hiền phải nỗ lực hết mình để công tác này được lan rộng, không bị chậm chễ khiến chúng sanh thiệt thòi. Muốn vậy, họ phải tu tập để có “Pháp duyên và Phước báu”. Mặt khác việc giáo hóa không nên khô cứng lỗi thời mà phải linh hoạt.

Hòa Thượng nói: “Pháp duyên và Phước báu đều do chính mình tu được. Nhất là thời kỳ Mạt pháp này, ma chướng rất nhiều, chúng ta phải nên nghĩ làm thế nào trừ bỏ được ma chướng, làm sao giúp cho Chánh pháp lưu truyền vừa rộng vừa xa.

Pháp duyên” là gì? Là mình tạo ra được năng lực mà người khác ở mọi nơi muốn nương nhờ năng lực của mình. “Phước báu” chẳng ai ban cho chúng ta mà phải chính mình tu được. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.

Có người hỏi Hòa Thượng: “Thưa Hòa Thượng, sao Pháp duyên của Ngài thù thắng vậy, rất nhiều nơi mời Ngài?”. Hòa Thượng nói: “Tôi đến bất cứ đâu, tôi chỉ cần pháp tòa còn tiền tài vật chất danh vọng địa vị tôi nhường cho người ta”.

Bất cứ nơi nào Hòa Thượng có mặt trên toàn thế giới thì nơi đó mọi người đến rất đông, tài vật cúng dường dồi dào. Nhưng Ngài chỉ cần pháp tòa. Nếu ai cũng làm như vậy thì “Pháp duyên” sẽ thù thắng. Ngược lại, nếu dành hết tất cả, kể cả tín đồ thì có lẽ người ta sẽ không mời nữa.

Trong mấy tháng nay, chúng tôi đã gói rất nhiều bánh. Hôm nay chúng tôi về Hải phòng dạy các Thầy Cô gói bánh. Đó là “Pháp duyên”! Nếu bất tài vô dụng thì người ta có mời mình đến dạy không?

Chúng tôi từng được mời sang Hoa Kỳ chia sẻ Phật pháp, ban đầu có người phản đối nhưng sau đó chúng tôi được chia sẻ ba buổi và còn tổ chức lễ tri ân Cha Mẹ. Chúng tôi áp dụng tinh thần bốn không: Không ở khách sạn, không tổ chức tiệc tùng, không đi chơi, không nhận thù lao. Nhưng ngược lại, đi đến đâu, cũng tặng quà cho người nước sở tại.

Như vậy muốn có “Pháp duyên” thù thắng thì hãy nhường tất cả mọi thứ cho người và đi đến đâu cũng mang lợi ích đến nơi đó. Nếu đến những nơi tưởng chừng khó có “Pháp duyên” thì phải xét kỹ sẽ thấy khó khăn không phải ở bên ngoài mà chính ở nơi tâm của mình.

Sắp tới, chúng ta sẽ mở Lớp Kỹ năng sống tại Tổ Đình Phước Hậu nên mấy ngày qua chúng tôi thường tương tác với Thầy trụ trì. Thầy rất vui và Ngài đã hiểu các hoạt động của chúng ta đều thiết thực lợi ích cho cộng đồng xã hội. Mình đến để cống hiến điều tốt đẹp chứ không phải để hưởng ké một phần phong quang nơi đó. Đây cũng chính là “Pháp duyên”.

Việc mở các lớp kỹ năng sống hoàn toàn phù hợp với thời kỳ Mạt pháp này, khi lòng người cang cường hiểm độc và nhan nhản các chuyện con giết cha, anh giết em, chồng giết vợ. Vào thời kỳ này, việc đề xướng đạo Cha con, đạo Thầy Trò, đạo vợ chồng, đạo anh em và thúc đẩy xây dựng tốt tinh thần quân thần (mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên) hết sức quan trọng.

Việc thúc đẩy giáo dục luân lý đạo đức như vậy đang góp phần xây dựng một xã hội mà người người đều thượng tôn Pháp luật, sống đúng với phép tắc. Xã hội như thế nhất định sẽ an hòa. Ai ai cũng tranh giành thì ai ai cũng có chướng ngại. Ngược lại, người ta tranh mà mình nhường thì chướng ngại không còn.

Điều quan trọng là trong thời kỳ Mạt pháp này, Hòa Thượng nhắc nhở chúng ta phải tìm cách hoằng truyền Chánh pháp vừa rộng vừa xa. Việc này đòi hỏi phải có đủ “Phước báu và Pháp duyên”. Ngài nói: “Nếu không đủ Phước báu và Pháp duyên thì Ma chướng sẽ rất nhiều, Chánh pháp sẽ tiêu mất hoặc thời gian Chánh pháp hay chuẩn mực Thánh Hiền được hoằng dương bị lùi lại.

Ý Hòa Thượng muốn nói đến cơ hội giáo dục trong từng giai đoạn của chúng sanh. Ví dụ trẻ từ 0-3 tuổi và 3-6 tuổi là những giai đoạn giáo dục vô cùng quan trọng nên nếu các con không được tiếp nhận chuẩn mực thì sẽ bị trễ. Có người chỉ vì không biết, không nghe được chuẩn mực Thánh Hiền mà đã dẫn tới đổ vỡ gia đình. Ngược lại, biết đúng lúc thì sẽ giải quyết mọi vướng mắc.

Người học Phật có tâm yêu thương chân thật sẽ nhận thấy việc hoằng dương Chánh pháp và chuẩn mực Thánh Hiền lúc nào cũng cấp bách nên sẽ không để thời gian trôi đi lãng phí vì e sợ chúng sanh mất cơ hội. Họ biết rằng chỉ cần nỗ lực cố gắng hơn một chút thì nhiều chúng sanh được lợi ích.