18Thứ Ba, 23/04/2024, 18:30
105 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 105

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 23/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 105 

Hòa Thượng sách tấn chúng ta đời này thiện căn đã chín muồi, gặp lại pháp môn Tịnh Độ thì không nên mơ hồ nữa. Chỉ cần công phu niệm Phật thành khối thì chúng ta sẽ vãng sanh. Đây là cảnh giới ai cũng có thể đạt được. Nếu chúng ta phát tâm niệm Phật thì Phật quang liền phổ chiếu khiến ma quỷ tránh xa, nhờ đó bước đường tu an ổn. Người niệm Phật thì mỗi niệm phải ở nơi đạo. Đạo chính là A Di Đà Phật, là Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, là ba nghiệp thanh tịnh.

Hòa Thượng nói: “Định là nền tảng của niệm Phật tam muội. Niệm Phật tam muội bao gồm nhất tâm bất loạn, sự nhất tâm bất loạn và công phu thành khối. Chỉ cần công phu niệm Phật thành khối thì nhất định có thể vãng sanh. Cảnh giới này người người đều có thể đạt được.

Hòa Thượng nói như vậy là dạy chúng ta buông bỏ tất cả ý niệm mà chuyên tâm nghĩ đến y chánh trang nghiêm của Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Chỉ cần giữ chặt một câu A Di Đà Phật, khiến trong dòng ý niệm của chúng ta, câu A Di Đà Phật kết chặt thành một khối, không có một vọng niệm nào xen tạp thì gọi là niệm Phật thành khối.

Để đạt được niệm Phật thành khối, chúng ta ngày ngày phải chuyên cần niệm Phật và dùng mọi phương tiện để nhớ niệm, ví dụ như đặt máy niệm Phật khắp nơi kể cả khi ngủ để tiếng Phật hiệu đi sâu vào A Lại Da Thức của chúng ta. Làm được như thế thì khi lâm chung nhờ sự gia trì của Phật, chúng ta có thể đạt đến cảnh giới này.

Tuy nhiên, chúng ta khởi vọng tưởng quen rồi nên khởi một câu A Di Đà Phật rất là khó. Trong dòng sanh tử của chúng ta, khi tới phút lâm chung, niệm nào mạnh nhất thì chúng ta sẽ đi theo niệm đó, Phật có cản cũng không được. Cho nên tu hành là thay đổi ý niệm. Tại sao chúng không nhớ niệm Phật mà lại dễ niệm danh, niệm lợi là vì chúng ta niệm Phật quá ít.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu học pháp môn khác, khi gặp oan gia trái chủ đến nhiễu loạn thì khó tránh khỏi. Đối với pháp môn niệm Phật, chỉ cần chúng ta phát tâm niệm Phật thì Phật quang liền phổ chiếu, gia trì hỗ trợ khiến tất cả yêu ma quỷ quái đều không thể tiếp cận được chúng ta. Nhờ đó bước đường hành đạo của chúng ta sẽ rất an ổn. Người chân thật niệm Phật thì mỗi tâm mỗi niệm đều ở nơi đạo.

Khi gặp chướng ngại chúng ta không để chướng ngại làm tâm ta nổi sân hận hay khởi ý niệm phân biệt, chấp trước mà lúc đó chúng ta đề khởi câu A Di Đà Phật. Nhờ đó tâm chúng ta sẽ trùng xuống, mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng, không căng thẳng. Bên trong niệm Phật, bên ngoài Ma lực tác động cũng không ảnh hưởng đến chúng ta. Ngược lại, bên trong sân hận gặp Ma lực tác động sẽ khiến chúng ta có hành động sai lầm.

Hòa Thượng tiếp lời: “Đạo chính là A Di Đà Phật, là Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, là ba nghiệp thanh tịnh.”

Làm thế nào để ba nghiệp thanh tịnh? Đó là ngày ngày quán chiếu, dùng câu A Di Đà Phật để ngăn miệng đừng nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thô ác, nói lời thêu dệt; Ý thì nghĩ đến A Di Đà Phật, sự trang nghiêm của Thế Giới Tây Phương Cực Lạc; Thân thì ngày ngày làm việc Phật, làm lợi ích chúng sanh, không làm các việc sát đạo dâm.

Vậy thì”, Hòa Thượng khẳng định: “tuyệt đối không hề có Ma sự. Bị Ma ám, ma dựa là vì tâm chúng ta không ở nơi đạo”. Ma sự là những việc sai trái hay việc bị sai khiến bởi tập khí xấu ác. Tâm chúng ta không ở nơi đạo, không ở nơi chuẩn mực của Phật nên mới bị Ma dẫn dắt.

Hòa Thượng từng nhắc chúng ta “tự tác tự thọ – tự mình làm tự mình chịu” nghĩa là cho dù Ma hay oan gia trái chủ đến ác hại mà tâm chúng ta luôn kiểm soát chính mình, xa rời “danh vọng lợi dưỡng”, xả bỏ “tự tư tự lợi”, dùng thân này hy sinh phụng hiến, phục vụ Phật pháp, phục vụ chúng sanh thì Ma không thể phá. Ngược lại, chúng ta chìm trong danh lợi sẽ bị Ma lôi cuốn.

Điều này chúng ta có thể chiêm nghiệm qua cuộc sống ở thế gian. Có người cả đời đều thanh liêm nên cuộc sống không có việc bất an xảy ra nhưng có người “thân bại danh liệt” là do họ chìm trong danh lợi và làm những việc sai trái. Họ đồng phạm với Ma, mở cửa cho Ma vào. Đúng như Hòa Thượng nói tâm chúng ta không ở nơi đạo nên bị Ma dựa.