18Thứ Tư, 24/04/2024, 21:48
106 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 106

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 24/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 106 

Nhờ lòng từ bi của Phật A Di Đà mà phàm phu nghiệp nặng một đời có thể vãng sanh, một việc mà nhiều người tu hành không giải quyết được. Do đó, thiên Kinh vạn Luận đều dạy bảo chúng ta quay về chuyên niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Pháp niệm Phật siêu việt hơn các pháp môn khác do người niệm Phật có bổn nguyện, công đức của Phật A Di Đà nhiếp thọ. Tuy nhiên, phàm phu không hiểu sự thật này nên không buông xả vẫn hướng tâm ra bên ngoài.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Mỗi pháp môn đều rất thù thắng. Thế nhưng người niệm Phật có bổn nguyện, công đức của Phật A Di Đà nhiếp thọ cho nên pháp niệm Phật siêu việt hơn tất cả các pháp môn khác. Khi chúng ta niệm A Di Đà Phật thì A Di Đà Phật cũng đang nhớ đến chúng ta”.

Hòa Thượng nhắc đến tám vạn bốn ngàn pháp môn là ý muốn nói Phật pháp có rất nhiều pháp môn. Pháp môn Tịnh Độ vừa có tự lực của hành giả vừa có tha lực của Phật A Di Đà còn các pháp môn khác chỉ có tự lực. Trên Kinh, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã giới thiệu 48 đại nguyện của Đức Phật A Di Đà trong đó khẳng định nếu có chúng sanh niệm danh hiệu Ngài thì Ngài sẽ tiếp nhận.

Hòa Thượng khẳng định khi chúng ta niệm A Di Đà Phật thì A Di Đà Phật cũng đang nhớ đến chúng ta. Danh từ, thuật ngữ, lời nói có thể làm người ta hiểu lầm rằng Phật A Di Đà mà nhớ nghĩ đến chúng sanh thì Ngài còn vọng niệm. Nhưng chúng ta nên biết rằng chúng sanh nào khởi niệm tương ứng với bổn nguyện của Ngài là đã hòa nhập với biển nguyện của Ngài nên sẽ nhận được sự gia trì, được Phật quang phổ chiếu. Giống như những chiếc máy bộ đàm có cùng tần số có thể kết nối với nhau. Hay người ta có thể nói chuyện với nhau qua những chiếc điện thoại có cùng sóng từ một hoặc nhiều nhà mạng.

Hòa Thượng nói: “Phàm phu trí tuệ cạn, vọng tưởng nhiều, không hiểu rõ được chân tướng sự thật này, cho nên không thể buông xả được, vẫn luôn mơ hồ mờ mịt, hướng ra bên ngoài tâm mình để tìm cầu. Trên thực tế, một câu A Di Đà Phật đã đầy đủ, đã viên mãn trí tuệ và phước đức.

Có người niệm cả đời mà không thấy trí tuệ hay phước đức nên họ mất niềm tin. Khi chúng ta niệm Phật thì tâm chúng ta nhớ đến Phật hay đến vọng tưởng? Niệm Phật mà vẫn vướng vào buồn vui, yêu ghét, giận hờn, hơn thua, tốt xấu thì niệm cả đời cũng không khai mở được trí tuệ, tích được phước báu. Muốn tương ưng với Phật phải niệm từ tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi.

Nếu làm được như Hòa Thượng Hải Hiền thì chúng ta sẽ thành tựu được như Ngài. Ngài cả đời chỉ niệm một câu A Di Đà Phật, mọi công việc khác Ngài làm hết sức trong bổn phận mà không vướng bận trong tâm. Cho nên Ngài tự tại vãng sanh lưu lại toàn thân xá lợi. Khoa học cũng không thể chứng minh được tại sao thân thể của Ngài không bị hoại. Có thể nói sức định của người niệm A Di Đà Phật không phải là thấp. Hòa Thượng Hải Hiền nhờ niệm Phật đã đưa thân vật chất dễ hư hoại của mình thành thân kim cang bất hoại. Vậy mà người ta vẫn chê pháp niệm Phật là thấp, là của ông già, bà lão.

Hòa Thượng thường nhắc chỉ cần một câu A Di Đà Phật niệm đến cùng mà không cần thêm một danh hiệu Phật hay chú nào khác. Các Tổ sư Đại đức cũng từng yêu cầu hành giả niệm Phật không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Khi đang bất an, chúng ta lại niệm Bồ Tát Quan Âm; khi thấy mình có bệnh, chúng ta lại niệm Phật Dược Sư. Như vậy trên tổng cưỡng lĩnh tu học Tịnh Độ, người như thế đã rơi vào trạng thái hoài nghi, xen tạp và gián đoạn. Cho nên nếu khuyên người niệm Phật theo cách đó là điều không nên, tạo nhân quả xấu cho chính mình.

Hòa Thượng trích lời Phật nói trên Kinh Đại Tập rằng một câu A Di Đà Phật là đại thần chú, là đại minh chú, là tổng trì các loại chú. Chúng ta chỉ cần dùng tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi mà giữ niệm A Di Đà Phật thì tâm chúng ta sẽ không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, sẽ có sức định. Sức định càng cao như Hòa Thượng Hải Hiền thì lưu lại toàn thân xá lợi.

Có những người biết việc này thì lý giải rằng trong vô số người, có những người có cơ địa đặc biệt. Vậy hãy tự xét xem, cơ địa đó tại sao không ở trên thân một người bình thường mà ở trên thân một vị Hòa Thượng 90 năm niệm Phật? Cả đời hành pháp của Ngài đã biểu pháp cho chúng sanh. Ngài chân thành, chất phác, yêu lao động, làm mọi việc phục vụ người khác mà trong lòng chỉ một câu A Di Đà Phật.