/ 19
40

 

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa

 

SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 11

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 21/06/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu

 

Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tôn kính. Chúc mọi người buổi chiều tốt lành! Mời để tay xuống.

Chúng ta tiếp tục học tập môn thứ ba là “không dâm dục” ở trong 10 giới. Chúng ta đang nói về “tùy văn thích nghĩa”, giảng đến đoạn cuối rồi. Câu cuối cùng trong đoạn này là: “Nếu khởi tâm dâm thì phải nghiêm khắc tự trách chính mình”. Hôm qua chúng tôi đã giới thiệu những phương pháp đối trị tâm dâm rồi, tổng cộng có 10 loại:

“Thứ nhất là tu tâm hổ thẹn; thứ hai là ngừng dứt tư duy tà vạy; thứ ba là quán tâm vô thường; thứ tư là quán tâm chân như; thứ năm nghĩ là người thân; thứ sáu nghĩ là oan gia”. Hôm qua giảng đến chỗ này. Tiếp theo nói: Thứ bảy nghĩ là tôn trưởng, tức là khi chúng ta đối diện với nữ sắc hoặc người nữ đối diện với người nam đều nên quán tưởng họ là tôn trưởng của chúng ta, cũng tức là quán tưởng hết thảy chúng sanh đều từng là cha mẹ, sư trưởng của chúng ta. Trong “Phạm Võng Bồ-tát Giới” nói: “Tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta, đời đời ta được họ sanh ra, cho nên chúng sanh sáu đường đều là cha mẹ ta”. Do đó, khi chúng ta khởi cách nghĩ là cha mẹ, nghĩ là tôn trưởng thì tự nhiên sẽ không khởi tâm dâm dục nữa.

Thứ tám nghĩ là bất tịnh, cũng gọi là quán bất tịnh. Pháp quán này là quán thân thể chúng ta và thân thể của hết thảy chúng sanh đều không thanh tịnh. Pháp quán này vô cùng hiệu quả để đối trị dâm dục. Trong kinh giáo, Phật nói chúng sanh nhiều dục phải tu quán bất tịnh. Vì sao bạn khởi tham dục đối với sắc thân? Là vì bạn ngộ nhận rằng nó thanh tịnh, nó tốt đẹp, nhưng khi bạn có thể nhìn thấu sắc thân là ô uế không chịu nổi, thối không thể ngửi thì đương nhiên sẽ không khởi tham ái nữa. Hiện nay thời khóa tối mỗi ngày chúng tôi đang giảng “tứ chủng thanh tịnh minh hối trong kinh Lăng-nghiêm”, giảng đến “thanh tịnh minh hối đầu tiên” chính là không dâm dục. Chúng tôi sẽ giới thiệu tường tận về quán bất tịnh. Ở đây chỉ nói sơ lược qua mà thôi. Sau này mọi người có nhân duyên thì có thể nghe giảng giải về “quán bất tịnh” trong thời khóa tối của chúng tôi. Bài giảng giải đó tương đối chi tiết.

Đơn giản mà nói, thân thể của chúng ta bất luận là nam hay nữ, chủng tử ban đầu chính là không thanh tịnh, là tinh cha huyết mẹ hòa hợp lại mà thành, đây là nói trứng đã thụ tinh. Thức thứ tám đi vào trong đây, ôm lấy tinh cha huyết mẹ làm thân thể của mình, căn nguyên đầu tiên này chính là không thanh tịnh. Sau đó trải qua 7 ngày dần dần lớn lên, như vậy 7 ngày, 7 ngày không ngừng biến hóa cho đến 10 tháng thì ra khỏi bào thai, trong thân thể có chứa 36 loại bất tịnh. Trong thời khóa tối thì chúng tôi đã giảng tường tận về 36 loại bất tịnh này rồi. Từ ngoài vào trong đều là bất tịnh, từ lúc sanh ra đến già đến chết, cuối cùng thân thể bị hư hoại, bốc mùi hôi thối, trương lên, nước vàng chảy ra, biến thành thâm tím, thậm chí cuối cùng gió thổi nắng phơi bắt đầu khô quắt mục nát, sau cùng chim thú sẽ ăn thịt của chúng ta, để lại những khúc xương vương vãi. Nếu châm lửa thiêu sạch thì sẽ trở thành một lọ tro cốt. Cho nên, đây là nói con người từ lúc sanh ra đến khi chết đi, từ đầu đến cuối đều không sạch sẽ, thường quán sát như thế thì tâm dâm dục của chúng ta tự nhiên có thể được hàng phục.

Tiếp theo: Thứ chín là chuyển ý niệm sang niệm Phật. Điều này đối với người niệm Phật như chúng ta đặc biệt quan trọng. Khi phiền não dâm dục vừa khởi lên thì lập tức phải dùng một câu A-di-đà Phật để đè nó xuống, phải đè thật nhanh, không được để ý niệm phiền não tiếp diễn, phải dùng chánh niệm để thay thế ác niệm. Việc này bình thường chính mình phải dụng công niệm Phật nhiều. Mỗi ngày phải có định khóa, không ngừng luyện tập, công phu Phật hiệu mạnh rồi thì có thể đối trị phiền não, lại cộng thêm sự gia trì của A-di-đà Phật. A-di-đà Phật là thanh tịnh quang, là giải thoát quang, khi chúng ta niệm Phật thì Phật quang sẽ chiếu vào chúng ta, khiến nghiệp chướng của chúng ta được tiêu trừ, phiền não tự nhiên mất hết, đây là dựa vào tha lực để thành tựu.

/ 19